Âm nhạc vì con người
Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm sinh năm 1956, quê ở Bình Dương. Ông từng công tác tại Sở Nhà đất TPHCM và Cung Văn hóa Lao động TP. Từ năm 1975, ông tham gia hoạt động trong phong trào văn nghệ thanh niên, sinh viên thành phố. Năm 1990, ông làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ tại Hội Âm nhạc TPHCM.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Long, âm nhạc gắn bó với Nguyễn Tôn Nghiêm như một hệ lụy có tính "sứ mệnh". Không chỉ vậy, với ông, nhạc sĩ cũng phải có sứ mệnh riêng. Đó là sứ mệnh vì con người - âm nhạc vì con người. Vì thế mà ông tự rèn luyện, nuôi dưỡng và thăng hoa không chỉ bằng đam mê mà còn trách nhiệm. Mỗi ca khúc của ông được chắt chiu bằng những câu chữ đầy tính chiêm nghiệm, giàu hình ảnh cảm xúc.
Một số ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm được phổ biến, giới thiệu trên các hệ thống truyền thông và được giới trẻ rất hoan nghênh đón nhận như: Trăng sáng, Chú ong hóa thạch, Đường ta đi tới, Hoa quỳnh xanh, Sài Gòn - thành phố mùa xuân, Trường Sa thân yêu, Gã si tình rong rêu, Chỉ còn nỗi nhớ… Trong đó, hai ca khúc "Chiều vắng" và "Dòng thời gian" được yêu thích nhất qua tiếng hát ca sĩ Thy Nga và Thùy Dương.
Ông được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng và một số giải thưởng của Trung ương, địa phương dành cho các sáng tác của mình.
Nhiều nghệ sĩ nói rằng, "Dòng thời gian" chính là một sáng tác bất hủ của Nguyễn Tôn Nghiêm, nhưng sáng tác ấy cũng là một dự cảm xa xăm về chính sự ra đi của mình: Con chim ngoan ơi, một ngày kia sẽ ngừng hót/ Theo mây bay đi về phương xa, rời tổ ấm/ Cành hoa sương trắng một ngày kia sẽ phai tàn/ Gửi hương theo gió dịu dàng bay cuối trời xa.
Còn bản thân nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm lúc sinh thời lại có vẻ yêu quý "Chiều vắng" hơn. Ông bảo, "Chiều vắng" nhẹ nhàng mà buồn, chờ đợi với hi vọng và vô vọng: Chiều vắng nâng phím tơ nhẹ rung/ Thấy lòng thương nhớ thêm/ Ngày tháng tuy đã xa/ Những kỷ niệm sâu lắng.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng nhận xét về Nguyễn Tôn Nghiêm: "…không bị cuốn hút bởi tiết tấu, như một chàng du ca trên chính vùng trú ngụ tình yêu của mình. Anh chậm rãi quay về chiêm nghiệm những âm dương trên mái ngói ngũ cung, vang động trầm ngâm như những giọt chuông, những sợi ru tình xa xăm mà đằm thắm".
Nhiều đồng nghiệp thương xót khi hay tin về sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm. Ca sĩ - NSƯT Hồng Vân chia sẻ: "Tôi tin đời sẽ không vắng giai điệu của Nguyễn Tôn Nghiêm. Anh rất bản lĩnh, bởi khi đối mặt với bệnh tật vẫn vô cùng lạc quan".
Nghèo tiền mà giàu tình
Nhà báo Thiên Hà tâm sự rằng: "Hơn chục năm trước trong một lần tình cờ, anh đã cảm khái bài thơ "Yêu em Cà Mau" của tôi đăng trên báo, và anh đã phổ thành ca khúc mới tinh. Sau đó ít lâu tôi bảo ca sĩ Tô Thanh Phương thu âm đầu tiên bài hát này. Quả nhiên ca khúc được đưa vào chương trình Lễ kỷ niệm 10 năm thành phố Cà Mau. Ca khúc được nhiều người mến mộ. Nguyễn Tôn Nghiêm nghèo tiền nhưng lại rất giàu tình. Vĩnh biệt Nguyễn Tôn Nghiêm".
Gắn bó với ông rất nhiều kỷ niệm khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ: "Nhận tin anh qua đời, lòng trĩu nặng nỗi buồn. Những sáng tác của anh vẫn để lại nhiều tình cảm da diết, khiến người nghe yêu đời, lạc quan như đúng bản tính của anh. Quá nhiều kỷ niệm về anh, khi tôi còn là sinh viên, nghe anh hát, nghe anh đàn, ngồi trò chuyện, anh kể rất nhiều ký ức đẹp về khoảng đời mê sáng tác. Trên hết vẫn là ý thức nghiêm khắc với chính mình của anh: Nghe một ca khúc mới chưa hài lòng thì chỉnh sửa, đưa bạn bè nghe để thẩm định, rồi lại chỉnh tới, chỉnh lui, có khi 2 - 3 năm vẫn chưa hài lòng. "Vậy mới là tự nghiêm như cái tên của mình" – tôi nhớ mãi lời anh nói như vậy. Xin được thắp nén hương tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm".
Không chỉ là một nhạc sĩ tài danh, Nguyễn Tôn Nghiêm còn là thi sĩ với những thi phẩm nổi tiếng. Nhiều bài thơ của ông được giới trẻ truyền đọc thuộc lòng. Các văn nghệ sĩ nói rằng, Nguyễn Tôn Nghiêm có thể làm thơ ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.
Như khi đang điều trị bệnh, ông cảm thấy nghẹn trong cổ nên tâm sự: Tôi bị viêm họng quá nặng, mấy hôm nay trời lạnh càng nặng hơn, uống nước cũng mắc nghẹn, chắc sắp về với Chúa rồi. Thế rồi ông viết mấy câu thơ: Chiều nay tôi bỗng nghẹn ngào/ Chiều nay em cũng nghẹn câu giã từ/ Nghẹn đời đã mấy mùa hư/ Nghẹn em cứ bảo từ từ rồi quên/ Chiều về phố cũ chông chênh/ Nghẹn tôi cứ thể, lênh đênh phận mình.
Nhạc sĩ Hạnh Trần vĩnh biệt người đồng nghiệp đầy thân thương bằng câu thơ theo phong cách quen thuộc của Nguyễn Tôn Nghiêm: Người đi rồi còn đây bao thương nhớ/ Từng lời ca vẫn lưu luyến bên đời/ Thôi từ tạ đành thôi nay từ tạ/ Kiếp duyên trần chỉ vương vấn thế thôi.
Không chỉ dự cảm trong "Dòng thời gian", nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm còn có "Mẹ ơi" như thể một mai về với tiên tổ: Mẹ ơi - con trở về đây/ Hai bàn chân lạnh ngắt/ Hai bờ môi mím chặt/ Lặng lẽ buồn như mây… Con đường xa - đường đi không tới/ Con trở về nghe gió lạnh vây quanh/ Mẹ ơi mưa nắng tàn canh/ Con nằm mơ thấy cỏ xanh hoa vàng.
Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, tang lễ của nhạc sĩ sẽ được tiến hành tại nhà riêng tại quận 6, TPHCM. Ngày 3/8, linh cữu được di quan để quàn tại Nhà thờ Bình Phước. Ngày 5/8, thánh lễ tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm sẽ diễn ra tại Nhà thờ Bình Phước, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
“Cái đáng sợ nhất của người sáng tác là tác phẩm giống một ai đó và giống với chính mình. Tôi thường uống rượu một mình, trong sự tĩnh lặng và men say ấy, tôi viết lên những suy tưởng và cảm xúc thoáng qua. Đó là lời của những ca khúc sau này dù không biết để làm gì”. - Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm