Dù không giấy giới thiệu, không hợp đồng lao động, không có văn phòng, sống nhờ nhuận bút bằng số lượng tin bài hàng tháng nhưng bản thân tôi không bao giờ tự cho phép mình phản bội sự thật, phản bội niềm tin của bạn đọc.
Đã "trót mang cái nghiệp" vào thân, tôi quyết tâm phấn đấu trở thành một phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại với "danh chính ngôn thuận".
Để có được những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất dành cho bạn đọc, người làm cộng tác viên như tôi luôn phải xông pha đến những điểm nóng hiện trường. Điều đó cũng khiến bản thân phải đối mặt với nguy hiểm. Không ít những câu chuyện kinh hoàng phía sau trang báo, mà bạn đọc không hề biết.
Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy lạnh dọc sống lưng khi nhớ lại lần đi vào tâm bão số 10 (9/2013), không thể tin mình lại may mắn thoát chết sau cơn siêu bão...
Từ Huế, chúng tôi xác định phải đến được huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị, huyện nằm giáp với tỉnh Quảng Bình). Khi đến địa phận Quảng Trị thì mưa lớn kèm theo gió mạnh cấp 4, cấp 5 khiến cho xe máy chúng tôi phải “bò” trên quốc lộ. Đến 8 giờ, chúng tôi có mặt tại cầu Hiền Lương.
Tại đây, gió đã mạnh lên cấp 9, cấp 10, áo mưa trên người chúng tôi dần bị xé nát và bay phần phật trong gió, chỉ còn lại vài miếng nhỏ dính trên cổ và tay.
Trên quốc lộ 1A, những đoàn xe không thể tiếp tục lưu thông đã khựng lại hai bên đường. Những chiếc xe cố gắng chạy thoát khỏi tâm bão bị gió quật chao đảo như gã say rượu, lê lết dọc đường.
Người ướt sũng, chúng tôi bắt đầu run lên bần bật vì rét. Trong lúc tôi đang cố gắng lách qua những thân cây bị đổ giữa đường bỗng dưng một cành cây lớn như mũi tên lao thẳng về phía mình.
Tôi liền hô lớn cúi xuống, cành cây bay vụt qua hai người ra phía sau đuôi xe. Tiếp đến, những cây lớn tiếp tục đổ ập xuống xe và làm cả hai bị thương.
Lúc bị thương, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là đến được UBND xã Vĩnh Thái để nhờ hỗ trợ. Khi vừa đặt chân đến UBND xã nhiều người dân đang trú bão không tin nổi tại sao chúng tôi lại di chuyển được đến đây.
Thấy chúng tôi, ông Chủ tịch UBND xã từ phòng chạy tới quát: “Sao các anh liều thế, không sợ chết à…”. Nói xong, ông cho người băng bó vết thương và dẫn chúng tôi lên ăn mì tôm.
Thời gian không còn nhiều, bão bắt đầu mạnh lên cấp 12 giật trên cấp 13, nên chúng tôi chỉ xin hai gói mì sống bỏ vào túi để tiếp tục lên đường. Lúc này tất cả mọi nẻo đường về thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) đều bị tê liệt vì cây cối, cột điện đổ sập.
Sau nhiều nỗ lực, đến 8 giờ tối chúng tôi cũng tìm được đên thị trấn Hồ Xá, nhưng nơi đây lại không có điện, mạng 3G chập chờn nên tôi phải chạy khắp nơi nhờ người dân phát máy để gửi thông tin.
Với những câu chuyện xúc động ở hiện trường một bài viết được triển khai nhanh và chuyền về tòa soạn…
Bão qua, ngày 4/10 tôi và một đồng nghiệp đến trao quà bạn đọc tại Vĩnh Thái. Khi gặp lại chúng tôi nhiều người thốt lên: “Rứa chú vẫn còn sống, bình an và hôm ni quay lại đây giúp bà con hả?”.
Nghề báo, vất vả, nguy hiểm nhưng luôn chất đầy niềm vui, hạnh phúc khi được người dân yêu quý. Nên nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề báo.