Nhà báo và những chuyến đi nặng nỗi niềm

Nhà báo và những chuyến đi nặng nỗi niềm

(GD&TĐ)-Ai trong đời làm báo cũng tích lũy cho mình những chuyến đi, có những chuyến đi trở thành dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm báo, thậm chí làm thay đổi cả một nhân sinh quan, một cách nhìn. Quả thật! Nhiều chuyến đi của nghề báo không phải là những chuyến du lịch thú vị mà là những chuyến đi đầy trăn trở, nặng nỗi niềm.

Tác nghiệp tại Lai Châu. Ảnh: gdtd.vn
Tác nghiệp tại Lai Châu. Ảnh: gdtd.vn

Lần đầu đến với vùng biên cương…

Không chọn nghề báo nhưng có lẽ nó quàng vào tôi như là duyên nợ, không có sự chọn lựa và định trước. Năm 1996,  tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ học trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn), tôi đến với nghề báo như một tờ giấy trắng, trong đầu còn chưa biết “báo chí” là gì. Ở Tuổi trẻ thủ đô gần 10 năm, tôi cứ làm việc rồi vỡ vạc dần, cũng ngấm dần cái vất vả, cái nhọc nhằn của nghề. Nhưng chuyến đi xa lần này mới thật sự khiến tôi hiểu, yêu và thấy gắn bó với nghề hơn hết.

Trong chuyến đi về Lai Châu của chương trình “Quà tặng biên cương”, nhận lời rủ rê của cô bạn đồng nghiệp là trưởng Ban thanh niên phụ trách chương trình, tôi xuống xin phép Tổng biên tập cho theo cùng đoàn. Tổng biên tập nhìn tôi ái ngại, “đi vất vả đấy, phải ăn ở trong bản với bà con vùng cao, muỗi đốt, vắt cắn, có chịu được không?”. Tôi nói “Mọi người đi được, em đi được. Anh cho em đi đi!”. Được sự đồng ý của Tổng biên tập, thế là tôi hồi hộp lên kế hoạch cho một chuyến công tác dài ngày tại Lai Châu. Vốn hay say xe, lại chưa bao giờ đi công tác xa như vậy nên tôi chuẩn bị rất kĩ. Nào là cao dán chống say, thuốc đau đầu, thuốc xịt côn trùng. Có chị còn mách trước khi lên xe ăn khoai lang, hoặc cầm theo củ gừng, vỏ quýt, vỏ cam để "khử mùi" xe. Thế là tôi quyết định mang theo tất cả kinh nghiệm của các "bậc tiền bối" để lên đường...

7h giờ sáng, xe bắt đầu chuyển bánh. Dù đã được bố trí ngồi ở hàng ghế thứ hai, tôi vẫn luôn giữ khư khư chiếc khăn mùi xoa trong tay để... bịt mũi và đề phòng khi nôn. Một thứ không thể thiếu mà tôi mang theo đó là túi nylon. Mọi sự chuẩn bị kĩ lưỡng đến mức không thể kĩ lưỡng hơn được nữa. Vậy nhưng, tôi vẫn có cảm giác nôn nao và căng thẳng. Ban đầu, tôi vẫn cùng mọi người vô tư nói cười, nhưng cứ nghĩ đến quãng đường 12 giờ đồng hồ ngồi trên xe mà sợ. Hơn 8 giờ sáng, xe dừng chân tại một quán ăn ở Láng Hòa Lạc. Mọi người nhanh chóng xuống xe ăn sáng, còn tôi và cô bạn đồng nghiệp chỉ dám ngồi một chỗ mà... nhìn vì không dám ăn, sợ "sẽ trả lại hết trên xe".

Sau bữa sáng, xe hành trình qua hết đèo Khế (Yên Bái), đèo Khau Phạ, Mù Cảng Chải, Than Uyên..., trong khi mọi người bàn tán, tấm tắc về phong cảnh hùng vĩ thì tôi vẫn luôn trong tâm trạng lo sợ sẽ say. Tôi cố nhắm mắt lại, không dám nhìn cảnh vật trước mặt và hai bên đường. Khoảng thời gian đến Lai Châu như chậm lại, bởi đường quanh co, ghập nghềnh heo hút gió và mịt mùng mây phủ, đặc biệt nguy hiểm khi không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào. Bỗng "xoạch", xe phanh gấp làm tôi tỉnh giấc. Trước mặt tôi là dòng chữ "Tỉnh Lai Châu ". Hóa ra, tôi đã lên đến nơi cần đến. Anh tổng biên tập nói với tôi “Không ngờ gầy thế này mà đi khỏe phết!”.  Tôi sung sướng đến tột độ vì lần đầu tiên trong những chuyến công tác, tôi bị say xe mà không nôn. Cảm giác như mình đã chiến thắng được nỗi sợ hãi. Ngay lập tức, tôi bấm máy điện thoại cho ông xã, thông báo: "Anh ơi, em đã lên đến Lai Châu. Em không bị sao cả. Em không bị nôn!".

Sang ngày thứ 2, tại Tỉnh đoàn Lai Châu, chuẩn bị cho buổi lễ Trao quà, tuy bận rộn nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi mùi xăng xe. Kết thúc công việc trao quà, 9h30 chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đi Sìn Hồ thấp để về các bản Nậm Tăm, Nậm Tre (nơi có những bể nước của Viện Thủy công lắp đặt tặng bà con vùng cao). Cung đường đèo quanh co và dốc đứng khiến tôi và cô bạn đồng nghiệp bị lắc như sàng gạo. Mệt mỏi và dường như kiệt sức, tôi đã nổi cáu với một anh bạn trong đoàn “Có một cây hai sao đi gần tiếng đồng hồ không tới nơi”. Thông cảm với tôi, anh chỉ cười.

Đến Sìn Hồ thấp, cô bạn đồng nghiệp của tôi không thể đi tiếp được nữa. Bạn ấy đã dừng lại. Còn tôi, cố gắng tiếp tục cuộc hành trình bằng xe máy để xuống bản Nậm Tăm và Nậm Tre tiếp cận bà con các dân tộc Hà Nhì, Dao và các thầy cô giáo để phỏng vấn. Lai Châu vào những ngày tháng 6, nhiều mưa lũ sạt đường. Dù biết thời tiết không thuận lợi nhưng tôi và những người đồng nghiệp vẫn xông pha, rong ruổi cùng các anh trong Ban Thanh niên quân đội, Viện Thủy công đến với vùng miền của tỉnh Lai Châu để tặng quà cho bà con dân bản và bộ đội biên phòng. Cung đường từ Sìn Hồ thấp lên Sìn Hồ cao chỉ 50 km, nhưng đoàn phải đi hơn 10 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nhiều đoạn đường sạt lở, trong lúc chờ đợi thông đường, mọi người trong đoàn phải ăn mì tôm sống và dưa mèo chống đói.

Chuyến đi nặng  những nỗi niềm

5 ngày công tác tại Lai Châu, có những lúc mệt quá, tôi nghĩ về những ngày ở nhà rồi gục lên đầu gối để khóc. Tôi tự than thở “tại sao lại phải hủy hoại sức khỏe của mình như thế này. Vì cái gì, sao mình khổ thế?”. Nhưng đó chỉ là những phút giấy yếu mềm, còn thực tế tôi đã tận dụng mọi cơ hội để hỏi khi có thể, từ chuyện của anh chiến sĩ biên phòng, chuyện các em vùng cao Lai Châu bị lừa bán sang Trung Quốc đến chuyện những người phụ nữ đẻ thuê cho đến đời sống tinh thần của các cô giáo vùng cao. Tôi hiểu rằng, chuyến đi tuy có vất vả nhưng đã mở mang cho tôi nhiều điều mới mẻ. Tôi học cách chia sẻ và biết yêu thương nhiều hơn nữa. Sẽ thiệt thòi biết bao nhiêu khi không có những chuyến công tác xa nhà như thế này.

Ngày cuối cùng từ Lai Châu về Hà Nội, vì mệt nên tôi không thể trò chuyện lâu với các thành viên trong đoàn. Chỉ sau một tiếng đồng hồ, tôi và cô bạn đồng nghiệp gục đầu lên vai một đồng chí trong đoàn (chồng của cô bạn đồng nghiệp). Nhưng xe lắc lư, bụng nôn nao, đầu óc quay cuồng, mặt xanh mét vì say xe, làm cho chúng tôi không thể nằm yên một chỗ. Đến đoạn nghỉ, tôi phải nói với một đồng nghiệp xuống ghế dưới ngồi. Còn tôi, dù không muốn nhưng buộc phải “mượn” chiếc đùi của một đồng chí bồ đội để gối đầu nằm cho quên đi cảm giác say xe.

Vất vả, gian nan và mệt nhọc là vậy nhưng sự được mất của nghề báo chưa bao giờ tôi cho lên bàn cân. Nhưng nghề báo cho tôi nhiều thứ, thậm chí hơn cả mong đợi. Nghề cho tôi được đi, thỏa đam mê và cho tôi nhiều mối quan hệ thực sự. Tôi viết lên những gì người ta muốn nói và giúp đỡ được họ. Tôi đã có những mối quan hệ rất thân thiết từ công việc. Những người mà tôi gặp … năm tháng rồi trở thành bạn. Tôi nghĩ không có bất cứ nghề nào có được điều đó, ngoài nghề báo.

Giờ đây, gần 10 năm gắn bó với nghề, tôi càng hiểu rằng, công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những chuyến đi, những trải nghiệm mà ở đó có những kỉ niệm buồn vui mãi mãi không thể nào quên... Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi nhìn nghề báo bằng đôi mắt ngây thơ mà ở đó chỉ có niềm vui và những bài báo sáng lóng lánh. Bởi hiếm nghề nào như nghề báo, mỗi bài viết, mỗi sự kiện, mỗi lần gặp gỡ, mỗi lần chất vấn lại là mỗi lần mới mẻ, không lần nào giống lần nào và kết quả thu nhận được cũng không giống nhau. Có khi là niềm vui trọn vẹn nhưng lắm lúc là nỗi đau, là nhiều đêm mất ngủ, là nỗi trăn trở triền miên, thậm chí là những bản thảo viết dở không bao giờ được đăng…

Và nữa, với nữ nhà báo, để được đồng hành với nghiệp báo không hề đơn giản. Mẹ tôi, người phụ nữ có cái nhìn khá hiện đại nhưng vẫn thật thà tâm sự rằng: “Con làm nghề gì cũng được nhưng đừng làm báo, nguy hiểm khôn lường”. Nhưng bản thân tôi lại thấy, nguy hiểm bao nhiêu thì niềm vui có được trong nghề báo cũng vui bấy nhiêu. Mỗi bài báo được đăng lên, người phóng viên thấy mình có ích kì lạ vì nó không chỉ đến với một người mà đến với hàng triệu người, có thể đi xuyên không gian và thời gian. Nỗi trăn trở của nhà báo sẽ sinh ra niềm vui và niềm vui sẽ giúp nhà báo tìm ra nhiều điều trăn trở. Điều đó dường như đã trở thành quy luật của nghề báo. Tôi biết, tôi sẽ nói với những người yêu thương tôi rằng: “Những chuyến đi của nghề báo không phải là những chuyến du lịch thú vị mà là những chuyến đi đầy trăn trở, nặng nỗi niềm”.
 

Bài, ảnh: Cao Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ