Nhà có 5 cô giáo tên Liên

GD&TĐ - Tới đường Nguyễn Cửu Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) hỏi gia đình cô giáo Đặng Thị Hạ Liên hầu như ai cũng biết.

Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên (người con cả) luôn được học trò quý mến.
Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên (người con cả) luôn được học trò quý mến.

Đây là một gia đình có truyền thống hiếu học và có bốn thế hệ gắn bó với nghề dạy học.

Tình yêu nghề giáo

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cô Hạ Liên (sinh năm 1944) vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Dù đã rời xa bục giảng nhiều năm, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng khi nhắc đến nghề giáo, giọng cô Hạ Liên bỗng trở nên hào sảng và đôi lúc có phần nghẹn lại. Cô Hạ Liên cho biết, thời chiến tranh việc dạy học gặp rất nhiều nguy hiểm do “bom rơi đạn lạc”, nhưng vợ chồng cô vẫn bám lớp, bám trường truyền đạt kiến thức cho học sinh và dạy chữ cho con cái nên người.

Theo chia sẻ của cô Hạ Liên, bản thân cô quyết tâm đến với nghề giáo từ năm học lớp 5. Thời chiến tranh, cuộc sống khó khăn nên việc học của cô Hạ Liên gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên, sau nhiều lần phải nghỉ giữa chừng, cô vẫn quyết tâm học tập để được làm cô giáo. Đầu năm 1968, cô lập gia đình với thầy giáo Sang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học cộng đồng Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Năm 1975, chồng cô được điều động về làm Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước Phòng Giáo dục huyện Bình Chánh, cô Hạ Liên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp 1, 2 Tân Kiên.

“Lúc nhận nhiệm vụ, tôi khóc vì lo lắng sợ không đảm đương công việc do bằng cấp chưa đủ, kinh nghiệm còn thiếu. Tuy nhiên, được sự động viên của cấp trên và lòng quyết tâm của bản thân, tôi vừa làm vừa học. Thời điểm những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, chỉ có tình yêu nghề mới giúp tôi vượt qua tất cả”, cô Hạ Liên nói.

Đối với các con của mình, cô Hạ Liên luôn dành sự quan sát, định hướng từ khi còn nhỏ. Điều này giúp cô nhìn ra được khả năng cũng như đam mê của từng người con. “Khi biết được sở trường và đam mê của các con, tôi định hướng ngay vào sư phạm. Để con chuyên tâm vào việc học, vợ chồng tôi luôn tạo điều kiện hết mức có thể”, cô Hạ Liên chia sẻ.

Tiếp nối nghề nghiệp của cha mẹ, hiện nay 4 trong 6 người con của cô Hạ Liên theo học ngành Sư phạm và đang công tác tại TPHCM. Cụ thể cô Kiều Nguyệt Hồng Liên hiện là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân); cô Kiều Nguyệt Hương Liên là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh); cô Kiều Nguyệt Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (Bình Chánh); cô Kiều Nguyệt Bạch Liên hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Tân Kiên (Bình Chánh). Đặc biệt, cô Hạ Liên cũng có 3 cháu gái tiếp nối nghề giáo với lòng đầy nhiệt thành và tâm huyết.

Nhắc đến những người con của mình, cô Hạ Liên vui vẻ nói: “Vì tôi và các con gái đều tên là Liên nên không ít lần có khách tìm đến nhà tôi hỏi thăm, tôi liền hỏi là muốn gặp Liên nào. Liên mẹ (ý chỉ bản thân - PV), Liên phụ nữ (ý nói cô Kiều Nguyệt Thanh Liên làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Kiên - PV) hay Liên giáo viên. Rồi nếu hỏi Liên giáo viên thì dạy cấp mấy bởi vì các con nhà tôi đều lần lượt công tác từ bậc mầm non đến THPT…”.

Cô Hạ Liên cùng chồng và 6 người con của mình.

Cô Hạ Liên cùng chồng và 6 người con của mình.

Tấm gương cho con cháu

Theo chia sẻ của cô Hạ Liên, ba cô là ông Đặng Minh Hoàng (đã mất) từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời kỳ ông tham gia kháng chiến ở chiến khu Lắng Găng (Bình Thuận), được tổ chức phân công dạy bình dân học vụ cho mọi người, từ học chữ cho đến học tiếng Anh và học võ. Sau giải phóng, dù tuổi cao ông vẫn dạy xóa mù chữ ở địa phương.

Suốt những năm qua, với vai trò là người vợ, người mẹ và người bà trong gia đình, cô Hạ Liên luôn gương mẫu từ lời nói đến việc làm để mọi thành viên trong gia đình noi theo. Những năm chưa nghỉ hưu, dù bận rộn với công việc, nhưng việc dạy bảo, chăm sóc con cháu luôn được cô Hạ Liên quan tâm, từ việc dạy lễ phép với mọi người, ứng xử có văn hóa, đến biết quý trọng người lao động, cống hiến cho xã hội...

Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên (người con gái đầu), hiện là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân, chia sẻ, chị em cô chọn nghề dạy học như là lẽ tất yếu. Sinh ra trong gia đình nhà giáo, hồi nhỏ chị em cô thường được mẹ chở theo đến trường học. “Ở nhà là mẹ nhưng đến lớp mẹ chúng tôi lại là cô giáo. Suốt những năm tháng ấy không chỉ gieo vào lòng chúng tôi niềm đam mê của nghề giáo, mà còn tự hào về cha mẹ mình. Đặc biệt cả ba mẹ được nhiều thế hệ học sinh yêu thương, kính trọng nên chị em tôi đam mê nghề từ đó”, cô Hồng Liên tâm sự.

“Người thầy đầu tiên của tôi chính là mẹ Hạ Liên. Cách đây 49 năm tôi học lớp 1, mẹ là cô giáo đầu tiên của tôi. Đang học, nghe tiếng súng nổ, tôi và các bạn lại phải trốn. Trong khi các bạn chui xuống gầm bàn, tôi lại nấp sau tà áo dài của mẹ. Giây phút đó tôi cảm nhận được sự chở che. Tà áo dài của mẹ là thế giới riêng của tôi. Bản thân tôi yêu tà áo dài từ hình ảnh của mẹ tôi.

Đặc biệt, năm lớp 4, tôi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn trường. Dịp đó, cha tôi đại diện Phòng Giáo dục về dự lễ và cũng là người trao tặng Giấy khen cho tôi. Thời khắc đó đến giờ tôi vẫn nhớ, cảm giác được cha xoa đầu động viên trong lòng cảm thấy hạnh phúc và tự hào đến thế. Chính những điều đó từ cha mẹ khiến tôi càng quyết tâm theo nghề. Dù được mẹ định hướng theo nghề, nhưng tôi cũng đã tìm hiểu từ trước. Bản thân tôi cũng yêu quý trẻ, nên không có một chút băn khoăn hay do dự khi đăng ký vào sư phạm”, cô Hồng Liên xúc động chia sẻ.

“Tôi luôn bảo các con, đối với nghề giáo ngoài chuyên môn, kỹ năng tốt thì phải có lòng đam mê, nhiệt huyết, phải luôn thương yêu học trò. Ngoài ra phải có lập trường vững chắc và kiên định với lý tưởng đã chọn. Bởi theo tôi, giáo viên không chỉ đóng vai trò người truyền lửa, nhiệt huyết, mà quan trọng là phải gieo được vào tâm hồn học trò niềm say mê, tự giác trong học tập, khát vọng vươn lên”, cô Hạ Liên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ