Nhà ăn bệnh viện: Bệnh vào từ… miệng

GD&TĐ - Khi người dân tìm tới bệnh viện là lúc cơ thể họ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Ngoài phác đồ điều trị, thì chế độ dinh dưỡng ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng. 

Thực phẩm sống, chín để lẫn lộn không hợp vệ sinh
Thực phẩm sống, chín để lẫn lộn không hợp vệ sinh

Tuy nhiên trên thực tế, những bữa ăn của người bệnh có đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn hay không vẫn là những điều băn khoăn của người nhà bệnh nhân và chính bản thân những người bệnh.

Coi thường sức khỏe … rước họa vào thân

Căng tin Bệnh viện Tim Hà Nội ở số 92 đường Trần Hưng Đạo, vào đúng giờ ăn của bệnh nhân, số lượng người ăn cũng không quá đông. Được biết do diện tích hạn chế nên thức ăn được nấu chín từ nơi khác đó là Viện Phụ sản Hà Nội chuyển tới. Ở đây, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều có thể mua theo từng suất, ăn tại chỗ hay mang về phòng bệnh. Tuy nhiên, khi quan sát với những suất ăn mà bệnh nhân mang về phòng ăn đều được đựng trong những chiếc hộp xốp, kèm theo là những đôi đũa dùng một lần. Người bệnh tới đây để chữa bệnh nhưng lại tự mình rước họa vào thân khi sử dụng những vật dụng một lần vô cùng nguy hại này.

Theo bệnh nhân và nhân viên đứng bán tại căng tin một suất ăn thông thường là 30.000 đồng bao gồm cơm, thức ăn mặn (thịt, cá trứng, đậu…) và rau tùy theo từng ngày. Đồ ăn cho người bệnh cũng khá đa dạng từ cơm bún đến cháo phở. Anh Ng. V. N quê tại Nam Định cho con tới điều trị bệnh tim tại đây cho biết: Do hoàn cảnh chỉ có một mình chăm con tại bệnh viện, nên anh và nhiều người nhà đều chọn cách đăng ký mua phiếu tại bếp ăn. Hơn nữa anh cũng chọn ăn ở đây vì tin tưởng vào chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của bệnh viện.

Song chưa bàn về nguồn gốc chất lượng và vệ sinh của thực phẩm dùng để nấu, theo quan sát của chúng tôi ngay tại căng tin một lượng lớn các hộp xốp dùng một lần để đựng thức ăn được để dự phòng khá nhiều. Có cầu thì có cung, nhiều bệnh nhân và người nhà để tiện cho việc mang về phòng ăn đều chấp nhận đựng cơm và thức ăn trong những hộp xốp và hộp nhựa tái sinh. Chắc chắn không ít người đều biết được sự mất vệ sinh và độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe khi dùng những vật dụng này để đựng. Thậm chí cách tủ đựng đồ ăn chín không xa là khay thịt bò sống cạnh khay thịt bò chín không có nắp đậy có lẽ để tiện cho trong quy trình nấu phở cho khách.

Phần lớn thực phẩm được đựng trong đồ dùng bằng nhựa
Phần lớn thực phẩm được đựng trong đồ dùng bằng nhựa

Bếp nấu chưa đáp ứng theo quy định

Tuy hạn chế về diện tích sử dụng, nhưng căng tin của Bệnh viện Tim vẫn được đánh giá khá sạch và lịch sự bởi những người tới ăn ở đây đều thoải mái khi được ngồi trong không gian có điều hòa sạch sẽ. Tại các bệnh viện ở Hà Nội không ít bệnh nhân và người nhà đành phải ăn cho xong bữa trong những căng tin chật chội nóng nực. Bếp ăn căng tin tại Bệnh viện K cơ sở 1 (số 43 Quán Sứ Hà Nội) là một ví dụ . Bước qua một ngách nhỏ không mấy sáng sủa khi vào bên trong chúng tôi mới nhận ra đó là một bếp ăn. Vì chật chội nên khu nấu nướng và chỗ ngồi của khách ăn cũng không xa là mấy.

Khu sơ chế và nấu nướng đều cùng một chỗ. Anh Trần Hồng Phương, quản lý bếp ăn tại Bệnh viện K cho biết: Thực tế khu căng tin này diện tích quá chật hẹp nên không thể thiết kế được bếp ăn nấu theo quy chuẩn một chiều.

Theo quan sát ngay trong khu bếp nấu những thực phẩm bỏ đi (thùng nước gạo, xương động vật, thức ăn thừa…) vẫn nguyên trạng để chất đống rất mất vệ sinh. Do diện tích quá nhỏ nên chỗ rửa ngay sát bếp nấu nên nền nhà luôn ướt át khiến bếp nấu nhếch nhác, việc giữ được vệ sinh là rất khó. Cách một bức tường ngăn là khu vực ngồi ăn của khách. Do diện tích hạn chế chỉ vài chục mét vuông đủ kê vài dãy bàn, đúng vào buổi trưa nên căng tin khá đông. Một người nhà bệnh nhân quê ở Thanh Hóa cho biết: Ra đây lạ nước lạ cái nên họ chỉ có thể mua thức ăn tại đây. Một suất ăn cũng không đắt chỉ từ 25 đến 30 ngàn đồng nên đa phần mọi người đều chấp nhận được. Tuy nhiên khi hỏi về việc bản thân người nhà đã bị ung thư rồi vậy mà các vật dụng đựng thức ăn nóng đều là đồ nhựa, đũa ăn dùng một lần sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dùng thì họ đều chặc lưỡi “biết làm sao được vì ở đây mọi người đều ăn như vậy”.

Theo quy định về an toàn vệ sinh bếp ăn tập thể thì các khu sơ chế nguyên liệu thực phẩm, khu chế biến nấu nướng, khu bảo quản thức ăn đều cần phải bố trí riêng biệt. Đặc biệt nơi chế biến thức ăn phải được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, gián, côn trùng và động vật gây bệnh… Căng tin bệnh viện chưa thể đáp ứng đầy đủ những quy chuẩn đó. Việc sử dụng các dụng cụ dùng một lần là đồ tái chế hộp xốp đựng cơm hay đũa dùng một lần không chỉ do thói quen của người dân mà cũng còn xuất phát từ việc giá thành rẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.