>>Bố cục Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD; Những sửa đổi, bổ sung về Chương trình giáo dục; Bổ sung quy định “phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi”; Quy định về SGK phù hợp với người học trong trường chuyên biệt; Luật hóa thực tế tồn tại một số học viện, đại học; Điều kiện được đào tạo trình độ tiến sĩ; Bổ sung trung tâm ngoại ngữ, tin học vào nội dung Luật; Về thành lập, đình chỉ hoạt động GD, giải thể nhà trường; Về kiểm định chất lượng, công khai tiêu chuẩn chất lượng GD
Ảnh minh họa |
Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã được thực hiện từ năm 1988, nhưng đến tháng 11/1995, chế độ này đã bị bãi bỏ và thay thế bằng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Trên thực tế, phụ cấp đứng lớp chỉ thực hiện đối với những người trực tiếp giảng dạy do đó dẫn đến một số giáo viên giỏi không muốn về làm công tác quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục do thu nhập giảm và thiệt thòi lúc tính chế độ hưu trí.
Nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo gắn bó với nghề, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục bổ sung điều 81 quy định nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Việc sửa đổi này thống nhất với Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, cụ thể như sau:
“Điều 81. Tiền lương
Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.”
Nhà giáo giảng dạy tại CĐ nghề được gọi là giảng viên
Cũng liên quan đến nhà giáo, Luật Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 70 nhằm thống nhất về tên gọi giữa nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy trong các trường cao đẳng và trường cao đẳng nghề. Cụ thể như sau:
“3. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề gọi là giảng viên.”
GD&TĐ