Cái tên "Hạ Vũ Hà" là ký ức của rất nhiều khán giả mê phim ảnh 8x, 9x. Trong phim truyền hình "Hoàn Châu Cách Cách", Hạ Vũ Hà chính là mẫu thân của Hạ Tử Vi và cũng là nữ nhân mà Hoàng đế Càn Long phải lòng trong chuyến vi hành đến Giang Nam.
Hoàng đế và Hạ Vũ Hà đã gặp gỡ và yêu nhau ở Tế Nam. Khi Hoàng đế Càn Long trở về Kinh thành, Hạ Vũ Hà đã hạ sinh Hạ Tử Vi ở Tế Nam và nuôi dưỡng người con gái này trở thành một tài nữ dịu dàng nhất lúc bấy giờ. Sau khi mẫu thân qua đời, Hạ Tử Vi đến Kinh thành tìm cha.
Đó chính là câu chuyện được biên kịch Quỳnh Dao vẽ lại trong bộ phim "Hoàn Châu Cách Cách". Nhưng trên thực tế, Hạ Vũ Hà cũng có một nguyên mẫu trong lịch sử. Đó là Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị.
Tô thị là một trong những phi tần người Hán hiếm hoi trong hậu cung Hoàng đế Càn Long, bà là con gái của một người tên là Tô Triệu Nam. Cuộc gặp gỡ giữa họ không lãng mạn cũng không phải là một truyền kỳ nổi bật nào cả.
Tô thị sinh ngày 13/6/1713, xuất thân một gia đình bình dân gốc Hán, không phải là người Bát kỳ. Khi đến tuổi trưởng thành, Tô thị bước vào Tiềm để (là nơi Hoàng đế ở trước khi đăng cơ), trở thành Cách cách của Bảo Thân vương Hoằng Lịch.
Năm Ung Chính thứ 13 (tức năm 1735), bà hạ sinh Vĩnh Chương, đây là người con trai thứ 3 của Bảo Thân vương Hoằng Lịch, sau được phong thành Tuần Quận vương.
Cũng trong năm này, Bảo Thân vương Hoằng Lịch kế vị, trở thành Thanh Cao Tổ của Đại Thanh, lấy niên hiệu là Càn Long.
Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Càn Long hạ lệnh đại phong hậu cung, Tô thị được phong làm Tô tần. Một thời gian sau, bà được Hoàng đế ban phong hiệu "Thuần", trở thành Thuần tần.
Hai năm sau, năm Càn Long thứ 2 (tức năm 1737), Tô thị được sách phong thành Thuần phi.
Duyên con cái của Tô thị rất tốt. Năm Càn Long thứ 8 (tức năm 1743), bà hạ sinh Vĩnh Dung, sau được Hoàng đế tấn phong thành Chất Trang Thân vương.
Năm Càn Long thứ 10 (tức năm 1745), bà tiếp tục hạ sinh Hòa Thạc Hòa Gia Công chúa, người được xem là nguyên mẫu của nhân vật Hạ Tử Vi.
Do sinh dục 3 hoàng tử và công chúa, có công với triều đình, thân phận của gia đình Tô thị được sáp nhập vào Chính Bạch kỳ, họ hàng của Tô thị được ban ruộng đất, bổng lộc và bổ nhiệm các chức quan khác nhau. Bản thân Tô thị cũng được sách phong thành Quý phi.
Nhưng, ngay cả khi Tô thị sinh 3 người con cho Hoàng đế Càn Long, bà cũng không được đối phương yêu thương hơn. Mãi đến trước khi qua đời 1 tháng, Tô thị mới được tấn phong thành Hoàng quý phi. Địa vị của Tô thị lúc đấy chỉ dưới Kế Hoàng hậu Na Lạp thị.
Đây là một điều hiếm thấy trong hậu cung nhà Thanh, bởi sau sự kiện Đổng Ngạc phi, các Hoàng đế triều Thanh không dùng danh vị Hoàng quý phi khi Hoàng hậu còn sống. Tô thị cũng là người Hán duy nhất triều Thanh được hưởng lễ sách phong Hoàng quý phi khi còn sống.
Ngày 19/4 năm Càn Long thứ 25 (tức năm 1760), Tô thị qua đời sau cơn bạo bệnh, hưởng dương 48 tuổi. Thụy hiệu của bà là Thuần Huệ Hoàng quý phi.
Năm Càn Long thứ 27 (tức năm 1762), Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị được an táng tại Dụ lăng Phi viên tẩm. Sau đó, Hoàng đế cho xây dựng một tòa minh lâu mái ngói màu xanh lục ở nơi chôn cất của Tô thị, bên trong có một văn bia khắc dòng chữ "Thuần Huệ Hoàng quý phi Phi viên tẩm".
Nhưng, tại sao lại cho rằng Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị là nguyên mẫu lịch sử của Hạ Vũ Hà?
Như chúng ta đã biết, trong phim truyền hình "Hoàn Châu Cách Cách", Hạ Tử Vi và Phúc Nhĩ Khang là một đôi tình nhân, hai người sau đó đã thành thân.
Trong phim, Phúc Nhĩ Khang là con trai của Đại học sĩ Phó Hằng.
Mà trong lịch sử, Hoàng đế Càn Long cũng có một đại thần tên là Phó Hằng và Phó Hằng cũng có một người con trai cưới công chúa. Vị công chúa đó là con gái của Hoàng đế và Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị: Hòa Thạc Hòa Gia Công chúa.
Chính vì thế, Thuần Huệ Hoàng quý phi là nguyên mẫu lịch sử của nhân vật Hạ Vũ Hà.