TS Ngô Trung Việt, con trai trưởng của Nhà giáo nhân dân Ngô Thúc Lanh, vừa báo tin Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Ngô Thúc Lanh do tuổi cao sức yếu đã từ trần lúc 8 giờ 14 phút sáng nay, 26.3, hưởng thọ 97 tuổi.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Ngô Thúc Lanh là con cháu họ Ngô ở Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), một dòng họ vốn nhiều đời làm nghề dạy học. Cụ thân sinh giáo sư Lanh là cụ Ngô Đình Nhã cùng em trai là Ngô Huy Tân (ông nội của giáo sư Ngô Bảo Châu) đều làm nghề “gõ đầu trẻ” (giáo viên tiểu học).
Con cháu của hai cụ chỉ có GS Lanh (đời thứ hai) và GS Châu (đời thứ ba) gắn bó sâu sắc với nghề dạy học và điều thú vị là cả hai đều là giáo sư toán học.
“Tôi chỉ là người dạy toán”
Tuy nhiên, gần 10 năm trước đây, trong cơn sốt hâm mộ giáo sư Ngô Bảo Châu sau khi vị giáo sư danh tiếng này được giải Fields, trả lời báo chí khi đó, GS Lanh từng “đính chính” trước việc nhiều người tưởng GS Châu theo con đường toán học là nhờ ảnh hưởng từ GS Lanh: “Kỳ thực con đường đi của Châu không liên quan gì đến tôi. Giữa chúng tôi, mối dây liên hệ duy nhất là có họ hàng”.
Rồi ông nói tiếp: “Mà tôi cũng không phải là nhà toán học, tôi chỉ là người dạy toán”.
Theo PGS Bùi Văn Nghị, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán - Tin trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mặc dù xuất thân từ khoa có rất nhiều giáo sư danh tiếng như Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh, Phan Đình Diệu,... nhưng chỉ có hai người được tôn xưng là “khai quốc công thần” của ngành sư phạm toán là GS Nguyễn Cảnh Toàn và GS Ngô Thúc Lanh.
GS Lanh từng lý giải điều này bằng một nguyên do giản dị: “Vị trí của tôi trong ngành là do lịch sử tạo nên”. Theo GS Lanh, hồi đó số người biết toán học rất ít. Thời Pháp thuộc, ngay cả những trường cao đẳng kỹ thuật, trình độ toán học cũng không vượt quá chương trình giải tích lớp 12 hiện nay. Các ông Tạ Quang Bửu, Nguỵ Như Kon Tum muốn học toán thì phải sang Pháp.
Mãi đến năm 1941, Pháp mở trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương, toán học đại cương mới được đưa vào giảng dạy ở Việt Nam. GS Lanh học khoá 3 trường này, học xong toán học đại cương thì diễn ra Cách mạng Tháng 8 và sau đó là toàn quốc kháng chiến chống Pháp. GS Lanh bắt đầu vào ngành giáo dục khi tham gia kháng chiến.
Sinh thời GS Lanh nói: “Khi trường Sư phạm Cao cấp được thành lập, người dạy toán hồi đó chỉ có GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Xiển và trợ lý cho họ là anh Nguyễn Cảnh Toàn. Về sau có thêm tôi, anh Nguyễn Thúc Hào, anh Khúc Ngọc Khảm... Lớp sau nữa có thêm anh Hoàng Tuỵ. Trong đội ngũ trên, anh Nguyễn Cảnh Toàn và anh Hoàng Tuỵ là những người đặc biệt có khả năng về toán, chỉ tiếc anh Toàn về sau làm lãnh đạo nên không còn nhiều thời gian dành cho toán”.
Làm việc nghiêm túc, dạy dỗ chuẩn mực
Sau giải phóng Thủ đô, Trường Sư phạm Cao cấp chuyển về Hà Nội tiếp quản Trường Cao đẳng Khoa học, rồi sáp nhập với một số trường khác để thành lập Trường ĐH Sư phạm Khoa học. GS Ngô Thúc Lanh vẫn là một trong những trụ cột phụ trách môn toán. Chỉ tồn tại 2 năm với 3 khoá đào tạo, nhưng Trường ĐH Sư phạm Khoa học trở thành máy cái cung cấp cán bộ giảng dạy cho các trường đại học được thành lập sau đó.
Năm 1956, hai trường ĐH Sư phạm Khoa học và ĐH Sư phạm Văn khoa được nhập lại rồi tách ra thành hai trường hoàn chỉnh: ĐH Tổng hợp Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội. GS Nguyễn Cảnh Toàn và GS Ngô Thúc Lanh là những vị lãnh đạo đầu tiên của khoa Toán (tiền thân là khoa Toán - Lý) Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Theo GS Vũ Tuấn (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thời kỳ GS Ngô Thúc Lanh làm Chủ nhiệm khoa (1956 - 1972) là giai đoạn “khoa Toán làm việc nghiêm túc nhất, dạy dỗ chuẩn mực, học tập và lao động hăng say nhất”.
GS Đoàn Quỳnh, một đồng nghiệp đàn em của GS Ngô Thúc Lanh, nhớ lại: “Tuy anh Lanh là lãnh đạo nhưng chúng tôi cảm giác rất dễ dàng chia sẻ các vấn đề với anh. Thời đó, người ta đánh giá con người thiên về thành phần xuất thân, nhưng anh Lanh lại rất rộng lượng. Ai cứ có tài, ham học hỏi là được anh ghi nhận, khuyến khích. Anh tạo nên không khí hăng say tìm tòi cái mới trong khoa”.