Nhà có "ông vua con"

Nhà có "ông vua con"
Tình thương yêu và cách giáo dục đúnghướng của cha mẹ chính là
Tình thương yêu và cách giáo dục đúng hướng của cha mẹ chính là "bệ phóng" để con cái trưởng thành

* Muốn con làm thì phải...

Cậu bé mà tôi để ý tên là Hùng. Năm nay Hùng 13 tuổi. Lúc gặp tôi, mặt Hùng cau có khó chịu, thỉnh thoảng còn lén lườm một cái. Chắc thấy tôi tranh mất cả bố lẫn mẹ trong buổi chiều nay nên cu cậu khó chịu chăng? Tôi lân la làm quen với Hùng, nhưng hỏi gì cậu bé cũng không buồn trả lời, có lúc còn nói trống không, gắt gỏng; “Hổng biết”, “Hổng hiểu”… Chẹp! May mà không phải là con cháu mình, không thì có mà “vỡ đít” vì bị đánh. Tôi nhủ thầm. Thân thiết với nhau, có khi phải góp ý với ông bạn, chứ dạy dỗ con cái thế này thì hỏng. Người ngoài có khi nói con nhà mất dạy. Người mới gặp lần đầu có thể suy đoán: “Chắc cha mẹ nó không biết cách dạy, không thể dạy hoặc nó sống trong một gia đình không hạnh phúc...”…

Nhân lúc chị vợ anh bạn đứng lên vào bếp, tôi mới kéo tay bạn nói nhỏ: Cậu phải kèm cặp lại thằng cu Hùng chứ… Không kịp để tôi nói hết lời, anh bạn đã thở dài: Nó láo lắm. Tôi biết, nhưng giờ chịu rồi. Ở nhà 4 ông bà nội ngoại, lại thêm mẹ nó nữa, chiều quá mức nên giờ nó mới thế…

Anh bạn tôi kể, ở nhà, mọi đòi hỏi của Hùng không khác gì chiếu vua ban! Mỗi lần Hùng la khóc là cả nhà lại rối lên, vì bé là cháu đích tôn. Rồi theo thời gian, Hùng lớn lên, đồng nghĩa với vị thế trong nhà của bé cũng lớn lên, dù Hùng cãi láo với ông bà nhưng cả nhà đều nhắm mắt cho qua. Hùng còn tỏ ra vô lễ ngay cả với khách.

Đặc biệt, Hùng coi bố mẹ không khác gì người hầu, nhất là khi nó ý thức vị thế của mình. Hùng liên tục la hét: “Tại sao mẹ không giặt cái áo này cho con?”, “Tại sao mẹ lại chuẩn bị sách này, hôm nay con học toán chứ không phải lý, bực cả mình”. Mỗi khi có bạn rủ đi chơi, Hùng cũng ngồi một chỗ mà kêu “áo đâu?”, “giày đâu?”, “mũ đâu?”, còn mẹ nó thì phải loay hoay tìm đồ cho con. Đi ra siêu thị, Hùng cũng không bỏ quên các câu mệnh lệnh của mình: “Mẹ, tối nay ăn cá sốt”, “Mẹ, mua gói mì nui này”…

Lớn hơn một chút nữa, Hùng đã biết cách trao đổi với mẹ: “Nếu mẹ không mua máy tính mới cho con, con sẽ không đi học!” Thế là bà mẹ tức tốc giục chồng mua máy hiện đại nhất mà “ông tướng” yêu cầu, chiếc máy tính màn hình tinh thể lỏng trọn bộ lên đến hơn chục triệu đồng, mà mục đích cũng là để cậu... chơi điện tử.

Dường như trong suy nghĩ của cha mẹ Hùng, đáp ứng đòi hỏi vật chất của con là cách thể hiện tình thương và như thế, sẽ đem lại hạnh phúc cho con, giúp con tự tin và sống cân bằng...

* Mất bạn vì... con hư

Đi công tác về nhà, đem câu chuyện nhà bạn kể lại với vợ. Ai ngờ vợ tôi còn than thở hơn, bảo: “Giờ nhiều nhà chiều con thái quá. Không chỉ bạn anh đâu. Bạn em cũng thế đấy. Hội con gái chơi thân nhau hồi đại học giờ không muốn qua nhà nó nữa. Chỉ bởi con nó được chiều quá, hư kinh người…”

Như hồi hôm, cô bạn đó rủ vợ tôi đi lòng vòng mua sắm vì chồng đi công tác. Nhưng vợ tôi thoái thác công việc quá bận. Vợ tôi tâm sự: “Em cũng muốn đi với nó lắm. Nhưng cứ nghĩ đến thằng Nấm nhà nó là em sợ”. Dường như vợ tôi có quá nhiều kỷ niệm không vui về cậu bé này thì phải. Tò mò, tôi gợi cho vợ kể chuyện về Nấm.

Lúc Nấm 2 tuổi, cậu rất thích thú trò quơ những gì có trên bàn xuống đất mà không bị ai mắng. Bà nội có lần còn đưa cho Nấm tách trà để cậu ném xuống đất với vẻ mặt rất đắc chí vì biết cu cậu thích. Thấy ai trong nhà đang xem ti vi hay ngồi trước quạt là y như rằng, cu cậu đến chắn ngang trước mặt. Rồi hễ thấy mẹ trò chuyện với ai, Nấm liền chạy đến, tìm mọi cách phá ngang bằng những câu hỏi rất ngớ ngẩn, chỉ để lôi kéo sự chú ý của mọi người về phía mình.

Ai thấy Nấm quá đà góp ý thì mẹ Nấm đều bảo: “Trẻ con đứa nào chẳng thế”. Sau đó là mẹ Nấm im lặng với vẻ mặt rất nặng nề khiến chẳng ai muốn nói gì đến Nấm nữa. Hầu như tất cả bạn bè của bố mẹ Nấm, trong đó có cả vợ tôi, dẫu tế nhị không nói trước mặt nhưng sau lưng, ai cũng có thể kể hàng lô hàng lốc về cậu trời con ấy kèm theo cái lắc đầu chán ngán: “Thằng bé rất sáng sủa, chỉ vì cả nhà không biết dạy nên mới nên nỗi. Tội nghiệp nó!”.

Có lần, mẹ của Nấm tâm sự với vợ tôi, rằng thật ra, không phải cô không ái ngại về sự cá biệt của con trai. Cô cũng biết nó quá hư so với đứa bé khác, nhưng cô lại tự an ủi: “Sau này nó lớn, hiểu biết hơn thì sẽ dạy”. Và mẹ Nấm vẫn không thể ép mình nghiêm khắc với con được, và càng ngày Nấm càng khó uốn nắn.

Đến lúc lớn thì chưa biết sao, nhưng giờ đây, mẹ Nấm đã thấy rất xấu hổ và nặng nề khi hằng tuần đều bị cô giáo của Nấm gọi đến mắng vốn. Nào là: “Bé rất hay nói chuyện trong giờ học, không tập trung”, “bé quá lơ đãng, không tiếp thu bài học”. Chưa hết, cô giáo Nấm phàn nàn cậu chỉ thích chơi, không hề thích học. Mà chỉ còn gần 1 năm nữa là Nấm sẽ vào lớp một mà nó vẫn chưa thể làm được những phép tính đơn giản hay vẫn chưa thuộc được 24 chữ cái.

Mẹ Nấm gọi điện đến nhà tôi, vợ tôi cứ im lặng cầm máy nghe, chẳng dám an ủi góp ý câu gì. Hình như vợ tôi sợ sẽ một lần nữa làm bạn tổn thương, sợ bạn giận vì nói không tốt về cu Nấm.

* Cây non không uốn

Từ chuyện của Hùng và Nấm, tôi cứ thấy lo lo. Rằng nếu cây non không uốn, sau này cây lớn lên, cứng cáp rồi, lúc đó mà uốn nắn chỉ có gẫy gục mà thôi. Nhìn đâu xa, ngay hàng xóm nhà tôi là thấy.

Chị Hằng hàng xóm nhà tôi có hai cô con gái. Cô nào cũng xinh đẹp, da trắng tóc dài, được mẹ cưng chiều từ tấm bé. Vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt, chạy chữa mãi anh chị mới có được hai cô tiểu thư vàng ngọc, nên ngay từ nhỏ, mặc dù con yêu sách, đòi hỏi đấy nhưng chị Hằng vẫn coi đó là chuyện bình thường, không trách mắng, không bảo ban mà luôn thực thi những yêu cầu của các con.

Năm nay cô chị học lớp 10, mỗi tháng ngốn mất của nhà 5 triệu tiền học thêm, từ Toán, Lý, Hóa cho đến Văn, tiếng Anh rồi tiếng Nhật, tiếng Hàn... mà kết quả học tập vẫn trung bình đều đều. Đó là chưa kể mỗi sáng, anh Thắng - chồng chị Hằng đánh ô tô cho con ăn sáng và đưa đến tận cửa lớp học, chiều cũng như vậy, bên cạnh đó là 50 nghìn tiền tiêu vặt mỗi ngày, rồi tiền son phấn, quần áo mốt mới nhất... Có nhiều đêm hai anh chị phải thức đến 1, 2h để đợi mở cổng cho con từ sàn nhảy về, không một lời mắng... Còn cô út, mới lớp 7 thôi đã đòi mua xe đạp ruồi, trưng diện, chát chít quên ăn quên học.

Hôm nọ, bên nhà chị Hăng vẳng giọng cao vút của cô em đang gân cổ lên mặc cả: “Mẹ phải cho con 500 mua quần áo thì con mới trông nhà, không thì con sẽ mở cửa cả đêm lẫn ngày cho trộm vào khuân hết đồ đi...”. Thấy một lúc sau hai vợ chồng chị Hằng đi, mặt có phần bực dọc, cô con gái út đứng ở cửa vung vẩy tờ 500.000 đồng chào bố mẹ rất tươi tỉnh. Chị Hằng tỏ ra bực dọc, nhưng trước khi đi, chị vẫn móc ví cho con theo đúng yêu cầu.

Yêu thương con là phải chiều con hết mức, muốn gì được nấy,... Điều này đã trở thành hội chứng nuông con của rất nhiều ông bố bà mẹ hiện nay mà hậu quả để lại vô cùng trầm trọng, con vô tình trở thành “ông tướng”, “bà tướng” quay trở lại sai bảo và ra lệnh cho bố mẹ.

Mới đây, anh bạn tôi, bố của cậu bé Hùng ốm thập tử nhất sinh, qua cơn bạo bệnh mới nhấc máy lên gọi cho bạn, than rằng: “Lúc mình ốm mà con vẫn ngồi chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón... buồn như muốn khóc. lúc ấy mới ân hận vì đã biến nó thành một cái cây tầm gửi, có biết làm gì đâu”…

Thanh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ