Nhà khoa học trẻ tận tâm với giảng dạy và nghiên cứu

GD&TĐ - Sinh năm 1975, đến từ mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió, thầy Trần Đình Thắng - Giảng viên Trường ĐH Vinh - là GS trẻ nhất Việt Nam năm 2016. 

GS.TS Trần Đình Thắng
GS.TS Trần Đình Thắng

Năm nay, GS Trần Đình Thắng là một trong bốn người được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến trên toàn quốc 2017 diễn ra 10/6 tại Hà Nội – đây  là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2017).

Tự hào trưởng thành từ nền GD “nội”

Dù có nhiều bài báo, công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, nhưng GS Trần Đình Thắng luôn tự hào khi được học tập và trưởng thành trong nền GD Việt Nam, tự nhận mình là một sản phẩm “made in Vietnam” chính hiệu. Bởi, ông được đào tạo hoàn toàn tại các cơ sở GD trong nước, từ mầm non cho đến tiến sĩ.

Những sản phẩm, đề tài nghiên cứu của GS Thắng cũng luôn gắn bó mật thiết với các loại thảo dược ở Việt Nam như: Nghiên cứu thành phần hóa học của các loài cây thuộc họ Na, họ Cam quýt, các loài nấm lớn ở Việt Nam, được các thành viên trong hội đồng đánh giá cao. Năm 2012, TS trẻ Trần Đình Thắng được phong hàm PGS. Tại quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, GS năm 2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng chức danh GD Nhà nước ký ban hành, PGS Trần Đình Thắng trở thành GS trẻ nhất Việt Nam.

Hiện GS Thắng đang giữ cương vị Phó Viện trưởng Hóa, Sinh và Môi trường (Trường ĐH Vinh). Ngoài ra, GS Trần Đình Thắng còn là Ủy viên Thường vụ Hội Hóa học hữu cơ, Kỹ thuật hóa học, Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm, Hợp chất Thiên nhiên (Hội Hóa học Việt Nam). Trong quá trình công tác, từ giảng dạy đến nghiên cứu, thầy đã có rất nhiều thành tích được ghi nhận và đánh giá cao. Có thể kể đến việc ông đã xây dựng được nhóm nghiên cứu liên ngành Hóa - Sinh - Dược - Công nghệ thực phẩm đầu tiên, gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước chuyên nghiên cứu về các hợp chất có hoạt tính sinh học của nấm lớn ở Việt Nam.

Ý nghĩa khoa học về thực tiễn của hoạt động này là nghiên cứu công nghệ phân lập, nuôi cấy, chiết suất các hợp chất có hoạt tính sinh học cao từ nấm lớn để phát triển thuốc mới và thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, nhóm đã chuyển giao công nghệ một số chủng nấm có hoạt tính sinh học cho Công ty BIO-ANHA, chuẩn bị chuyển giao quy trình sản xuất thực phẩm chức năng kháng viêm từ loài nấm Hexagonia apiaria cho công ty dược phẩm.

Nghiên cứu khoa học là “niềm vui sống”

Từ một nhà khoa học ngành Hóa, vốn phải gắn chặt với phòng thí nghiệm, để có thêm kiến thức về sinh học như thực vật, nấm, nấm ký sinh trên côn trùng, GS Thắng đã không ngần ngại khi bước ra khỏi phòng thí nghiệm, lặn lội đi rừng như một nhà thực vật học chuyên nghiệp. Mỗi ngày nghỉ, nhà khoa học đầy đam mê với cây cỏ, với những thành phần hóa học và các hợp chất lại đến với các khu bảo tồn, các khu rừng để tìm kiếm những loài thực vật mới. Với GS Thắng, đó là niềm vui trong cuộc sống, là một phần không thể thiếu bởi cảm thấy mình đang làm những việc có ích.

Điều may mắn nhất trong đời, ông cho rằng đó là được gặp những người thầy hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Nhờ đó, GS Trần Đình Thắng đã học hỏi những kinh nghiệm đó để truyền đạt lại cho các thế hệ học trò của mình. Mong muốn được truyền đạt những kiến thức và những gì nghiên cứu được cho các thế hệ sau, từ lâu thầy Thắng đã tham gia viết sách để có thêm nguồn tài liệu chuyên khảo và học tập cho SV. Hiện, ông đã hoàn thành 2 đề tài NCKH cấp Nhà nước và 1 đề tài cấp Bộ; chủ biên 2 giáo trình, 1 sách chuyên khảo tham gia biên soạn 1 sách tham khảo; đã hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh làm nghiên cứu khoa học.

“Tôi tâm niệm rằng mình làm những việc này không phải vì thành tích cá nhân, mà đó là phục vụ cho đam mê khoa học và bổ trợ cho công tác giảng dạy. Trước đây, các thầy cô đã dìu dắt tôi bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm, để tôi có được ngày hôm nay. Tôi mong mỏi mình có thể truyền lại điều đó cho các thế hệ đi sau. Dù có đi đâu, làm gì, là ai, tôi cũng gửi lời cảm ơn và trân trọng sâu sắc các thế hệ thầy cô giáo, các nhà khoa học đã dạy dỗ, là tấm gương sáng về trí tuệ, nhân cách để tôi noi theo”, GS Thắng nói trong niềm xúc động dâng trào.

Ông đặc biệt gửi sự tri ân tới cố GS.TSKH Nguyễn Xuân Dũng (ĐHQG Hà Nội), người thầy đã dìu dắt và truyền đam mê cho ông trên con đường nghiên cứu khoa học, truyền cảm hứng với khoa học để ông tiếp tục vững tin với lựa chọn của mình.

Tính cho đến thời điểm này, GS Trần Đình Thắng đã có 80 công trình công bố quốc tế (ISI) có uy tín, gồm 28 SCI và 52 SCIE. Ông còn tích cực hợp tác với các chuyên gia và cơ sở khoa học, đào tạo trong và ngoài nước, cùng viết sách, đồng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh với các giáo sư nước ngoài; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.