Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị quan tâm đến lương nhà giáo

GD&TĐ - Với mức thu nhập như hiện nay, nhiều thầy cô phải làm thêm để trang trải cuộc sống, khó cống hiến, tâm huyết cho giáo dục.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã có những chia sẻ liên quan đến đội ngũ giáo viên.

Trong đó cho rằng, hiện nhà giáo phải chịu nhiều áp lực, từ việc tinh giản biên chế, đến yêu cầu nâng cao năng lực, chuẩn hóa trình độ, trong khi đó tiền lương lại thấp.

Từ đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị phải có chính sách tiền lương riêng cho nhà giáo; nếu với mức lương thấp như hiện nay, thầy cô khó đủ tâm huyết để dạy học.

Chia sẻ đặc thù của giáo dục là sản phẩm không thể hiện kết quả ngay mà đánh giá qua năng lực cống hiến, hiệu quả công việc của người đã được đào tạo từ lâu, nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Từ trước đến nay, không có quốc gia nào đi lên mà không từ giáo dục. Chúng ta xây dựng những con đường cao tốc mà không để ý đến con người tri thức, trong khi đây là con đường bền vững nhất phát triển. Từ đó đề nghị Quốc hội cũng cần có những chuyên đề sâu về giáo dục, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Trong phát biểu, bà Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, cần xem lại vai trò của nhà nước trong việc xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa không phải chỉ là gom tiền của các nhà đầu tư, mà trước hết phải thống nhất tư tưởng, quan điểm, nhận thức về xã hội hóa; làm rõ khái niệm xã hội hóa; phải rõ từ nhận thức rồi mới đến hành động.

Về phân luồng học sinh, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét lại việc giao quản lý nhà nước đối với trường cao đẳng chuyên nghiệp, trường nghề cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa qua giao đã làm tốt không, có tốt hơn trước đây không, cần có đánh giá, tổng kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ