Nhà trường triển khai giải pháp giúp sinh viên có việc làm

GD&TĐ - Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là cơ sở quan trọng giúp định hướng nghề nghiệp, cũng là nền móng tạo “uy tín” cho các đơn vị giáo dục.

Sinh viên HUTECH thực hành tại doanh nghiệp. Ảnh: HUTECH
Sinh viên HUTECH thực hành tại doanh nghiệp. Ảnh: HUTECH

Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TPHCM cho biết, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra tốt nghiệp đại học năm 2023 đạt khoảng 83%. “Tỷ lệ có việc làm cao nhất là ở khoa Điện tử và Cơ khí, tiếp theo là khoa Công nghệ Thông tin và khoa Thực phẩm, khoa Du lịch”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, tại Đại học Kinh tế TPHCM, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm năm 2023 cho thấy, sinh viên ra trường có việc làm trong khoảng 12 tháng sau tốt nghiệp là 96,04% (trong tổng số 4.044 sinh viên). Trong đó, 5 ngành nghề đào tạo có tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm gồm: Kinh doanh thương mại, quản lý công, kỹ thuật phần mềm, ngôn ngữ Anh và thống kê kinh tế.

Ở khối trường ngoài công lập, theo kết quả khảo sát mà Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) thực hiện gần đây nhất, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp theo từng lĩnh vực đào tạo đạt 90 - 95%, trong đó cao nhất là lĩnh vực kinh doanh và quản lý đạt tỷ lệ 95,9%.

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cũng cho biết, theo thống kê của Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp UEF, 95% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trên thực tế, con số thể hiện tỷ lệ sinh viên ở nhiều trường đại học, cao đẳng có việc làm được nhiều người cho là ảo, khi lên tới hơn 90%. Về vấn đề này, giám đốc tuyển sinh một trường đại học công lập cho hay, tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở các trường chỉ khoảng chừng 80 - 85%. Sinh viên có thể có việc làm, nhưng trong số đó nhiều công việc không ổn định, chẳng hạn như chạy xe ôm công nghệ.

“Đã là việc làm thì phải theo năng lực học tập thì mới ổn định được. Còn việc làm tạm thời thì tỷ lệ có việc làm cũng dễ dàng thực hiện, kiểu như có việc làm thì thống kê và không thì bỏ ra khỏi bản thống kê và coi đây như là số liệu không thể liên lạc được với cựu sinh viên đó”, ThS Trương Thị Ngọc Bích nói thêm.

giai phap giup sinh vien co viec lam1.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Thêm nhiều giải pháp “bao tiêu” đầu ra

Để triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, tại HUTECH, nhà trường đã tăng cường thời lượng thực hành và đa dạng hình thức học tập.

Bên cạnh trang bị nền tảng lý thuyết, sinh viên còn được thực hành liên tục. Chẳng hạn, sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thực hành ô tô được thực hành tại hệ thống garage; sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện học làm phim, sản xuất show, vận hành thiết bị tại studio; sinh viên ngành tài chính - ngân hàng thực hành tại ngân hàng mô phỏng HUTECH Bank… Ngoài ra, sinh viên còn được học theo cách “nhập vai” những chuyên viên, nhân viên thực thụ và thực hiện các công việc của người trong nghề để phát triển kỹ năng chuyên môn, hiểu thực tế công việc.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông HUTECH cho hay, ngoài học tập ở trường, sinh viên còn được tham gia hoạt động tham quan, kiến tập doanh nghiệp tổ chức ngay từ năm học đầu tiên gắn liền với đặc trưng, thực tiễn đào tạo của từng ngành học cụ thể.

Trong những chuyến tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp đều có sự đồng hành của các nhà quản lý hay chuyên viên tại từng đơn vị để hướng dẫn sinh viên tìm hiểu tính chất công việc cụ thể của từng vị trí nghề nghiệp, văn hóa và tác phong làm việc chuyên nghiệp trong môi trường doanh nghiệp.

“Ngay từ giai đoạn còn học tập ở đại học, sinh viên đã được định hình nhận thức đa chiều, khách quan về lĩnh vực nghề nghiệp yêu thích, hiểu rõ doanh nghiệp cần gì ở một nhân sự và bản thân cần tiếp tục hoàn thiện kiến thức, kỹ năng gì để theo kịp tầm đón đợi của nhà tuyển dụng. Nhờ đó sau khi ra trường các em có thể dễ dàng tìm được những vị trí công việc tốt với mức đãi ngộ hấp dẫn”, bà Dung nói.

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho hay, trong quá trình từ năm nhất đến năm cuối tại trường, ngoài giảng đường học thuật, sinh viên liên tục tham dự hội thảo chuyên đề, workshop, tham gia các cuộc thi chuyên môn, ngày hội việc làm, trực tiếp đến học việc, kiến tập tại các doanh nghiệp gắn với ngành học. Kết quả đạt được là sinh viên tự tin, trưởng thành trong học tập, kiến thức vững chắc, nắm bắt được hướng đi sau tốt nghiệp.

“Có thể nói vai trò của doanh nghiệp tại UEF được biết đến nhiều nhất với hoạt động “Hành trình động từ giảng đường đến khởi nghiệp” tổ chức thường niên với sự tham gia của nhiều doanh nhân giàu kinh nghiệm thương trường bằng các buổi phỏng vấn, học kỹ năng, thái độ trước khi đến doanh nghiệp... Chương trình mở ra lợi thế cạnh tranh, giúp nguồn nhân lực trẻ tiếp cận nhà tuyển dụng nhanh chóng, dễ dàng ứng tuyển vào các vị trí tiềm năng trên thị trường lao động”, bà Bích nhấn mạnh.

Ngoài ra, một điểm nổi bật của UEF trong quá trình tạo cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên là tiếp cận thị trường quốc tế. Năm học vừa qua, trường đã liên tục đưa sinh viên đến Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc với con số trên 200 thực tập sinh. Nhiều sinh viên đã được giữ lại làm việc chính thức sau khi hoàn tất quá trình thực tập.

Hàng loạt các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM cũng đã đưa ra những mô hình, giải pháp mới hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng Việt Mỹ TPHCM đã hướng dẫn sinh viên cách làm CV (sơ yếu lý lịch) xin việc ấn tượng ngay từ năm nhất. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được trau dồi thêm những kỹ năng mềm, thực tập tại các doanh nghiệp để làm đẹp hồ sơ xin việc… Đặc biệt, nếu sinh viên không tự tin nắm vững kiến thức môn học thì hoàn toàn có thể đăng ký học lại và được nhà trường hỗ trợ học miễn phí.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) thông tin: Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng là 18,8%; đại học trở lên là 18,28%. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc theo trình độ cao đẳng là 14,01%; trình độ đại học 82,69%. Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng là 23,16% và đại học trở lên là 19,54%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ