Nhà trọ và khu chung cư mini: Làm gì để tránh những ngọn lửa "oan nghiệt"?

GD&TĐ - Nhiều ngày trôi qua nhưng sự việc người thuê trọ nháo nhác tìm đường thoát khỏi đám cháy tại phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Đặc biệt vụ cháy khiến 1 người tử vong... Công an TP Hà Nội tiếp tục khuyến cáo các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) đặc biệt các nhà trọ, căn hộ cho thuê.

“Bà hỏa” và mạng sống

Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, tập trung số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên (HSSV) làm việc và học tập thường xuyên. Do đó, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu và ngày càng tăng cao.

Thông tin với báo chí ngày 5/4, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) nhận định, hiện nhiều phòng trọ, nhà cho thuê để ở xuất hiện ngày càng phổ biến để phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt, làm việc của người dân. Nhưng cũng chính vì thế mà công tác bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình trên lại không được chủ cơ sở và người dân thật sự quan tâm, coi trọng nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ.

“Từ thực trạng công tác bảo đảm an toàn về PCCC&CNCH đối với loại hình trên cho thấy, đa số các nhà trọ, nhà cho thuê để ở nằm trong các ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC&CNCH. Đơn cử như: Lối ra thoát nạn; ngăn cháy lan. Bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa, trang bị phương tiện chữa cháy...”, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, hầu hết người cho thuê cũng như người thuê trọ chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ, yếu tố gây cháy lan, cháy lớn, có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của người dân còn hạn chế, thậm chí có thái độ thiếu hợp tác khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở.

Đặc biệt, là thái độ chủ quan, mất cảnh giác hoặc lơ là trong việc sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt (thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, đun nấu, hút thuốc…) và hệ thống điện (hiện tượng đấu nối, câu móc, hệ thống điện không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế).

Sự chủ quan của cả người cho thuê và người thuê trọ này đã phải đánh đổi từ những câu chuyện thực tế, mất nhà, mất tài sản và thậm chí thiệt hại cả về người. Điển hình như vụ cháy tại ngõ 73 Tam Khương (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) ngày 4/2/2021 làm 4 người thiệt mạng.

Tiếp đó là vụ cháy tại số 79A, ngõ 18 Định Công Thượng, phường Định Công (quận Hoàng Mai) ngày 3/1/2022 khiến 3 người thiệt mạng.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, một trong những nguyên nhân bất khả kháng nhưng cũng gây ra mất an toàn PCCC&CNCH là người dân chủ động đốt lửa gây cháy như trong vụ việc mới đây xảy ra ở phường Phú Đô. Trong trường hợp này, việc hoảng loạn, thiếu kỹ năng thoát nạn trong các đám cháy ở khu nhà trọ, cho thuê, nhà ống lại được nhắc đến và đặt lên hàng đầu.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt tại hiện trường vụ cháy.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt tại hiện trường vụ cháy.

An toàn cho học sinh, sinh viên khu trọ

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ qua thống kê nhanh có khoảng 400 nhà trọ cho sinh viên thuê theo học các trường trên địa bàn. Riêng khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam có hàng nghìn sinh viên thuê trọ hàng năm. Vì vậy, công tác PCCC được Công an huyện chủ động và đặc biệt quan tâm.

“Công an huyện phối hợp các nhà trường, UBND thị trấn, xã trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống cháy nổ cho HSSV. Nhắc nhở, yêu cầu chủ khu trọ, nhà cho thuê trang bị dụng cụ không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn. Đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.

Nhà trọ, nhà cho thuê phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, aptomat…), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc...”, đại diện Công an huyện Gia Lâm thông tin.

Công an huyện Gia Lâm cũng nhấn mạnh, Đội PCCC&CNCH luôn chủ động phương án PCCC&CNCH trong tình huống xảy ra cháy nổ, nhất là khu nhà trọ, cho HSSV thuê.

Để bảo đảm an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ đối với loại hình nhà trọ, nhà cho thuê, Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) - nêu 6 khuyến cáo đối với chủ cơ sở và người dân sinh sống tại các nhà trọ, căn hộ cho thuê cần thực hiện.

Cụ thể, chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH; Thường xuyên tự kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức người thuê trọ về công tác PCCC&CNCH.

Mỗi cá nhân, hộ gia đình tại các khu trọ, nhà cho thuê để ở cần chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực, xà beng… để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Bên cạnh đó, những người sống trong khu nhà trọ, nhà cho thuê cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng. Đồng thời, không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở.

Cùng với đó, chủ nhà cần lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói...

“Đặc biệt, khi xảy cháy, mọi người trong khu trọ, nhà cho thuê hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài. Tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh… Tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Hà Nội theo số máy 114...”, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ