Vừa là bạn, vừa là thầy
Cô Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) đại diện cho hàng nghìn giáo viên của thành phố Hà Nội vừa được Công đoàn Giáo dục Hà Nội trao tặng giấy khen Gia đình nhà giáo Thủ đô tiêu biểu năm học 2019 - 2020.
Dạy môn Ngữ văn, nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi, cô Lan luôn được đồng nghiệp và các em học sinh tin yêu, quý mến. Cô còn là một tấm gương tiêu biểu luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công tác quản lý, với tấm lòng nhiệt tình đã cống hiến nhiều năm trong ngành Giáo dục.
Không chỉ giảng dạy, quản lý tốt chuyên môn, cô Lan còn được biết đến là người vợ, người mẹ luôn chăm sóc cho gia đình cùng người bạn đời của mình nuôi dạy con học giỏi và thành đạt. Công việc vất vả nhưng cô vẫn luôn sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để vừa làm tốt công tác ở trường vừa có thể chăm sóc, vun vén cho tổ ấm của gia đình. Theo cô Lan, để xây dựng gia đình hòa thuận hạnh phúc, cha mẹ phải hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau và thống nhất cách dạy con. Như vậy, con cái sẽ học được cách ứng xử tốt từ cha mẹ. Từ đó, con trưởng thành sẽ thực hành hành vi tương tự với mọi người xung quanh.
Cô Lan tâm sự: Gia đình tôi cả 2 vợ chồng cùng trong ngành, cùng là nhà giáo nên thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ và có sự thống nhất về phương pháp, cách thức giáo dục con. Với công việc bộn bề, trước hết chúng tôi chia sẻ với nhau, thứ hai là sắp xếp lịch làm việc khoa học phù hợp. Ví dụ như chồng cũng có thể nấu cơm, rửa bát, vợ cũng có thể làm việc nhà, dọn dẹp...
Đối với việc nuôi dạy con, vợ chồng tôi cũng gặp khó khăn chung như các gia đình khác. Hiện nay, trẻ con tiếp cận nhiều với các thiết bị điện tử, CNTT cho nên gia đình thường rơi vào tình trạng trạng thái "tủ lạnh". Có nghĩa là có ít sự chia sẻ, ít giao tiếp. Các con đi học về ăn uống xong là con vào phòng con, bố mẹ vào phòng bố mẹ làm việc.
Là người làm giáo dục, nên tôi luôn có phương châm, nguyên tắc giáo dục là coi con cái như bạn bè để chia sẻ. Phải nắm bắt tâm lý của con, hiểu tâm lý của các cháu để chia sẻ gần gũi. Mẹ vừa là người bạn, vừa là người thầy để có thể chỉ dẫn và tháo gỡ cho con tất cả những khó khăn trong học tập cũng như khó khăn trong tâm lý khi có sự chuyển giao về độ tuổi.
Trong cuộc sống gia đình sẽ có những bất đồng quan điểm, có những mâu thuẫn hoặc va chạm về cá tính. Để giữ được như thế thì người phụ nữ trong gia đình phải biết dung hòa, phải hiểu tâm lý, lựa chọn giải pháp trao đổi sau để có hiệu quả tốt hơn, tránh mâu thuẫn xung đột. Người phụ nữ trước hết phải quan tâm đến gia đình, đến con cái, quan tâm bằng nhiều cách thức khác nhau. Một trong những cách thức là nắm bắt tâm lý các thành viên trong gia đình và điều tiết, điều chỉnh để cho các mối quan hệ, thậm chí đóng vai trò là trung tâm gắn kết quan hệ giữa chị em bố con và các thành viên trong gia đình.
Vươn tay là chạm, mở mắt là thấy
Đại diện cho một gia đình nhà giáo tiêu biểu được biểu dương năm nay, thầy Đặng Anh Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) chia sẻ một góc nhìn về việc xây dựng gia đình hạnh phúc để cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách.
Thầy Hiếu cho biết: Gia đình hạnh phúc là khi hai vợ chồng cùng nhau cố gắng lao động, cống hiến, đồng thời được cùng nhau chăm sóc con cái. Khi có khó khăn trong cuộc sống thì không gì cần thiết bằng việc phải ở bên nhau sao cho "vươn tay là chạm, mở mắt là thấy", cùng động viên nhau vượt qua khó khăn gian khổ.
Từ kinh nghiệm bản thân, thầy Hiếu cho rằng để xây dựng gia đình hạnh phúc, trước hết phải xây dựng và duy trì sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa vợ và chồng. Trong một gia đình, nếu cha và mẹ hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau, con cái sẽ học được cách cư xử tốt của cha mẹ.
Thầy Hiếu cho rằng, bên cạnh nguyên tắc về lòng yêu thương, tin tưởng và tôn trọng thì một điều đặc biệt quan trọng nữa là các thành viên trong gia đình cần sẵn sàng cùng nhau chia sẻ việc nhà. Không cần phải phân tách các loại công việc khác nhau, mà thay vào đó, vợ chồng cùng làm việc và chia sẻ gánh nặng, cho dù đó là bất kể việc gì.
"Chẳng hạn, khi cháu bé nhà chúng tôi chào đời, vợ chồng tôi biết cách chia sẻ công việc với nhau một cách hợp lý. Tôi nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, còn vợ tôi chăm sóc cháu bé. Thậm chí không dừng lại ở đó, tôi luôn cố gắng giúp đỡ vợ hết mức có thể như thay tã, ru con ngủ để cho vợ nghỉ ngơi".
Thực tế cuộc sống có những lúc khó khăn, thách thức hơn nhiều. Đầu năm 2015, vợ thầy phải phẫu thuật u não, giữa năm 2016 thì mổ ung thư tuyến giáp phải nghỉ làm ở nhà một thời gian. Khi đó, thầy Hiếu đã có cả một quãng thời gian dài quen với việc mỗi sáng đều dậy sớm nấu cơm, thuốc thang cho vợ, vừa tranh thủ dạy con học bài. Nhờ tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình không quản ngại khó khăn vất vả đó đã đem lại trái ngọt, mang lại hạnh phúc cho gia đình. Đến nay, vợ thầy đã hoàn toàn khỏe mạnh, tham gia công tác ở trường bình thường.
Thầy Hiếu chia sẻ: Trước áp lực của công việc "cơm, áo, gạo, tiền", quỹ thời gian của bố mẹ dành cho con cái, dành cho nhau ngày càng ít đi, ít có sự quan tâm, gần gũi. Bởi vậy, mỗi gia đình hãy biết cân bằng thời gian giữa gia đình và công việc; hãy biết trân trọng những nguyên tắc để xây dựng gia đình hạnh phúc.