Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi tận tâm cống hiến nơi vùng khó

GD&TĐ - Trong số 21 cá nhân vinh dự vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) có một giáo viên dạy tiểu học.

co-hoi.jpg
Cô Đỗ Thị Hồi (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Lễ vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2022.

Nữ nhà giáo không có học hàm học vị là cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Sắt son gắn bó với nghề trồng người

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo, cô Đỗ Thị Hồi cho biết: Năm 1992, cô tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng và nhận quyết định về công tác tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1. Vào thời điểm đó, Lạc Hòa là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Châu. Vùng đất này là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Hoa sinh sống. Đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên việc học của học sinh chưa được coi trọng.

Trường cách thị trấn (nay là thị xã) 15 cây số, việc đi lại vô cùng khó khăn, mùa khô thì bụi, mùa mưa thì trơn trượt. Nhiều bữa đến trường cô giáo trẻ ướt sũng, sình bùn dính bẩn hết quần áo. “Nhớ nhất là khoảng sân trường đầy cỏ dại, 5 phòng học được coi là khang trang nhất vì bên dưới xây gạch cao khoảng 1 mét, phần trên được che bằng những tấm tôn. Các phòng còn lại là tạm bợ, dựng từ cây lá. Học sinh đến lớp với những bộ quần áo nhàu nát, rách nhiều chỗ. Nhiều em đi chân đất, thiếu sách vở, dụng cụ học tập”, cô Hồi nhớ lại.

Thời điểm đó, trường không có chỗ ở cho giáo viên nên các cô được bố trí ở trong nhà dân. “Lúc đó, tôi còn trẻ, trái tim mang đầy hoài bão. Bước vào cuộc sống của nhà giáo vùng xa, đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn, ban đầu tôi cũng có tâm tư. Nhưng vì tận mắt thấy học sinh chịu thiệt thòi quá nhiều, cả về điều kiện kinh tế và môi trường học tập, nên tôi nghĩ mình bỏ cuộc thì các em sẽ ra sao. Từ đó, tôi tự nhủ với lòng mình là phải vượt qua tất cả, phải làm được điều gì đó cho học sinh. Cứ vậy mà tôi đã ở lại với vùng đất Lạc Hòa này lâu đến thế”, cô Hồi tâm sự.

Với tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo, cô Hồi tự nhủ phải cố làm việc nhiều hơn để giúp đỡ học sinh giảm bớt những thiệt thòi. Không quản ngại khó khăn, cô luôn say mê với công việc, tìm ra những phương pháp phù hợp với học sinh, giúp các em tự tin, hào hứng đến trường. Cô chú trọng phân hóa học sinh theo nhóm, theo khả năng tiếp thu. Trong từng giờ giảng, cô đặc biệt quan tâm đến những em còn khó khăn về học tập.

Ngoài giờ dạy chính trên lớp, cô Hồi thường ở lại mỗi ngày khoảng 30 đến 45 phút kèm thêm cho những học sinh còn yếu kém. Những học sinh phải phụ giúp cha mẹ, không thể đến lớp đầy đủ, cô tìm đến tận nhà để giúp đỡ các em ôn lại kiến thức. Bên cạnh việc vận động hỗ trợ cho học sinh nghèo của lớp mình, cô còn làm tốt công tác vận động “mạnh thường quân” hỗ trợ mua sắm thiết bị cho hoạt động của trường như: Tivi, quạt máy.

“Thấy các em phải nghỉ học vì cha mẹ bận mưu sinh không đưa đón được, tôi nói với phụ huynh buổi trưa gửi con ở nhà tôi để tôi chăm sóc, chứ đừng bắt các em nghỉ học. Thấy các em nghỉ học, tôi xót xa lắm. Mình chịu cực một chút, các em được đến trường là tôi vui rồi”, cô Hồi cho biết.

Nhờ cách làm này, lớp cô Hồi chủ nhiệm không có học sinh nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.

tan tam cong hien noi vung kho (3).jpg
Cô Đỗ Thị Hồi và học sinh.
tan tam cong hien noi vung kho (1).jpg
Cô Đỗ Thị Hồi (bên phải) và đồng nghiệp.

Không ngừng tận tâm cống hiến

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, cô Hồi rất chăm viết sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Cô đã có 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, cô Hồi còn tổ chức các lớp xóa mù chữ vào buổi tối để xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân địa phương. Có những học viên ngại không đến lớp, cô sẵn sàng đến tận nhà để dạy học.

Để động viên học sinh, cô còn trích lương mua tặng trò bút, vở và tranh thủ các mối quan hệ, vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần để “tiếp bước đến trường”. Trong 5 năm qua, cô đã hỗ trợ và kêu gọi “mạnh thường quân” hỗ trợ Quỹ “Vì học sinh nghèo”, Quỹ “Khuyến học” 13 suất học bổng, 3 chiếc xe đạp, 1.000 cuốn tập, 150 đôi dép, 60 chiếc cặp cùng với 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo, 10 bộ sách giáo khoa mới, 100 thùng nước lọc và nhiều quần áo, sách giáo khoa đã qua sử dụng…

Thầy Thạch Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 cho biết: Trong sự nghiệp trồng người, cô Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh. Cô cũng giành giải cao trong thi thiết kế đồ dùng dạy học.

Cô Hồi cũng liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô đã xuất sắc giành “giải thưởng Võ Trường Toản”, “Viên phấn Vàng” và vinh dự được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh Sóc Trăng.

Năm 2017, cô Hồi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2022, cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam…

Đầu tháng 3/2023, Hội đồng Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tỉnh Sóc Trăng lần thứ 16 đã thống nhất đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đối với cô Đỗ Thị Hồi. Đây là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được đề nghị tặng danh hiệu cao quý này. Trước đó, Sóc Trăng có một nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

GD&TĐ - Nhạc trưởng Kevin De Bruyne đã "đồng ý miệng" về việc rời Man City và chuyển sang thi đấu tại giải Saudi Pro League của Ả Rập Xê-út.