Nhà viết kịch vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại khởi nguồn từ dân gian

GD&TĐ - Kaliđasa là tác giả sáng tác bằng tiếng Phạn cổ điển và được coi là nhà viết kịch vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại.

Tranh minh họa Kaliđasa.
Tranh minh họa Kaliđasa.

Các vở kịch và thơ của ông chủ yếu dựa trên nền tảng, cảm hướng từ kinh Veda, sử thi Ramayana, Mahabharata và thánh thư Puranas. Tuy nhiên nhiều tác phẩm của vĩ nhân này bị thất lạc, chỉ còn sót lại 3 vở kịch, 2 tập sử thi và 2 bài thơ ngắn.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng Kaliđasa đã phát triển mạnh mẽ văn tài trời phú của mình dưới thời trị vì của vua Chandragupta II và do đó Kaliđasa có thể sống vào khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ V sau Công nguyên.

Có thể hình dung về cuộc đời của ông như sau: Khoảng năm 393, một em bé chào đời trong một gia đình nông dân nghèo ở miền Bắc Ấn Độ, đó là Kaliđasa. Lên 5 tuổi thì bố mẹ em qua đời, một bác chăn bò tốt bụng liền cưu mang nuôi nấng Kaliđasa cho đến lớn khôn và chẳng ai có thể ngờ rằng sau này Kaliđasa sẽ trở thành một nhà thơ, nhà viết kịch thơ vĩ đại của nền văn học cổ điển Ấn Độ.

Lớn dần cùng với lũ bạn bè trẻ con thôn xóm, Kaliđasa trở thành một thiếu niên khỏe mạnh, mặt mũi khôi ngô, tròn trịa, trán hơi thấp. Do hiền lành, suy nghĩ chậm, không giỏi tư duy logic, ít sáng kiến khi chơi, đùa nên em hay bị bạn bè trêu chọc. Nhưng bù lại, em được các bạn gái gần gũi, quý mến và rất thuộc các bài thơ, truyện kể dân gian.

Năm 17 tuổi, Kaliđasa bắt đầu sáng tác một số bài thơ nhưng không phổ biến cho ai. Một hôm tình cờ khi vừa làm ruộng vừa ngâm nga một bài thơ nhỏ của mình, Kaliđasa giật mình bởi tiếng chân ngựa bước.

Quay người lại, Kaliđasa thấy một cô gái trạc tuổi mình, trang điểm rất đẹp, dù không xa hoa, lộng lẫy. Cô gái xuống ngựa chào Kaliđasa rồi mỉm cười: “Chàng vừa làm đồng áng vừa ngâm thơ, phải chăng là công việc thú vị lắm ư”. Kaliđasa đáp lễ rồi nói: “Đất nuôi người, người gắn bó với đất. Đấng Saravati là nữ thần nghệ thuật bay lượn trên đồng ruộng thổi hồn thơ vào người”.

Ngắm chàng trai và nghe chàng trai nói, cô gái thầm yêu ngay Kaliđasa. Sau đó hai người bịn rịn chia tay nhau. Cô gái đó chính là công chúa rất được cưng chiều của vua Vikramaditya (380 - 413). Nàng xin vua cha cho phép kết duyên cùng Kaliđasa và được ưng chuẩn. Kaliđasa từ biệt xóm làng, đồng ruộng lên đường về sống ở hoàng cung.

Ở kinh thành, Kaliđasa có điều kiện miệt mài đọc và nghiền ngẫm các bộ kinh Veda, anh hùng ca Raghuvamsa, Mahabharata; tiếp xúc, giao lưu với nhiều văn nhân nghệ sĩ, học giả lớn đương thời. Kaliđasa cũng không quên mảnh đất nuôi mình khôn lớn, anh thường về thăm quê và chu du nhiều miền đất khác, tiếp tục sưu tầm các tác phẩm trong kho tàng văn học dân gian mà suốt thời niên thiếu anh được hấp thụ.

Do biết kết hợp sáng tạo giữa văn học dân gian với những trường phái mang tính cung đình, am hiểu các hình thức thơ ca, kịch dân gian và các quy phạm sân khấu triều đình, lại có tài năng, nên Kaliđasa đã sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ của Ấn Độ.

Ông để lại 2 tập trường ca (i. Raghuvaṃśa là một thiên anh hùng ca về các vị vua của triều đại Raghu; ii. Kumārasambhava mô tả sự ra đời cùng thời niên thiếu của nữ thần Parvati và cuộc hôn nhân của cô với Thần Shiva); nhiều bài thơ trữ tình và 3 vở kịch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vở kịch nổi tiếng nhất là Abhijnanasakuntalam (Hồi ức của Shakuntala) được coi là một kiệt tác kể về câu chuyện của vua Dushyanta, trong một chuyến đi săn, gặp Shakuntala, con gái nuôi của một nhà hiền triết và kết hôn với nàng.

Một chuyện không may xảy ra: Shakuntala, khi đang mang thai thì vô tình xúc phạm một nhà hiền triết và vướng phải một lời nguyền. Do đó, vua quên nàng hoàn toàn. Cuối cùng, vua nhìn thấy chiếc nhẫn mình để lại cho nàng nên hồi phục trí nhớ, nhận ra vợ và 2 người lại đoàn viên.

Vở thứ 2 là Malavikagnimitram (nói về mối tình công chúa nhưng xuất hiện như là cô gái đầy tớ bị đày ải có tài hội họa Mālavikā và đức vua Agnimitra). Vở thứ 3 là Vikramorvasiyam kể lại câu chuyện của vị vua phàm trần Pururavas và tiên nữ Urvashi yêu nhau. Sau nhiều trắc trở, cả hai đã có thể sống hạnh phúc với nhau trên cõi trần.

Các bài thơ ngắn của Kaliđasa bị thất lạc chỉ còn lại 2 bài khandakavyas (bài thơ nhỏ) có tính triết lý cao:

Bạn sẽ nở hoa ngay khi trẻ và kết thành quả sau khi hoa lụi tàn…

Cùng tất cả những gì mà linh hồn bị quyến rũ, say mê, ăn uống no nê,

Lúc nào bạn sẽ thấy trần gian và thiên đường hợp nhất là

“hạnh phúc”

Ta đặt tên cho nàng, hỡi

Sakuntala! Hãy tụng ca thành lời những thứ trời ban.

Nhìn chung, tác phẩm của Kaliđasa nổi bật bởi sự tưởng tượng tự do, nên thơ; tính đa cảm, tinh tế, tình yêu cảnh đẹp thiên nhiên được khắc họa rất trữ tình, nhưng tác giả cũng có thể khiến người đọc phải rùng mình, ớn lạnh với nỗi sợ hãi, rùng rợn trước sức mạnh lớn lao không thể khắc chế của thiên nhiên.

Đoạn kết cuộc đời ông được ghi chép rất khác nhau trong dã sử. Có cuốn chép vợ chồng ông cuối đời rời cung đình về quê hương sống giản dị và sáng tác. Có sách chép do ông giễu cợt vua chúa quan lại trong tác phẩm nên bị gièm pha phải rời triều đình, lang thang phiêu bạt.

Sách cũng chép rằng: Tuy ông trán thấp, miệng nhỏ nhưng mắt, tai đẹp và tay chân tròn trịa nên dù không có quyền lực vẫn là người giỏi, có đầu óc thực tiễn, chất đời thấm đẫm trong ngôn từ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.