Hiến máu tình nguyện - hành trình lan tỏa

GD&TĐ - Phong trào hiến máu tình nguyện đã trải qua hành trình 10 năm, tạo nên những thay đổi rõ rệt, số đơn vị máu và số tình nguyện viên hiến máu. Đây là kết quả một sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành y tế.

Hiến máu tình nguyện - hành trình lan tỏa

Tuy nhiên, đến nay công tác hiến máu tình nguyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua trong thời gian tới để đảm bảo đủ nguồn cung cấp máu an toàn trong điều trị bệnh tật.

Vượt hàng chục cây số để hiến máu tình nguyện

Là một trong những người được tuyên dương tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện, ông Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bước sang tuổi 75 – cái tuổi không còn được hiến máu nhưng ông đã không quản ngại vất vả để đi vận động nhiều người tham gia hiến máu, tất nhiên trong đó có cả gia đình mình.

Chia sẻ về điều này, ông Duật cho biết: Khoảng 5, 6 năm đầu, việc vận động hiến máu còn gặp nhiều khó khăn, phải đi nhiều nơi để xin các tờ rơi tuyên truyền, các văn bản, quy trình của việc hiến máu… rồi đến phát cho mọi người, dành thời gian tâm sự với họ và lấy ví dụ về việc cả gia đình ông đều tham gia hiến máu nhưng chẳng ai bị ốm đau.

Không chỉ ông Duật mà hơn 135.000 thành viên hiến máu tình nguyện trên cả nước đều có tâm niệm muốn chia sẻ những giọt máu của mình để mang lại sự sống cho người khác. Bà Lê Thị Hà (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tham gia hiến máu cách đây 20 năm, từ khi phong trào hiến máu chưa về địa phương. Trong Lễ hội Xuân hồng 2018, dù đang bận rộn đi cấy nhưng nghe tin có chương trình hiến máu, bà cũng tranh thủ cùng hai con của mình đến hiến máu. Trên gương mặt rạng rỡ niềm vui, bà Hà cho biết đây là lần hiến máu thứ 35 của mình.

Chị Nông Thị Gấm (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) năm nay 37 tuổi, bắt đầu điều trị bệnh Tan máu bẩm sinh từ khi mới 5 tuổi. Hơn 30 năm đi điều trị bệnh, chị đã phải truyền gần 1.000 đơn vị máu. Cảm động trước tấm lòng, tình cảm và sự nhiệt tình của những người tình nguyện, chị bày tỏ: “Tôi rất xúc động và biết ơn khi nhìn thấy hàng nghìn người đến hiến máu. Những người bệnh chúng tôi lại có thêm nguồn máu và được truyền máu mà không phải chờ đợi”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hàng loạt các sự kiện, chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô và bài bản như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng; sự kiện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7.4; Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè và “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật đỏ”... đã căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu ngườibệnh nhờ đó đã được cứu sống. Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 72% (năm 2008) lên 98% (năm 2017).

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Thị Kim Tiến, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta mặc dù khởi đầu muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vựcvà trên thế giới, tuy nhiên hiện đã có những bước phát triển mạnh mẽ.Tính đến năm 2017, trên cả nước có hơn 3.300 câu lạc bộ hiến máu với 135.000 thành viên (tăng gần 5 lần về số câu lạc bộ và 6 lần số thành viên so với năm 2008).

Thành công là vậy nhưng công tác hiến máu tình nguyện còn gặp các khó khăn, thách thức trong khi nhu cầu điều trị máu và các chế phẩm của người bệnh tiếp tục tăng. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu chưa phù hợp và rộng khắp tới mọi người có tiềm năng. Đối tượng tình nguyện chủ yếu vẫn là HSSV nên thường vào mùa hè, hoặc nghỉ Tết Nguyên đán lượng máu thường khan hiếm.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích, động viên người hiến máu chưa được thực hiện đầy đủ. Một số bệnh viện công lập chưa thực hiện chính sách hoàn máu cho người hiến tình nguyện khi phải vào viện điều trị... Thiết nghĩ, để thông điệp “Hiến giọt máu đào - trao đời sự sống” lan tỏa đến mọi người dân, công tác tuyên truyền và thực hiện công tác vận động hiến máu nhân đạo cần tiếp tục phải nỗ lực trong những năm tiếp theo. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện trong 10 năm qua, số đơn vị máu nhận được là hơn 10.000 đơn vị máu mỗi năm tăng trung bình 8,5%, so với năm 2008, năm 2012 tăng gấp gần 2 lần và đến năm 2017 tăng hơn gần 3 lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...