Nhạc sĩ Phong Nhã: Người gieo những ước mơ tuổi thơ

Nhạc sĩ Phong Nhã: Người gieo những ước mơ tuổi thơ

Gieo những ước mơ tuổi thơ

Lúc sinh thời, khi bỏ công, bỏ của để cùng với một số nhạc sĩ thực hiện bộ tổng tập “Bài hát thiếu nhi Việt Nam: Giai điệu tuổi thần tiên”, nhạc sĩ An Thuyên từng chia sẻ: “Tuổi thơ tôi đã gặp những ông Tiên, ông Bụt (trong tiềm thức dân gian). Họ bằng xương, bằng thịt, đó là những người dành trọn cuộc đời viết bài hát cho thiếu nhi, đã cho tôi những ước mơ để lớn lên làm “Người””.

Có thể thấy, cách gọi các nhạc sĩ dành trọn đời viết bài hát cho thiếu nhi là những “ông Tiên, ông Bụt” như nhạc sĩ xứ Nghệ - An Thuyên chẳng sai. Điều đó lại càng đúng với nhạc sĩ Phong Nhã khi chúng ta nhìn vào “gia tài” âm nhạc của ông: Ăm ắp những giai điệu thần tiên với khoảng 250 ca khúc.

Được biết, ngay từ tuổi 20, nhạc sĩ Phong Nhã đã bắt đầu viết ca khúc cho thiếu nhi bằng những kiến thức tự học nhạc lý, chơi nhạc cụ dân tộc. Đấy là câu chuyện về cậu bé Nguyễn Văn Tường (tức nhạc sĩ Phong Nhã) – ở Duy Tiên, Hà Nam tuy nhà nghèo nhưng giỏi văn, mê đàn, sáo để rồi được cử làm quản ca đội nhạc ở trường học. 

Lúc được phân công làm Bí thư Hội Nhi đồng cứu vong, anh thanh niên tên Tường đã viết tác phẩm đầu tay “Nhanh bước nhanh nhi đồng” nhanh chóng rộn rã bước vào đời sống của trẻ thơ nước nhà, giống như bài “nhi đồng ca” – nhất là với thế hệ từ 8X trở về trước.

Nối tiếp đó, Phong Nhã tiếp tục nổi danh với hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Cùng nhau ta đi lên” (Đội ca), “Đi ta đi lên”, “Chi đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Kim Đồng”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”...

Theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, phải là một người rất yêu mến trẻ thơ thì mới có thể dành cả cuộc đời viết cho thiếu nhi và viết rất hay như thế. Mỗi bài hát của ông dù là ở thể loại hành khúc hay trữ tình thì lúc nào cũng tươi sáng, phơi phới gieo niềm tin, ước mơ. 

Vậy nên, nhạc sĩ An Thuyên đã rất đúng khi bộc bạch: “Ngày ấy, gian khổ lắm, nghèo lắm, nhưng chúng tôi giàu lời ca, tiếng nhạc, những bài hát thiếu nhi cho tôi và các bạn bè quê tôi khát vọng, cháy bỏng một tình yêu lớn. Những giai điệu ấy như dòng sữa mẹ ngọt lành nuôi tôi lớn lên làm “Người” biết yêu Tổ quốc, yêu con người”.

Một tổn thất lớn

Cô giáo Hứa Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên – Long Biên – Hà Nội biết tin nhạc sĩ Phong Nhã qua đời khi đang thực hiện “Hành trình nhân ái mùa Covid-19” tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. 

Dâng trào trong cô là nỗi tiếc thương khi từ đây phải chia xa một thần tượng của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Những ký ức tuổi thơ ngày ngày cô bé Thu Huyền cùng bạn bè nghe đài, loa truyền thanh và thuộc làu làu những bài hát của người nhạc sĩ tài hoa này lại ùa về. 

Những kỷ niệm cô say sưa hướng dẫn, dàn dựng các chương trình biểu diễn sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã cho học sinh trong suốt mấy mươi năm qua cũng lần lượt hiện lên cùng nỗi niềm trăn trở: Dường như học sinh bây giờ không nhiều em biết hát những bài hát đi cùng năm tháng ấy. 

Theo cô Huyền, lỗi này không phải ở các em mà có lẽ lỗi ở những người thầy, những ngôi trường chưa tích cực phổ biến tới các em.

Là người sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi và có khá nhiều ca khúc được nhận giải thưởng như “Mái trường em yêu”, “Chú hải quân”, “Bốn mùa em yêu”... cô Huyền còn chia sẻ về nỗi hụt hẫng cùng niềm luyến tiếc. Cũng vì, giờ đây những nhạc sĩ dành trọn cuộc đời viết cho thiếu nhi như nhạc sĩ Phong Nhã không nhiều, thậm chí còn khá hiếm. Thế nên, khi những thế hệ nhạc sĩ gạo cội như ông cứ dần ra đi sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn cho âm nhạc thiếu nhi. 

“Dẫu biết rằng nhạc sĩ đi xa ở tuổi 96 đã là rất quý nhưng tôi vẫn bất ngờ và tiếc nuối. Đấy là niềm tiếc nuối khi những nhạc sĩ gạo cội như ông cứ dần xa tuổi thơ trong khi thế hệ nhạc sĩ trẻ nối tiếp còn khá hiếm. Nhạc sĩ tài năng vẫn có nhưng còn ít người đắm đuối, say mê với thiếu nhi” – cô giáo Thu Huyền bày tỏ.

Cô giáo Lê Vân (Trường Tiểu học Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bồi hồi tưởng nhớ đến nhạc sĩ Phong Nhã cùng kỷ niệm không thể quên về buổi lễ kết nạp Đội cô tổ chức bên lăng Bác Hồ. 

Khi bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” vang lên, các em học sinh đều lặng đi. Lễ kết nạp này được cô Vân dựng clip, trong đó có giới thiệu về nhạc sĩ Phong Nhã cùng bài hát. 

“Những bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã đã rất xưa nhưng những giá trị lịch sử thì không bao giờ thay đổi. Vả lại, cách chuyên chở những giá trị lịch sử của ông trong mỗi bài hát không hề hô hào khẩu hiệu mà đều rất trữ tình, lắng đọng. 

Vậy nên, chẳng riêng gì thế hệ 7X, 8X thuộc làu, thế hệ 9X, 2K các em cũng luôn muốn được nghe, được hát. Chỉ tiếc là dường như những bài hát này chỉ được vang lên ở dịp kỷ niệm nào đó như sinh nhật Bác Hồ, ngày thành lập Đội, thành lập Đoàn... mà chưa được phổ biến thường xuyên” – cô giáo Lê Vân trăn trở.

Vì dịch Covid-19, tang lễ của nhạc sĩ Phong Nhã được gia đình tổ chức nhỏ gọn vào sáng nay, ngày 31/3 tại Nhà tang lễ Thanh Nhàn (Hà Nội). 

“Nhạc sĩ Phong Nhã là người có công lao rất lớn cho nền âm nhạc nước nhà, nhất là cho âm nhạc thiếu nhi. Ông sáng tác rất sớm – lúc 20 tuổi và từ những năm 1940, ông đã viết những bài hát đi cùng năm tháng – không phải ai cũng làm được. Với một người dành cả cuộc đời viết cho thiếu nhi như ông, thế hệ chúng tôi rất ngưỡng mộ, trân trọng. Ông ra đi như sự tổn thất rất lớn và vô cùng tiếc thương” – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ