Nguyên nhân và cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

GD&TĐ - Theo thông tin từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là hậu quả của bất thường của đường thở khi phơi nhiễm với khí độc hại như: Khói thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm không khí.

Nguyên nhân và cách điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Đây bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. 

Bệnh nhân COPD có thể bị viêm phế quản tắc nghẽn, khí phế thũng hoặc cả hai. Tình trạng này khiến cho không khí không thể được thở ra một cách bình thường và bị mắc kẹt trong phổi. Tình trạng này nếu kết hợp với việc gắng sức để thở sẽ dẫn đến khó thở.

Khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân chính của COPD là hút thuốc lá, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Hít phải khói thuốc lá lâu dài cũng gây nguy cơ cao khoảng 80-90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường: khói bếp, khói, chất đốt bụi nghề nghiệp, hơi, khí độc… cũng dẫn đến nguy cơ mắc COPD. Ngoài ra yếu tố di truyền thiếu men Alpha1-Antitrypsin gây tổn thương phổi cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng bệnh giai đoạn đầu thường dễ bị bỏ qua

COPD thường gây ra những tác động trực tiếp tại hệ thống hố hấp với các dấu hiệu:

Ho, khạc đờm kéo dài không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản…là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp), ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng.

Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghĩ ngơi và khó thở liên tục.

Nặng ngực.

Tăng tiết đàm, nhớt hơn bình thường.

Ngoài ra nếu bệnh ở mức độ nặng người bệnh có thể có cảm giác ăn mất ngon, giảm cân, sốt… Những triệu chứng này thường bị người bệnh chủ quan và không đi khám để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Phương pháp giúp tự đánh giá mình có mắc COPD

Có thể trả lời các câu hỏi sau để tầm soát nhanh COPD. Nếu có 3 câu trả lời là "có" thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Không nên chủ quan làm mất cơ hội được điều trị sớm.

- Câu 1: Ông/bà có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày không?

- Câu 2: Ông/bà có khạc đàm ở hầu hết các ngày không?

- Câu 3: Ông/bà có bị khó thở hơn những người cùng tuổi?

- Câu 4: Ông/bà có trên 40 tuổi?

- Câu 5: Ông/bà có đang hút thuốc lá hay đã từng hút thuốc không?

Diễn tiến COPD nếu không điều trị

Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, COPD sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng khó thở sẽ tăng dần theo thời gian, người bệnh sẽ bị hạn chế trong công việc, lao động, sinh hoạt vì khó thở.

Ngoài ra, nếu không điều trị, người bệnh sẽ có những đợt bệnh trở nặng gọi là đợt kích phát, làm cho người bệnh khó thở nhiều hơn, có thể dẫn đến nhập viện và tử vong.

Những việc nên làm nếu bị COPD

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh nói trên, để khám và định hướng điều trị đúng. Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm.

Bỏ thuốc lá, thuốc lào; cần tránh hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động), giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói. Tập vật lý trị liệu, tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi có triệu chứng nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Không nên quá lo lắng. Hiện nay, Y khoa chưa có thể chữa khỏi hoàn toàn COPD nhưng có thể làm: Giảm triệu chứng; Làm chậm quá trình tổn thương ở phổi; Cải thiện khả năng gắng sức nâng cao chất lượng cuộc sống; Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.

Phát hiện sớm, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế sẽ giúp người bệnh giảm khó thở, giảm ho, hoạt động nhiều hơn.

Các bác sĩ khuyên rằng, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và đo chức năng hô hấp nhằm phát hiện sớm COPD khi có những dấu hiệu nghi ngờ nếu tự đánh giá mình có nguy cơ mắc bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ