Nhà khoa học mải mê với đồng ruộng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa luôn ấp ủ làm sao để đưa ra giải pháp tối ưu giúp người nông dân gia tăng giá trị trên mảnh đất của mình.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cùng các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình.
GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cùng các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình.

Khó gấp nhiều lần

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế vừa vinh dự là 1 trong 2 nhà khoa học được vinh danh nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023. Đây là giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Hướng nghiên cứu chính mà GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa theo đuổi là quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Trong đó, lĩnh vực tập trung là nghiên cứu độ phì đất, xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng phân bón cho cây trồng ở miền Trung.

Đồng thời, tập trung vào ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.

Suốt 28 năm tham gia nghiên cứu khoa học, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đã có 148 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; trong đó, 19 bài trên tạp chí ISI/Scopus; 92 bài là tác giả chính, bao gồm 12 bài báo ISI/Scopus. Ngoài ra, nữ giáo sư đã được trao 9 giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh dành cho các công trình nghiên cứu...

Chia sẻ về con đường làm khoa học, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cho hay, so với nam giới, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học khó gấp nhiều lần, nhưng dường như phụ nữ có tính chịu khó, chịu đựng tốt hơn nên họ vẫn rất thành công.

“Lúc con tôi còn nhỏ, hàng đêm thường khóc và đòi mẹ nên việc tôi vừa bế con vừa viết báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học là chuyện thường”- chị nhớ lại. Theo chị Hòa, hầu hết phụ nữ đều có đức tính chịu khó, họ nên biết vận dụng, vượt qua khó khăn để thành công, mang lại niềm vui, hạnh phúc chứ không nên chịu đựng, chấp nhận để buông xuôi...

Dạy con tự lập

Năm 1995, tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế, nhờ những thành tích nổi trội, chị Hoàng Thị Thái Hòa được giữ lại trường. Ba năm sau, chị nhận được học bổng thạc sĩ tại Thái Lan.

Với bằng thạc sĩ trong tay, tháng 5/1997 chị trở lại trường giảng dạy. Trong thời điểm Trường Đại học Nông Lâm Huế có khá nhiều dự án hợp tác quốc tế, chị được nhiều dự án mời tham gia. Đây cũng là cơ hội giúp chị rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ và kinh nghiệm thực hiện dự án, cũng như nghiên cứu khoa học.

Sau đó, chị làm luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Công giáo Louvain, Louvain-la-Neuve, một trường đại học danh tiếng ở Bỉ với đề tài “Nâng cao sản xuất lương thực trên vùng đất cát biển miền Trung Việt Nam”.

Bảo vệ luận án xuất sắc, đến năm 2005, chị làm trưởng Bộ môn - Khoa học đất và Môi trường rồi Phó Trưởng khoa - Phụ trách đào tạo Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm.

Vừa quản lý, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, chị cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực với người nông dân như nghiên cứu hàm lượng nitrat trong đất và rau; giải pháp tăng cường phát triển cây dưa lấy hạt trên đất cát biển; các biện pháp sử dụng nước, phân bón hợp lý để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Chị cũng nghiên cứu về việc cải thiện độ phì các loại đất nghèo dinh dưỡng, sản xuất các loại phân hữu cơ, xây dựng quy trình sử dụng phân bón cho cây trồng…

Nghiên cứu của chị mở ra hướng mới trong việc sử dụng có hiệu quả các chân đất cát ven biển nghèo dinh dưỡng; bổ sung giống cây trồng mới có khả năng luân canh, tăng vụ cao, tăng thu nhập từ trồng trọt cho nông dân; tạo thêm việc làm ở khu vực nông thôn; thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu; trong khi đó đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, khả năng quay vòng vốn nhanh, nên phù hợp với người nghèo ở vùng cát ven biển.

GS Hòa chia sẻ, giai đoạn khó khăn nhất với chị là khi làm nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học rồi nuôi con nhỏ, thời gian lúc đó căng như dây đàn. Làm sao để trọn vẹn vừa chăm con, vừa hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu.

“Tôi hiếm khi rủ bạn bè đi cà phê hay tán gẫu, tôi thấy sốt ruột vì tiếc thời gian; tranh thủ sự san sẻ của chồng, người thân và dạy, rèn con tính tự lập... để hoàn thành công việc. Ngay từ học sinh tiểu học, con tôi đã có ý thức tự giác học tập cũng như chăm sóc bản thân”, chị kể.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để tăng hiệu quả của cây dưa lấy hạt tại một số huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế” GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa và nhóm tác giả đã đoạt giải Nhì, giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2016 và giải Ba, giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa (thứ 4 từ phải sang) cùng các cán bộ giảng viên nữ trong Khoa Nông học.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa (thứ 4 từ phải sang) cùng các cán bộ giảng viên nữ trong Khoa Nông học.

Trăn trở với nông nghiệp sạch

Rau sạch an toàn cho người sử dụng là mục tiêu của nền nông nghiệp xanh và mong muốn của người dùng. Người trồng rau thì mong muốn tạo ra lợi nhuận cao, chi phí sản xuất rẻ.

Làm thế nào để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cả hai phía là người sản xuất và người tiêu dùng. GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đã đi tìm câu trả lời bằng cách nghiên cứu ra phân bón thủy sinh, an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe, đem lại lợi nhuận cho người nông dân để họ tránh xa các loại phân bón nguy hại.

“Nhu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ đang rất cần có các sản phẩm hữu cơ như phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thừa Thiên Huế có diện tích ao hồ, đầm phá rất lớn. Từ các loài thực vật thủy sinh đến các loài rong biển, bèo tây nhưng việc sử dụng chưa triệt để.

Trước đây tôi có nghiên cứu phân bón từ rong biển và bèo tây. Loại phân hữu cơ này tốn công lao động rất nhiều nên hướng sản xuất phân bón lá giúp giảm nhân công lao động, hiệu quả nhanh so với các loại phân bón hóa học khác”, GS Hoàng Thị Thái Hòa cho biết.

Đề tài “Nghiên cứu sản xuất phân bón là sinh học từ thực vật thủy sinh cho một số loại rau ăn lá tại tỉnh Thừa Thiên Huế” được GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa thực hiện đem lại hiệu quả rất cao cho người nông dân. Nguyên liệu để sản xuất phân bón lá là các loại rong ở đầm phá Tam Giang và bèo tây ở các ao hồ, kênh rạch trên địa bàn.

Đây là phân bón kết hợp các loại thực vật thủy sinh là bèo tây và rong cỏ. Sản phẩm có chất lượng tương đương các loại phân bón trên thị trường, trong khi nguyên liệu dễ kiếm.

Rong cỏ và bèo tây được lấy về, rửa sạch và ủ với các vật liệu và tỉ lệ khác nhau, sau 2 tháng đem chiết rút thì có sản phẩm. Điều đáng nói là loại phân bón này có quy trình rất đơn giản, ai cũng có thể làm được và giá thành không cao.

Phân bón có đầy đủ dinh dưỡng cần cho cây ăn lá như khoáng đa lượng, vi lượng, giúp cây phát triển tốt. Rau giữ được dinh dưỡng cao, an toàn cho người sử dụng.

Hộ gia đình ông Phạm Trực trồng rau tại Thường Thành, TP Huế áp dụng phân bón lá này trên diện tích khoảng 1.500m2 đủ loại rau hành, rau dền, tía tô, kinh giới... Ông cho biết, khi ứng dụng loại phân bón này cho hiệu quả rất tốt, rau xanh, sinh trưởng khỏe, an toàn. Loại phân bón này cũng được thử nghiệm trong vườn nghiên cứu của Trường Đại học Nông Lâm.

Sản phẩm phân bón không chỉ đem lại lợi ích cho người nông dân về năng suất cây trồng, sự an toàn khi dùng phân bón mà còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu này đã giành giải 3, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên cái khó của nhà khoa học hiện nay vẫn là làm thế nào sản phẩm đến với đông đảo bà con nông dân nghèo trên địa bàn nếu không có các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ.

“Khó khăn của nhà khoa học là chỉ có đủ kinh phí cho nghiên cứu chứ không có kinh phí để triển khai ứng dụng rộng rãi. Tôi mong muốn có doanh nghiệp hợp tác để sản phẩm đến được bà con nông dân. Hiện thị trường có nhu cầu rất cao về loại phân bón sinh học này. Hiện sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế”, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cho biết.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cùng đồng nghiệp trong nghiên cứu khoa học.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cùng đồng nghiệp trong nghiên cứu khoa học.

Công việc gian khó

Hỏi về bí quyết để có được thành công, GS Hòa cho rằng phải có đam mê và dành trọn tâm huyết với công việc mà mình theo đuổi, như vậy mới có thể trưởng thành.

Là người yêu thích khoa học từ nhỏ, nên ngay khi còn là sinh viên, chị đã quyết tâm học thật giỏi và được giữ lại trường làm giảng viên, sau đó đỗ học bổng đi học thạc sĩ ở Thái Lan. Được tiếp xúc và có cơ hội tham gia các đề tài khoa học quốc tế đã giúp cho chị ngày càng trưởng thành, thành công nối tiếp thành công.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa cho biết, nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó, với phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào lĩnh vực này. Đặc biệt, do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, do lĩnh vực nghiên cứu trong nông nghiệp, nên phải tiến hành các thí nghiệm trong phòng, trong chậu và trên đồng ruộng.

Các nghiên cứu trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu, nên không phải lúc nào các nghiên cứu cũng thành công và phải thực hiện lại mới đạt được kết quả mong muốn.

Bên cạnh đó còn gặp phải các khó khăn về trang thiết bị và nguồn kinh phí phục vụ cho nghiên cứu. Để nghiên cứu khoa học thành công, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và bền bỉ mới đạt được mục tiêu đề ra.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa là tấm gương về sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học cho các thế hệ giảng viên và sinh viên Khoa Nông học nói riêng cũng như Trường Đại học Nông Lâm nói chung noi theo.

Cô luôn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển của Khoa Nông học và Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Năm 2017, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2019 được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; bốn lần chị được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; hai lần đoạt giải thưởng VIFOTEC và nhiều bằng khen, giấy khen cao quý khác.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ