Các nhà nghiên cứu tại Ttrường Đại học London, King's College London và Đại học Leeds đã điều tra thói quen ăn uống ở trẻ từ độ tuổi mới biết đi đến thiếu niên.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, trung bình, tình trạng kén ăn không thay đổi nhiều khi trẻ từ 16 tháng đến 13 tuổi. Tình trạng kén ăn "đạt đỉnh" ở trẻ 7 tuổi, sau đó giảm nhẹ.
Khi tìm hiểu về lý do của việc kén ăn, các nhà khoa học phát hiện, ADN là yếu tố chi phối.
Nghiên cứu cho thấy, sự biến đổi gen trong quần thể giải thích cho 60% sự khác biệt về tình trạng kén ăn ở trẻ 16 tháng tuổi. Tỷ lệ này tăng lên 74% và hơn thế nữa ở trẻ từ 3 - 13 tuổi.
Phát hiện này cho thấy, việc trẻ chỉ ăn một số loại thực phẩm hạn chế là do gen, chứ không phải cách nuôi dưỡng từ cha mẹ.
Tiến sĩ Zeynep Nas, nhà di truyền học hành vi tại Đại học London, cho biết: “Điểm chính rút ra từ nghiên cứu này là: Tình trạng kén ăn xuất hiện không phải do cách nuôi dạy con. Tình trạng này thực sự phụ thuộc vào sự khác biệt về gen giữa chúng ta”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những yếu tố khác ảnh hưởng đến người kén ăn đến từ môi trường sống, như việc ngồi ăn cùng gia đình và các loại thực phẩm mà những người xung quanh họ tiêu thụ.
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù yếu tố di truyền rõ ràng đóng vai trò lớn gây tình trạng kén ăn, nhưng cha mẹ không nên vì thế mà cảm thấy bất lực.
Tiến sĩ Alison Fildes, đồng tác giả của nghiên cứu tại Đại học Leeds, cho biết: "Mặc dù kén ăn có thành phần di truyền mạnh mẽ và có thể kéo dài sau thời thơ ấu, nhưng điều này không có nghĩa là tình trạng này cố định".
Cha mẹ có thể tiếp tục hỗ trợ con mình ăn nhiều loại thức ăn khác nhau trong suốt thời thơ ấu và đến tuổi thiếu niên. Song, bạn bè có thể trở thành tác nhân ảnh hưởng quan trọng hơn đến chế độ ăn của trẻ khi bước vào tuổi thiếu niên.