Nguy cơ "thuyền chìm tại bến"

GD&TĐ - Bóng đá Việt Nam không còn mơ mộng đến một cơn địa chấn tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nơi kẻ thắng người thua được xác định bằng đẳng cấp hơn là yếu tố may rủi.

Trận đội tuyển Việt Nam (14) đánh bại Malaysia 2-1 tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022.
Trận đội tuyển Việt Nam (14) đánh bại Malaysia 2-1 tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022.

Tuy nhiên, huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò có thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên World Cup không vẫn đang là ẩn số chưa có lời giải, mà hệ lụy của nó có thể xuất hiện ngay chính tại AFF Cup 2020.

Tổn thương vì… World Cup

Đội tuyển Việt Nam sau trận thắng Malaysia đến nay đã thua cả 5 trận trong các cuộc đụng độ với các đội bóng lớn của châu lục, 2-3 trước UAE ở trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 và 4 trận sau đó trước Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc và Oman.

Trong đó, thất bại trước đội tuyển Trung Quốc và Oman, những đội bóng được đánh giá ban đầu “đồng cân đồng lạng” khiến cho bóng đá Việt Nam vỡ tan giấc mộng về cơn địa chấn giành suất play off đi World Cup.

Thực tế, sau 4 trận đấu, ông Park và các học trò là đội có trình độ yếu nhất bảng B, nhìn rộng ra là “mềm” nhất trong nhóm 12 đội hàng đầu châu Á lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Vậy nên, chiến lược người Hàn có giỏi đến đâu hay huấn luyện viên tầm cỡ thế giới cầm quân thì đội tuyển Việt Nam cũng không thể thay đổi được sự thật.

Bên cạnh thất bại trên sân cỏ, đội tuyển Việt Nam lần đầu đi đến vòng loại cuối World Cup 2022 cho thấy, chúng ta còn thua kém quá nhiều mặt, cần thêm khoảng thời gian rất dài nữa mới mong tiếp cận nhóm các đội hàng đầu châu lục.

5 trận thua của đội tuyển Việt Nam, dù còn có những tình huống tranh cãi nhưng xuyên suốt những thất bại ấy là sự chênh lệch về trình độ.

Sự chắc chắn của hàng thủ, yếu tố quan trọng giúp ông Park và các học trò gặt hái vô số thành công như bán kết ASIAD 2018, tứ kết ASIAN Cup 2019 đã vỡ vụn khi bước vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Hàng phòng ngự 5 người với 3 trung vệ cùng 2 hậu vệ biên, có sự hỗ trợ từ 1-2 tiền vệ trung tâm không thể đứng vững trước sức công phá khủng khiếp từ những đối thủ trên tầm, tinh quái. Chỉ sau 4 trận vòng 3, ông Park và các học trò thủng lưới đến 10 bàn.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đang đứng trước nhiều khó khăn.

Huấn luyện viên Park Hang Seo đang đứng trước nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, thói quen xấu vốn hình thành và được “dung dưỡng” từ cấp câu lạc bộ, trọng tài giải quốc nội của cầu thủ Việt Nam đều phải trả giá rất đắt. Cách chơi tiểu xảo và bạo lực ấy giờ đây luôn được soi chiếu dưới kính hiển vi, đó là công nghệ VAR.

Đặc biệt, rất nhiều tình huống trên sân theo luật thuộc nhóm 50-50, trọng tài có thể thổi, có thể không; hoặc có thể thổi nhưng không cần rút thẻ phạt... Thậm chí, trong vòng 16m50, nhiều tình huống trọng tài quyết 11m hoặc không 11m đều đúng. Nhưng các trọng tài luôn “sát ván” với đội tuyển Việt Nam, lựa chọn khả năng “phạt”, chứ không phải “bỏ qua”.

Trong dòng trạng thái đầy tâm trạng sau trận đội tuyển Việt Nam thua Oman, cựu giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn chia sẻ: “Tha” cũng được, “Giết” cũng không sai! Sao người ta không chọn cửa “tha”, chỉ chọn cửa “giết”?

VÌ ĐÂU NÊN NỖI??? Nhiều nhà chuyên môn nhận định, các trọng tài quốc tế luôn soi kỹ các tình huống của đội tuyển Việt Nam xuất phát từ “lá đơn” của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đề nghị Liên đoàn Bóng đá thế giới và Liên đoàn Bóng đá châu Á xem lại công tác trọng tài!

Theo thống kê, đội tuyển Việt Nam 7 lần bị thổi phạt đền trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong đó, 4 quả đến sau 4 trận ở vòng loại thứ ba. Như vậy, số phạt đền của ông Park và các học trò nhiều hơn của cả bảng B cộng lại. Saudi Arabia, Oman và Nhật Bản chỉ mới bị thổi 1 lần. Hai đội còn lại là Australia và Trung Quốc chưa phải chịu quả 11m nào.

Người hâm mộ Việt Nam cho rằng thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo bị xử ép. Thế nhưng, các trọng tài đều có lý do thổi 11m đội tuyển Việt Nam trong cả 7 tình huống.

Vậy nên, những hành động ứng xử kém văn hóa của một bộ phận cổ động viên Việt Nam, tấn công trang cá nhân của trọng tài quốc tế sẽ khiến cho ông Park và các học trò càng khó khăn hơn, bởi những thành kiến không tốt từ các ông vua sân cỏ, đội ngũ trợ lý và đối thủ, kể cả sắp tới chúng ta trở về tham dự AFF Cup 2020.

Trận Saudi Arabia thắng Việt Nam (áo đỏ) 3-1.

Trận Saudi Arabia thắng Việt Nam (áo đỏ) 3-1.

Thách thức từ… “vùng trũng”

Sau chức vô địch AFF Cup 2018 và là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam được truyền thông, người hâm mộ tôn vinh là anh cả của bóng đá khu vực. Nhưng 4 trận thua liên tiếp ở vòng loại thứ 3, câu hỏi đặt ra lúc này bao giờ đội tuyển Việt Nam có điểm?

4 năm trước, người Thái sau 4 trận thua đã giành được điểm trước đội thủ rất mạnh là Australia và kết thúc vòng loại cuối, thầy trò huấn luyện viên Kiatisak có 2 điểm trong tay. Vậy nên, từ chỗ luôn lấy sự tụt hậu của Thái Lan cho thấy sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam, giờ đây chúng ta ở vào cái thế “đuổi theo người Thái”.

2 trận đấu của tháng 11 trên sân Mỹ Đình sẽ mang đến cơ hội cho bóng đá Việt Nam. Nhưng điều đó mới chỉ là những tính toán về lý thuyết, bởi cả 2 đối thủ sắp tới của chúng ta đều rất mạnh, Nhật Bản và Saudi Arabia, đội bóng đã giành chiến thắng 3-1 ở lượt đi. Nguy cơ số trận thua của đội tuyển Việt Nam nâng lên con số 7 rất lớn.

Vấn đề đặt ra lúc này là huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò ứng xử như thế nào nếu những thất bại tiếp tục đến? Thanh thản đón nhận khi so sánh tương quan của bóng đá Việt Nam với các “đại gia” châu Á, hay sẽ khởi đầu cho vết trượt dài như người Thái?

Dưới thời của Kiatisak, bóng đá Thái Lan thống trị Đông Nam Á một cách tuyệt đối với 2 chức vô địch AFF Cup, 2 HCV SEA Games... Nhưng đỉnh cao nhất vẫn là đội tuyển Thái Lan vượt qua Iraq, đoạt ngôi đầu bảng F ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018 để tiến vào vòng loại cuối cùng. Những chiến tích vang dội đó giúp Thái Lan mơ vé đến Nga.

Tuy nhiên, bóng đá Thái Lan còn khoảng cách rất lớn so với nhóm đội mạnh châu lục. Không khí thất bại tại vòng loại thứ 3 World Cup 2018 đã phá bỏ tất cả những gì trước đó của Kiatisak và các học trò, đồng thời đẩy bóng đá Thái Lan rơi vào khủng hoảng suốt 4 năm qua.

Không chỉ là  nguy cơ “sang chấn” về tâm lý, ông Park đang ở vào tình cảnh hiểm nghèo về nhân sự, danh sách chấn thương cứ ngày một dài hơn trong khi giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) đang đến gần.

Đội tuyển Việt Nam hiện nay như bệnh viện thu nhỏ. Đoàn Văn Hậu bị trả về để tập trung điều trị, chờ ngày phẫu thuật. Nguyễn Trọng Hoàng thoát vị đĩa đệm phải nằm lại Bệnh viện 108, chưa hẹn ngày trở lại. Vũ Văn Thanh, Bùi Tấn Trường, Nguyễn Tuấn Anh đang hứng chịu chấn thương ở những mức độ khác nhau. Thêm Văn Lâm, Đỗ Hùng Dũng trước đó, đội tuyển Việt Nam mất gần nguyên đội hình đá chính.

Tình trạng quá tải, đe dọa nhiều tuyển thủ đang còn phục vụ ở đội tuyển như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung hay Đỗ Duy Mạnh. Vẫn biết chấn thương là một phần của bóng đá và nó đặt ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam trước những áp lực.

Chiến lược gia người Hàn chịu trách nhiệm, đưa ra các giải pháp tình thế, trong khi bộ phận y tế của đội bị đặt dấu hỏi về năng lực, và quan điểm. Những phát biểu của bầu Hiển về việc “ông Park bảo thủ”, “các trợ lý đều nhất nhất nghe theo mọi quyết định của ông Park, thiếu bản lĩnh góp ý” phần nào cho thấy rõ hơn về những mặt trái của đội tuyển hiện nay.

Đội tuyển Việt Nam đăng quang năm 2018 với chuỗi 8 trận bất bại, với chỉ đúng 2 trận hòa trên sân Myanmar (vòng bảng) và Malaysia (chung kết lượt đi). Tuy nhiên, ông Park và các học trò vô địch năm 2018 với không nhiều thách thức.

Đội tuyển Thái Lan đang trong cơn khủng hoảng sau vòng loại World Cup 2018. Indonesia bất ổn ở vị trí huấn luyện viên… Lứa U23 đoạt ngôi Á quân U23 châu Á 2018, kết hợp cùng những cựu binh giàu kinh nghiệm đã tạo ra đội tuyển Việt Nam rất mạnh. Nhưng ở AFF Cup 2020, thách thức cho chiến lược gia người Hàn sẽ lớn hơn gấp bội, với nhiệm vụ phải bảo vệ chức vô địch.

Huấn luyện viên Tan Cheng Hoe nhấn mạnh việc “phải đánh bại tuyển Việt Nam”, mới nói đến khả năng vô địch dù việc này theo ông là “nhiệm vụ không hề dễ dàng”.

Huấn luyện viên tuyển Indonesia Shin Tae-yong rất háo hức khi nằm cùng bảng với Việt Nam và Malaysia. Ông Shin nhận mục tiêu phải đưa Indonesia vô địch AFF Cup 2020. Đặc biệt, bóng đá Thái Lan đang làm tất cả để giành lại vị thế. Liên đoàn Bóng đá Thái Lan cũng sắp xếp lịch trình Thai League, bảo đảm “Voi chiến” sẽ có lực lượng mạnh nhất dự giải đấu số 1 khu vực.

Do diễn biến của dịch Covid-19, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á đã quyết định tổ chức AFF Cup 2020 dưới hình thức tập trung và quốc gia được chọn đăng cai là Singapore. Đội tuyển Việt Nam nằm ở bảng B cùng Malaysia, Indonesia, Campuchia và Lào. Bảng A có sự góp mặt của Thái Lan, Myanmar, Philippines, Singapore và đội thắng trong cặp play-off giữa Brunei và Timor Leste. Các trận đấu tại AFF Cup 2020 được tổ chức từ ngày 5/12/2021 đến 1/1/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ