Nguy cơ với thế giới

GD&TĐ - Mâu thuẫn dường như không thể lớn hơn giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ ngay tại cuộc họp lãnh đạo cấp cao trực tuyến của Đại hội đồng LHQ hôm 22/9.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều đó đặt ra những nguy cơ mới với thế giới

Trong các bài phát biểu được ghi hình trước gửi tới cuộc họp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày những tầm nhìn đối nghịch nhau dữ dội.

Đây là thời điểm quan hệ hai nước được coi là xấu nhất trong nhiều thập kỷ qua, với những căng thẳng liên quan đến dịch Covid-19, thâm hụt thương mại và xung đột về công nghệ. 

Ông Trump, trước kỳ bầu cử tháng 11 tới, đã tập trung bài phát biểu vào việc tấn công Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc cho phép người dân xuất cảnh tự do trong giai đoạn đầu dịch bùng phát khiến bệnh lây nhiễm khắp thế giới trong khi lại đóng băng việc đi lại trong nước.

“Chúng ta phải khiến quốc gia gieo rắc dịch chịu trách nhiệm, đó là Trung Quốc” - ông Trump nói. Ông cáo buộc Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thông tin giả về việc không lây nhiễm Covid-19 giữa người với người. 

Trong khi đó, ông Tập kêu gọi sự hợp tác toàn cầu chống dịch Covid-19 với vai trò dẫn đầu của WHO. “Chúng ta nên đi theo các chỉ dẫn khoa học, dành toàn quyền dẫn dắt cho WHO và có phản ứng quốc tế. Bất kỳ mưu đồ nào chính trị hóa vấn đề hoặc kỳ thị thì cần phải bị phản đối”. 

Ngoài chuyện dịch, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn gián tiếp chỉ trích chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump: “Không nước nào có quyền chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát số phận các nước khác, hoặc giữ lợi thế trong phát triển so với nước khác. Thậm chí không nước nào được phép làm bất kỳ điều gì họ muốn và trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc ông chủ thế giới. Chủ nghĩa đơn phương là ngõ cụt”. 

Tại diễn đàn LHQ lần này, không chỉ Mỹ bất bình với Trung Quốc, mà nước này cũng như nhà lãnh đạo của họ đang đối mặt với sự phản ứng ngày càng gia tăng từ một số nước châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng, cũng kêu gọi thành lập một phái đoàn LHQ tới vùng viễn Tây của Trung Quốc để xem xét cáo buộc nhà chức trách bắt giữ hàng nghìn người Hồi giáo trong những năm gần đây. 

Sự đối đầu không che giấu của lãnh đạo hai nền kinh tế thế giới tại diễn đàn LHQ cho thấy tình hình chính trị quốc tế đang trở nên nóng bỏng, nguy hiểm, khó lường chưa từng thấy trong 2 - 3 thập kỷ qua.

Trong cuộc đối đầu đó, ít nhiều các nước có thể bị kéo vào một bên nào đó, gây ra những hậu quả chưa thể hình dung hết với chính họ và với thế giới. Nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới là điều mà báo chí các nước đã đề cập trong những tháng qua. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải vào cuộc.

Ông nói: “Chúng ta phải làm tất cả để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Thế giới không thể chịu đựng một tương lai mà hai nền kinh tế lớn nhất chia rẽ toàn cầu bằng một “vết nứt lớn” - mỗi bên có các quy định thương mại và tài chính riêng, hệ thống Internet và năng lực trí tuệ nhân tạo riêng”. 

Lời cảnh báo của Tổng Thư ký LHQ đã vẽ ra viễn cảnh sự chia rẽ công nghệ và kinh tế hiện nay có nguy cơ dẫn đến chia rẽ quân sự và địa chính trị. “Chúng ta phải tránh điều đó bằng mọi giá” - ông     Guterres nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.