Buông bút viết để vẽ
Những bức tranh gò đồng của nhà thơ Phạm Xuân Trường làm dậy sóng dư luận bởi đã tái hiện hình ảnh đầy ấn tượng danh nhân Việt Nam và quốc tế. Bức chân dung gò đồng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Huấn luyện viên bóng đá Park Hang Seo… là một trong số bức tranh gò đồng độc đáo được ông tạo nên.
Điều gì thôi thúc nhà thơ tạm buông bút viết mà dùng bút vẽ, búa gò để tạo nên một loại hình tác phẩm khác? Ông trả lời ngon lành: “Thích thì làm thôi!”. Nói thì vậy nhưng thực tế nhà thơ đã có quá trình làm quen với nghề vẽ.
Năm 1985, Phạm Xuân Trường đã “táy máy” với việc gò chân dung. Trước đó, ông có những năm làm thợ gò đồng, nhưng chủ yếu chỉ gò những bức tranh tĩnh vật: Hoa hồng, táo, nho… Tác phẩm đầu tiên được ông gò tỉ mỉ, đó là chân dung Bác Hồ.
Bức gò đồng chân dung Bác Hồ có kích cỡ nhỏ, chỉ bằng khổ A4, ông làm xong, ngắm nghía mãi rồi do nhà chật chội, nên đành cất trong một góc nhỏ. Cho đến khi ông đi dự triển lãm tranh gò đồng của một tác giả từng học trường mỹ thuật.
Thấy những hình thù nhăn nhó, móp méo, và tự hỏi, liệu rằng mình có thể làm tranh gò đồng được chăng? Người ta làm móp méo, trông khó hiểu như vậy mà còn được công nhận là tác phẩm, nếu mình làm tranh gò đồng, chọn cách thể hiện chân thực hình ảnh, ấn tượng của chính mình về danh nhân… có được đón nhận.
Nghĩ là làm. Lúc đầu, ông chọn làm chân dung bạn hữu trong giới văn nghệ sĩ. Lặng lẽ làm, khi tác phẩm hoàn thiện, ưng ý thì treo lên, hứng chí gọi bạn văn nghệ sĩ đến tặng luôn. Thế rồi tiếng tăm lan xa, đến tai nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng.
Năm 2017, nhà biên kịch tới thăm, cảm động trước những tác phẩm mà nhà thơ âm thầm sáng tạo nên, đã đề nghị Phạm Xuân Trường chế tạo tác phẩm chân dung gò đồng nhà văn Nguyên Hồng để ra mắt trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Nhà thơ Phạm Xuân Trường lập tức bắt tay vào gò chân dung nhà văn Nguyên Hồng. Ông làm rất tỉ mỉ, bởi đặc điểm của chân dung gò đồng là gò ngược nhìn xuôi, phải ước lượng đủ lực cho mỗi nhát búa, nếu chẳng may làm rạn lớp đồng mỏng mảnh nơi mí mắt thì công sức gò cả vài chục ngày coi như đi tong.
Khi gò xong bức chân dung nhà văn Nguyên Hồng, ông chợt nghĩ, dù là sinh nhật nhưng ông đứng một mình có lẻ loi, có buồn chăng? Từ suy nghĩ ấy, nhà thơ Phạm Xuân Trường tiếp tục chọn những bạn văn của Nguyên Hồng như: Nhà văn Văn Cao, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Loan… để chế tác những chân dung người bạn thân thiết treo cùng trong Lễ kỷ niệm sinh nhật Nguyên Hồng.
Cho đi để nhận lại
Tháng 10/2019, nhà thơ Phạm Xuân Trường được Hiệp hội Thơ hiện đại Hàn Quốc mời sang giao lưu thơ với các nhà thơ của Hiệp hội này tại Busan (Hàn Quốc), ông đã dành hơn hai tháng gò các bức tranh chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh bắt tay Chủ tịch Hiệp hội Thơ Hiện đại Hàn Quốc – nhà thơ Kim JongJae, chân dung nhà thơ vĩ đại Hàn Quốc Ko Un.
Trải qua bao vất vả trong quá trình thực hiện, rồi những khó khăn trong quá trình vận chuyển tranh khổ lớn từ Hà Nội tới Busan bằng đường hàng không, cuối cùng, những bức tranh gò đồng ý nghĩa và ấm áp tình bạn, đồng nghiệp, hữu nghị cũng tới tay người nhận.
Trước sự ngạc nhiên của bạn thơ Hàn Quốc về món quà tặng đầy bất ngờ, khi ấy, tác giả Phạm Xuân Trường mới an tâm và vui trong tĩnh lặng.
Theo nhận xét của TS, dịch giả Lê Đăng Hoan: “Phạm Xuân Trường làm với sự sáng tạo, tâm huyết, tận tụy, say mê, dâng hiến tất cả, và đem tặng bạn mà chẳng kỳ vọng điều gì. Ông ấy thực sự đam mê, lo liệu làm đến cùng những dự định của mình. Đó là một người rất lạ!”.
Câu nói của TS Lê Đăng Hoan khiến tôi tò mò, muốn tìm hiểu về tác giả Phạm Xuân Trường. Vì sao ông chế tác tranh gò đồng ra chỉ để đem tặng? Ông hồ hởi chia sẻ rằng: Dường như mình cứ chủ động tặng cho mọi người những điều trân quý từ trái tim, khối óc, bàn tay mình làm ra, thì tự nhiên cuộc sống lại tặng cho mình rất nhiều thứ.
Như một dòng chảy tự nhiên, cuộc sống tự nó đã luôn giàu có và phong phú rồi, sẽ nuôi được tất cả con người chúng ta, nuôi được cảm hứng nghệ thuật, người làm nghệ thuật… Cứ như vậy, nguồn sống đến theo đường dẫn của trái tim.
Có những người sau khi được tặng tranh, cảm ơn và mang về, cũng có người tặng lại cho ông món tiền kha khá, cũng có người nghe tiếng lành đồn xa đến đặt ông làm tranh, trả món tiền tương đối lớn.
Ông chẳng yêu cầu, cũng không từ chối, ông hạnh phúc vì được tự do làm những gì mình thích, mà theo cách nói của ông, thì do “cơn cớ lên mà sáng chế”, đơn giản thế thôi.