Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Lan, 36 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội vì thói quen thích sưu tầm, thử nghiệm các thiết bị thông minh của chồng, khiến nhà chị không tích góp được khoản nào.
Chồng tôi làm trong ngành xây dựng, mỗi tháng thu nhập được 13 triệu đồng. Anh đưa cho tôi 7 triệu tiền ăn uống, điện nước và học hành cho con lớn, số còn lại anh giữ để tiêu pha. Tôi làm nhân viên văn phòng, lương thấp, chỉ 6 triệu/tháng. Số tiền tôi kiếm được cũng chỉ đủ để xăng xe, đi lại, và lo tiền học cho đứa thứ hai. Sợ nhất là mỗi lần con ốm đi viện, tôi lại phải cuống cuồng vay mượn vì tiền tiết kiệm không có, hỏi anh lúc nào anh cũng nói hết, vừa mua cái nọ, cái kia.
Giữ lại gần một nửa tiền lương, anh chủ yếu để mua mấy đồ dùng thông minh trong nhà, từ đồ nhỏ tới lớn. Tất cả đồ anh mua đều của cùng một hãng. Cứ mỗi lần hãng này ra đồ gì mới, anh lại quyết mua về bằng được. Khi thì ổ cắm, lúc lại cảm biến, bàn chải đánh răng, thiết bị kết nối wifi, máy lọc khí... thứ nào cũng toàn tiền triệu.
Anh thậm chí còn vay tiền bạn bè mua chiếc máy hút bụi hay lọc nước cả chục triệu đồng. Mới đây nhất, anh còn sắm khóa cửa thông minh dùng vân tay điều khiển qua điện thoại. Anh cứ mân mê, ngồi thử nghiệm, con cái không buồn trông.
Chiếc bếp từ thông minh, có thể kết nối wifi. |
Những đồ nhỏ nhỏ tháng nào anh cũng sắm về, còn đồ đắt tiền hơn thì cứ vài ba tháng anh lại mua. Lần nào bạn bè đến chơi, anh cũng hí hửng khoe hệ thống đồ thông minh trong nhà được anh kết nối chung trên điện thoại.
Sinh nhật tôi tháng trước, anh nói sẽ tặng một món quà đặc biệt. Tôi vui mừng chờ đợi, đến khi mở ra thì là một chiếc bếp từ cỡ nhỏ. Anh nói bếp này thông minh lắm, có thể kết nối wifi, chuyển các chế độ nấu... Tôi lên mạng tra giá cũng gần 2 triệu.
Biết anh chỉ sắm sửa cho nhà cửa, tiện cho cả nhà dùng nhưng tôi thấy nhiều thứ thật sự không cần thiết, mọi đồ cũ vẫn dùng được, nhất là khi gia đình cũng chưa dư dả về tài chính. Anh lại đi vay tiền để mua đồ tôi thấy không hợp lý chút nào. Mỗi lần tôi đề cập tới chuyện này, anh đều bảo tôi "không biết gì" hay "chậm tiến". Tôi không biết phải làm sao, và nói với anh thế nào để kìm bớt việc chi tiêu cho khoản này.