Điều này khẳng định tài năng và sự kế cận đầy tin tưởng của một lớp nhạc sỹ trẻ, họ đã và đang chứng tỏ bản thân là một thế hệ trẻ đầy tiềm năng của làng nhạc Việt.
Bộ mặt mới của âm nhạc Việt
Sau một thời gian dài chìm đắm trong nhạc sến và thảm họa, nhạc Việt đang dần khởi sắc nhờ những tài năng âm nhạc tâm huyết và đam mê với nghề.
Những cái tên như Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường, Nguyễn Đức Hùng, Khắc Hưng, Ái Phương… dù không phải quá ồn ào nhưng họ đã vẽ nên một bức tranh âm nhạc đa sắc màu và rất trẻ trung, hiện đại.
Cá tính và đầy sáng tạo là những từ dành cho những cây viết trẻ hiện nay. Phạm Toàn Thắng, một nhạc sĩ trẻ để lại những ấn tượng bởi sự sáng tạo dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian, biết đưa vào tác phẩm của mình một cách nhuần nhuyễn chất liệu ấy.
Ca khúc “Bốn chữ lắm”của anh khá lạ và đầy sức hấp dẫn, tròn trịa về cảm xúc, đầy sáng tạo trong phong cách viết và ngôn từ đã mang lại dấu ấn khá đậm trong lòng khán giả.
Một gương mặt trẻ khác cũng có bút lực sung mãn hiện nay là Vũ Cát Tường. Cô được giới trẻ yêu nhạc yêu thích bởi những tâm sự khắc khoải trong các bản tình ca của mình.
Đó là những trải nghiệm tình yêu của bản thân được chuyển thành ca khúc nhưng chính điều đó giúp cô nhận được sự đồng cảm của khán thính giả.
Trường hợp Đỗ Hiếu, Hoàng Huy Long… có những sáng tác thiên về tiết tấu nên luôn “đắt khách” trong thời buổi thị trường âm nhạc đang yêu chuộng nhạc EDM.
Những ca khúc sôi động theo sát xu hướng âm nhạc thịnh hành trên thế giới của họ không chỉ làm hài lòng khán - thính giả trẻ mà còn cho thấy thế mạnh của lớp sáng tác trẻ hiện nay.
Tài năng vẫn cần khổ luyện
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nói: “Nếu cho chúng tôi một kênh truyền hình về âm nhạc để giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới thì chắc chắn đời sống âm nhạc sẽ cực kỳ phong phú”.
Những sáng tác của những người trẻ không chỉ mang đến cho công chúng cái áo mới của giai điệu, phần hòa âm mà còn là sự ý thức về ngôn ngữ, nét đẹp của tiếng Việt thông qua việc chọn lựa, dụng công cho sáng tác nghệ thuật.
Song, ít ai biết rằng để có được những thành quả như ngày nay, các tác giả trẻ đã trải qua quá trình học hành nghiêm túc và lăn lộn học việc tại các studio của những công ty sản xuất âm nhạc.
Có những người gặp may mắn ngay từ bước chân đầu tiên trên con đường sự nghiệp như Phạm Toàn Thắng. Dù không học trường nhạc chuyên nghiệp nhưng Thắng đã học và chơi nhạc cụ từ những năm còn là học sinh THCS. Tuy nhiên, nhiều tác giả trẻ cũng phải trải qua những buổi học việc, trải nghiệm nhiều khổ luyện để thành công.
Nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ: “Thời gian qua, chúng ta vẫn thường trao cho người ca sĩ quyền năng quyết định sự thăng trầm của một nền âm nhạc.
Nhưng thực tế đã chứng minh, người nhạc sĩ dù không phải là đối tượng được săn đuổi, hay cát sê cao ngất ngưởng nhưng chính họ mới là những người nắm giữ chiếc chìa khóa sáng tạo làm nên một diện mạo âm nhạc có giá trị.
Nhạc trẻ Việt Nam cũng rất cần những ca sĩ trẻ, có những ca khúc đi kịp, đi cùng thời đại để thỏa mãn và hợp với thị hiếu của người nghe nhưng điều đó không có nghĩa với sự lai căng, sao chép âm nhạc nước ngoài thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa trong cách viết. Sự sáng tạo phải được đặt trong tài năng và sự khổ luyện”.