(GD&TĐ) - Cử tri quan tâm và đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về các vấn đề liên quan đến chương trình sách, giáo khoa phổ thông...
|
Niềm vui của học sinh huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) trong ngày nhận sách chuẩn bị năm học mới. Ảnh: gdtd.vn |
Cử tri hỏi:
Qua giám sát về chất lượng sách giáo khoa tại Cần Thơ, có đánh giá cho rằng việc cải cách giáo khoa vừa qua thiếu một chương trình tổng thể từ đầu, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, từng năm nên hiệu quả đạt không cao như mong muốn, cần rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng suy nghĩ sao về đánh giá trên?
Bộ trưởng trả lời:
Một trong những nguyên tắc được quán triệt trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa là phải đảm bảo tính thống nhất, liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, lớp sau kế thừa lớp trước.
Trong chu kỳ làm sách giáo khoa trước đây, do thời gian chuẩn bị ngắn, vai trò của tổng chủ biên, chủ biên từng bộ sách các môn của từng năm học và chủ biên của mỗi môn học trong cả hệ thống chưa thực hiện đầy đủ, nên chương trình và sách giáo khoa hiện hành chưa thật sự liên thông, thống nhất và đó là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng quá tải.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được nghiêm túc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa các lần trước đây để tổ chức xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn sau năm 2015.
Việc triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu là việc bắt buộc phải làm đối với mỗi quốc gia và chu kỳ thay sách nào cũng phải thực hiện, vì theo nguyên tắc sư phạm, chỉ các cháu khi học xong chương trình đổi mới ở lớp dưới mới theo học được chương trình đổi mới ở lớp trên.
Như vậy, một chu kỳ thay sách sẽ kéo dài từ 10 đến 12 năm (tùy thuộc số năm học của hệ thống giáo dục), mỗi năm chỉ thay cho một lớp, lần lượt từ lớp 1 đến hết lớp 12, không thể đồng thời thay ngay một lúc toàn bộ chương trình và sách giáo khoa của cả hệ thống được.
PV ghi