Nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến người lao động và tổ chức công đoàn

Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Thanh Hóa, tháng 12-1994. Ảnh tư liệu
Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Thanh Hóa, tháng 12-1994. Ảnh tư liệu

Dù bận rất nhiều công việc, nhưng đồng chí luôn quan tâm, động viên, chăm lo tới đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) và hoạt động công đoàn.

Thực hiện Tháng Công nhân năm 2019, đồng chí Lê Xuân Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đề nghị công đoàn công ty, cùng với lãnh đạo công ty quan tâm, chăm lo quyền, lợi ích cho công nhân viên chức (CNVC), người lao động (NLĐ), cần làm tốt công tác giáo dục truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống của công ty. Thông qua những hoạt động đó tuyên truyền cho NLĐ về dấu ấn những lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên CNLĐ.

Qua tài liệu lịch sử truyền thống của công ty, chúng tôi được biết, vào cuối tháng 12-1994, khi Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (nay là Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn) đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì nhận được tin, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến thăm. Chủ tịch nước Lê Đức Anh biểu dương cán bộ, công nhân nhà máy đã vượt qua nhiều khó khăn, yêu thương, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy từ phong trào thi đua của công đoàn đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi. Cán bộ, công nhân nhà máy đã sản xuất được nhiều xi măng, đáp ứng yêu cầu kiến thiết đất nước, xây dựng địa phương... Chủ tịch nước Lê Đức Anh mong muốn, cán bộ, công nhân nhà máy phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam; công đoàn nhà máy phải giữ vững niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của NLĐ, chăm lo cho CNLĐ có cuộc sống tốt hơn, ấm no, đầy đủ; công đoàn cùng các tổ chức phấn đấu đưa nhà máy phát triển, đi lên bền vững.

Ngay sau buổi đón Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm, công đoàn nhà máy đã phát động phong trào thi đua trong CNLĐ với chủ đề: “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, được công nhân nhà máy hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình. Từ đó đến nay công đoàn Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, có nhiều biện pháp hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần giữ vững và phát triển thương hiệu xi măng Bỉm Sơn. Công ty luôn hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, thu nhập và điều kiện làm việc của NLĐ được cải thiện và nâng cao.

Vào tháng 9-1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến thăm, động viên công nhân đang thi công Nhà máy Thủy điện Yaly (Gia Lai). Thời điểm đó, khí hậu khắc nghiệt, địa hình thi công hiểm trở, sinh hoạt của công nhân khó khăn. Chủ tịch nước Lê Đức Anh xắn quần vượt dốc cao đến tận nơi công nhân thi công. Đồng chí căn dặn cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam cùng nhau thi đua lao động, sản xuất lập nên những chiến công mới. Thực hiện phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thủy điện Yaly đã tích cực nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tế thi công, đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để đến tháng 5-2000, nhà máy đã phát điện tổ máy đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia.

Với phong cách giản dị, gần gũi và sâu sát, trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nhiều lần đi thăm, động viên CNLĐ tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp trên địa bàn cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong lịch sử truyền thống Công đoàn Việt Nam còn ghi lại những dấu ấn sâu sắc của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm, động viên cán bộ, công nhân, NLĐ tại các nhà máy, xí nhiệp, như: Xí nghiệp Khai thác đá quý Quỳ Châu, Nghệ An (tháng 10-1992); Nhà máy Xi măng Hải Phòng (tháng 2-1994); Xí nghiệp Thủy sản 2, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh (tháng 4-1994)... Khi đến thăm, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, Chủ tịch nước Lê Đức Anh luôn căn dặn tổ chức công đoàn cần hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy NLĐ làm đối tượng vận động, công đoàn phải thực hiện tốt chức năng, vai trò đại diện, bảo vệ NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động tốt đẹp, tiến bộ, bền vững để góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đã góp phần để giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh; Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công đoàn luôn quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ĐVCĐ, NLĐ; tham gia xây dựng, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát chế độ, chính sách, bảo đảm tốt quyền lợi cho NLĐ. Công đoàn các cấp tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước trong CNVC, lao động; tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Qua thực tiễn triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, các cấp công đoàn có nhiều mô hình tốt, cách làm hiệu quả, động viên NLĐ tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đội ngũ CNVC, lao động tiếp tục phát triển về số lượng, chuyển dịch về cơ cấu, chất lượng cơ bản được nâng lên, có nhiều đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự phát triển của đất nước...

Theo Quân đội Nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.