Nhà báo – đâu chỉ cần một trái tim nóng

Nhà báo – đâu chỉ cần một trái tim nóng

(GD&TĐ) - Có thể nói, lịch sử luôn đặt trên vai các nhà báo một sứ mệnh vinh quang, cao cả đi liền với trọng trách nặng nề. Ai cũng hiểu sứ mệnh vinh quang cao cả ấy là sự tiếp nối truyền thống của nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sáng từ 88 năm qua. Biết bao thế hệ nhà báo đã được tôn vinh bằng các sản phẩm báo chí tôi luyện qua máu lửa, từ thực tiễn đời sống chính trị, xã hội. Xuyên qua 2 thế kỷ, ngọn bút của các nhà báo vẫn luôn hướng đến lợi ích của nhân dân, của người lao động, lợi ích của cách mạng. Như thế không phải là cao cả hay sao?

->> Viết báo phải HAY & ĐÚNG

v
Ảnh minh họa/internet

Đất nước trong thời kỳ hội nhập và đổi mới đặt ra yêu cầu cao cho con người về cả trí và lực. Những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu càng đòi hỏi ở sự kiên trì, bền bỉ, tỉnh táo của mỗi trái tim, khối óc, bàn tay của mỗi người Việt Nam đang “chung tay góp sức dựng cơ đồ”.

Đảng ta cũng đặt ra một chiến lược về đổi mới một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, đổi mới trên một nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chưa bao giờ, người làm báo Việt Nam phải đối đầu với nhiều gian nan, thách thức như bây giờ, khi họ được nhân dân ví như sứ giả của đời sống tinh thần; là một phương tiện để phân định đen - trắng; thật - giả; đúng - sai; thiện - ác, tốt - xấu... và rồi góp phần nhân lên ngày càng nhiều cái tốt, cái đẹp, cái thiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi các nhà báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá. Đã là mặt trận thì phải có chiến đấu, có hi sinh. Xung kích trên mặt trận văn hoá nghĩa là luôn đối đầu với gian khổ, hiểm nguy để đem lại điều tốt đẹp, lẽ phải và công bằng cho xã hội. Chỉ những người làm báo chân chính mới thấy hết nỗi vất vả vô cùng của nghề làm báo. Đơn giản nhất là viết một mẩu tin cũng phải cân nhắc từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm, sắp đặt thông tin nào trước, thông tin nào sau cho đạt hiệu quả cao.

Để có được một bài bút ký, phóng sự chất lượng thì không thể  ngồi yên một chỗ mà cũng phải “lên thác, xuống ghềnh” để tìm chứng cứ, tư liệu, hỏi chỗ này, điều tra chỗ kia. Không có được tính kiên trì, bền bỉ, đức hi sinh, nhà báo khó đạt được hiệu quả cao trong những trang viết của mình, thậm chí, dễ để cho lợi ích cá nhân lấn át lợi ích cộng đồng, coi trọng lợi ích trước mắt mà không coi trọng lợi ích lâu dài.

Sự hi sinh của một nhà báo không dễ thấy như hành động lao vào lửa đạn của người chiến sĩ trên chiến trận mà là sự chịu đựng sức nóng thôi thúc của ngọn lửa cháy trong tim. Đã là nhà báo thì không thể thờ ơ trước nỗi đau của con người, của đồng bào, đồng chí; không thể ngoảnh mặt trước bất công, vô nhân đạo. Nhưng chỉ có trái tim nóng không thôi chưa đủ; một nhà báo chân chính cần phải có cả “cái đầu lạnh” và “bàn tay sạch”. Để hội đủ 3 yếu tố ấy hẳn không phải đơn giản.

Tuy nhiên, chúng ta không được quyền để mất niềm tin rằng vẫn có rất nhiều nhà báo giỏi, nhà báo tốt, là bạn tâm giao của nhân dân, là cây cầu nối giữa nhân dân với Đảng!

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.