"Nhà điên" trên cao nguyên

GD&TĐ - Ở vùng cao nguyên đầy nắng và gió, có một ngôi “nhà điên” đã tồn tại suốt hơn 10 năm qua, là nơi trú ngụ của hơn 70 người mắc bệnh tâm thần đến từ mọi miền đất nước. 

Những thành viên của ngôi “nhà điên” cùng chú Phước (người mang áo phông ngắn tay, cổ xanh, ngồi thứ 2 phía bên phải).
Những thành viên của ngôi “nhà điên” cùng chú Phước (người mang áo phông ngắn tay, cổ xanh, ngồi thứ 2 phía bên phải).

Chủ ngôi “nhà điên” là anh Hà Tư Phước ở thôn Ia Rôc (xã Chư Hdrông, TP Pleiku, Gia Lai).

Cơ duyên trời định

Thấy có khách tới nhà hàng chục ánh mắt ngơ ngác hướng về các vị khách lạ. Không khó để nhận ra họ chính là những người bị bệnh tâm thần được anh Phước cưu mang đem về nuôi. Qua quan sát, lúc này, trong căn nhà của anh Phước có rất đông người. Tính sơ sơ cũng lên đến con số hàng chục.

Anh Phước bắt đầu kể về cơ duyên với những thành viên trong gia đình đặc biệt này. Năm 2003, kinh tế gia đình anh rất khó khăn, ngoài nuôi gia đình nhỏ của mình anh còn phải lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Anh ngày ngày đi lái xe thuê kiếm từng đồng. 

Như duyên trời định trong lần chạy xe thuê ở dưới huyện, anh tình cờ gặp một thanh niên đi ngoài đường, chân bị trói, anh sợ xe đụng vào liền xuống hỏi. Những câu trả lời anh nhận được đều là cái lắc đầu, thấy thương nên anh cho lên xe đưa về nhà chăm sóc. 

Anh kể: "Ban đầu thấy tôi dẫn một người điên không quen biết về nuôi vợ tôi phản đối quyết liệt. Cũng do kinh tế khó khăn quá, lo mấy miện ăn trong nhà không nổi, giờ tự nhiên rước thêm một người tâm thần không quen biết về nuôi. 

Mưa dầm thấm lâu, vợ tôi dần cũng thấy thương anh bạn có hoàn cảnh đặc biệt đó. Từ đó, vợ tôi hiểu được ý nghĩa việc tôi làm và bắt đầu ủng hộ. Giờ vợ tôi đã trở thành cánh tay phải của tôi trong chăm lo miếng ăn, giấc ngũ cho các thành viên ở đây”.

Hơn 70 con người ở đây, mỗi người một hoàn cảnh, họ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng nhiều nhất vẫn là những bệnh nhân tâm thần bị gia đình bỏ rơi, được anh chị đưa về nuôi. 

Mát tay với người điên

Có nhiều trường hợp trước khi vào đây vì bệnh không điều khiển được bản thân đã gây ra những vụ oán tày đình. Có người từng giết cha, giết anh em, hàng xóm khi lên cơn. Rồi vào đây họ đã rủ bỏ được những tội ác mình gây ra và sống lương thiện, bệnh tình cũng dần thuyên giảm.

Dù điều kiện thuốc men rất thiếu thốn, chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân nhưng không hiểu sao, các bệnh tâm thần nặng hay nhẹ một thời gian được anh nuôi đều thuyên giảm. 

Khi được đặt câu hỏi anh Phước chỉ cười và trả lời ngắn gọn: “Cũng chẳng có phương pháp gì, vợ chồng tôi xem tất cả bệnh nhân ở đây như những thành viên trong gia đình. 

Các bệnh nhân với nhau xem như là anh em. Bệnh tâm thần vấn đề tâm lý rất quan trọng, chỉ có xây dựng cuộc sống vui vẻ, hòa đồng như một gia đình lớn mới nhanh bình phục được”. 

Điều kiện kinh tế khó khăn nên anh Phước phải chạy vạy kiếm tiền nhưng cũng không thể trang trải hết được. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, các thành viên trong nhà dường như thấu hiểu sự vất vả của vợ chồng anh nên sống vui vẻ, không đi lang thang. Có những lúc hết gạo, hết thức ăn, vợ anh phải ra chợ xin bà con tiểu thương ít gạo, ít mắm muối về lo cho từng bữa.

Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc hàng chục người điên, anh Phước còn làm những việc ít ai dám làm như: tắm rửa cho những người qua đời trước khi khâm liệm; nhặt xác người chết vì tai nạn giao thông hay chết đuối. Anh làm nghề này ngoài chạy xe cũng xuất phát từ cái tâm, sau nữa là kiếm thêm ít tiền lo cho cái ăn, cái mặc của các bệnh nhân tâm thần.

24/24 giờ chỉ cần có ai gọi là anh cắp xe lên đường hướng về những nơi có tai nạn chết người. Anh không đòi tiền công, ai có thì hỗ trợ chút đỉnh về anh cải thiện bữa ăn cho mọi người. 

Có nhiều trường hợp tai nạn mất mà không tìm ra người thân anh cũng bỏ công, bỏ tiền ra lo mai táng cho họ một cách chu đáo. Làm việc thiện hình như đã ngấm vào con người anh Phước. Biết anh hay làm việc thiện cứ thấy có người điên lang thang hay có tai nạn là người dân ở phố núi này lại gọi là anh đến liền. 

Những tấm lòng nhân hậu chung tay, góp sức đối với gia đình nuôi hơn 70 người điên xin gửi về địa chỉ:

Hà Tư Phước – ĐC: Thôn Ia Rôc, xã Chư Hdrông, TP Pleiku (Gia Lai). ĐT: 0974 108 968

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.