Người dùng công nghệ hẳn đã từng nghe nói hoặc sử dụng trình duyệt web Firefox nổi tiếng, nhưng có lẽ ít ai biết đến Mozilla - tổ chức phi lợi nhuận đến từ Mỹ và là nhà phát triển nên trình duyệt này.
Trong những năm tháng đầu tiên sau khi Firefox ra mắt, Mozilla ký kết các thỏa thuận với Google để đặt Google làm trang chủ của trình duyệt. Google cũng phải trả tiền cho các truy vấn tìm kiếm mà người dùng thực hiện qua Firefox.
Thỏa thuận này mang về cho Mozilla hàng trăm triệu USD. Trong 2014, tiền từ Google chiếm phần lớn trong doanh thu 330 triệu USD của Mozilla - theo báo cáo tài chính mới được công bố gần đây.
Tuy nhiên, theo thời gian, mối quan hệ giữa Google và Mozilla không còn "mặn nồng" như trước. Google tự bắt tay vào phát triển trình duyệt. Khi Chrome ra đời và chiếm thị phần lớn, thỏa thuận giữa Google và Mozilla chấm dứt (vào cuối năm ngoái).
Để có kinh phí duy trì và phát triển Firefox, Mozilla chuyển sang bắt tay hợp tác với các công ty khác, cũng là công ty tìm kiếm nhưng nhỏ hơn Google và quy mô của thỏa thuận cũng không còn rộng trên toàn cầu. Các đối tác này gồm Yahoo (tại Mỹ), Baidu (Trung Quốc), và Yandex (Nga).
Trong một công bố mới đây, Mozilla nói rằng họ không còn cần tiền từ Google nữa nhưng vẫn đang "sống khỏe", cho thấy rằng tổ chức đang có được những thành công khi bắt tay với các đối tác mới.
Dù vậy, Google vẫn đang là công cụ tìm kiếm mặc định đối với người dùng Firefox ở châu Âu - theo lời Denelle Dixon-Thayer, Giám đốc kinh doanh và pháp lý của Mozilla.
"Chúng tôi không còn có mối quan hệ thương mại nào với Google" - Dixon-Thayer cho biết. "Mozilla không còn kiếm được nhiều tiền như trước kia, tuy nhiên, chính sách mới (hợp tác với các công ty tìm kiếm khác ngoài Google) cho chúng tôi sự linh hoạt. Chính sách của Mozilla sẽ giúp khuyến khích sự cạnh tranh" - lãnh đạo của tổ chức này nhấn mạnh.
Với Mozilla, sự cạnh tranh ở đây chính là việc cho phép người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn khi truy cập thông tin và các dịch vụ trên Internet.
Khi Mozilla còn có đủ năng lực tài chính để duy trì và phát triển Firefox, thị trường trình duyệt web sẽ không bị tình trạng "độc quyền" bởi các ông lớn như Google (tình trạng mà nếu xảy ra sẽ không hề có lợi cho người dùng, khi mà Google có thể thay đổi kết quả tìm kiếm để có lợi cho mình và "dìm" sản phẩm của đối thủ).
Doanh thu tăng
Mozilla hiện đang tự chủ về mặt tài chính và kỳ vọng rằng hãng có thể tiếp tục duy trì được điều này mà không bị phụ thuộc vào Google. Như đã nói, doanh thu trong 2014 của LG đạt 330 triệu USD, tăng so với 314 triệu USD trong 2013.
Giám đốc tài chính Jim Cook tiết lộ rằng con số trong năm nay thậm chí sẽ còn tốt hơn nhờ những thành công của Mozilla trong các hợp tác với Yahoo, Baidu, và Yandex. "Chúng tôi rất trông đợi để công bố kết quả tài chính trong năm sau. 2015 sẽ là một năm nữa mà tài chính của Mozilla rất ổn định" - Jim Cook cho biết.
Mozilla về bản chất là một tổ chức phi lợi nhuận thay vì hoạt động dưới dạng doanh nghiệp như Google, Microsoft, và Apple - những đối thủ lớn nhất của họ ở thị trường trình duyệt web.
Tuy nhiên, hãng vẫn rất chú trọng tới việc phát triển cũng như tuyển dụng nhân tài. Mozilla có khoảng 270 triệu USD tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt ở thời điểm cuối 2014, tăng 20 triệu USD so với một năm trước đó. Tổ chức này thuê khoảng 1.000 nhân viên trên toàn thế giới, đồng thời có thêm hơn 10.000 tình nguyện viên
Firefox OS - con đường mới của Mozilla
Trong lĩnh vực smartphone, Mozilla cũng đã có những chiến lược để cố gắng chống lại sự thống trị của Google Android và Apple iOS. Hãng phát triển nên hệ điều hành nền web Firefox OS, và ban đầu hệ điều hành này được thiết kế để dùng trên các model smartphone giá rẻ bán ra ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, về sau, Chris Beard, người được cử lên làm CEO Mozilla năm 2014, kết luận rằng chiến lược này không hiệu quả. Hãng đã có những thay đổi để hướng Firefox OS tới những người dùng thích "vọc vạch", am hiểu và yêu thích về công nghệ.
Mozilla mới đây cũng cho phép bất kỳ người dùng nào cũng có thể trải nghiệm được Firefox OS dưới dạng một ứng dụng được tải về từ Play Store.
"Chúng tôi sẽ đi theo người dùng để phục vụ nhu cầu của họ" - Dixon-Thayer, Giám đốc kinh doanh và pháp lý của Mozilla, phát biểu. Những sản phẩm mà Mozilla phát triển cũng chứng minh cho phát biểu này.
Mozilla phát triển trình duyệt Firefox cho Android, và gần đây hãng ra mắt cả trình duyệt cho iOS. Tuy nhiên, theo quy định của Apple, hãng phải sử dụng công nghệ do "Táo khuyết" chỉ định, đồng nghĩa với việc họ không thể sử dụng các chuẩn web mà Mozilla tin rằng sẽ đem lại lợi ích cho người dùng.
Mozilla từng nhiều lần phát biểu rằng sẽ nỗ lực để tăng sự hiện diện của mình trong thị trường mobile, tuy nhiên, trên thực tế hãng chưa có nhiều thành quả để "khoe".
Thị phần trình duyệt của Mozilla trên di động là rất thấp, theo thống kê của hãng phân tích Statcounter, trong khi đó Firefox OS cũng đang "chìm nghỉm" và không thể so sánh với thị phần thống trị của Android và iOS.
Bất chấp các thách thức, Mozilla cho biết họ cam kết sẽ tiếp tục "sứ mệnh" mà hãng đã đặt ra. "Người dùng hiện nay khi lướt web và tương tác với ứng dụng đều chịu sự kiểm soát của Apple, Google mà không có quyền tự quyết định, và đó là cơ hội của chúng tôi.
Ngay cả khi hiện nay người dùng không quá quan tâm việc mình bị kiểm soát, thái độ đó có thể sẽ thay đổi trong tương lai giống như cách đây 10 năm - thời điểm mà Firefox cho cả thế giới thấy rằng họ có thể phát triển được một trình duyệt web đáng dùng hơn Internet Explorer của Microsoft.
"Nếu bạn nhìn lại thời điểm năm 2003, 2004, mọi người ai cũng dùng IE và không quan tâm tới trình duyệt khác, cho tới khi Firefox xuất hiện" - Jim Cook cho biết.