Người dân nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần. Ảnh: V.T
Mắc bệnh vì xem phim đêm
Là “con mọt phim”, tối nào trước khi đi ngủ chị Quỳnh Anh (nhân viên văn phòng (32 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải “cày” đến vài ba tiếng phim bộ. Không xem phim thì đọc sách, báo, lướt mạng xã hội… Chị Quỳnh Anh coi đó là thói quen khó bỏ.
Dạo gần đây, chị thường thấy mắt nhức mỏi, nước mắt chảy nhiều hơn, thỉnh thoảng còn thấy cộm mắt, khó chịu. Cho rằng đó là do chị dùng máy tính, điện thoại quá nhiều nên chị chỉ ngừng một lúc lại “cày” phim tiếp.
Tuần trước, khi tình trạng cộm mắt tăng lên nhiều, rửa mắt bằng nước muối sinh lý mãi không đỡ, chị đi khám thì mới biết gần như toàn bộ mí mắt trên của chị đã nổi những hạt li ti như hạt tấm màu trắng ngà, có hạt thậm chí có kích thước còn như hạt vừng. Bác sĩ thăm khám phát hiện mắt chị có sạn vôi (sỏi kết mạc).
Một trường hợp khác là chị Hoài Thương (19 tuổi, Hà Nội). Công việc người mẫu khiến chị phải thường xuyên trang điểm, kẻ vẽ mí mắt, đeo kính áp tròng, chuốt mi. Vài tháng gần đây, chị thường thấy khó chịu ở mắt, như có gai đâm, do bận công việc nên trì hoãn nhiều lần rồi mới thu xếp đi khám.
“Tôi rất nhớ bệnh nhân này, cô gái rất xinh xắn. Nhưng khi lật mí trên của bệnh nhân, tôi ngỡ ngàng vì số lượng sạn vôi quá nhiều, dày đặc, có những hạt sạn to tới gần bằng hạt gạo, cứng, đã xuyên qua lớp kết mạc mi trên”, BS chuyên khoa Mắt – Khúc xạ Nguyễn Trung Thành, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Thương chia sẻ.
Theo BS Thành, sạn vôi (sỏi mắt, sỏi kết mạc) là những nang hoặc hạt nhỏ phân bố ở vùng kết mạc sụn mi trên và dưới, màu trắng đục hoặc nâu vàng. Về cơ chế hình thành sạn (sỏi), BS Thành cho biết:
Những bệnh nhân có mắt bị kích thích lâu dài hay bị viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng mạn tính, tái diễn nhiều lần, làm mất cấu trúc bình thường của lớp biểu mô kết mạc, tạo thành những khoảng trống giữa lớp kết mạc và sụn mi (túi, nang); các tế bào biểu mô tăng sinh hoặc thúc đẩy sự bài tiết của tuyến, kết quả là các mảnh vụn tế bào và các chất tiết nhầy (muối Canxi, lipid…) trộn lẫn ngưng kết, vón lại, được bọc trong các nang chứa.
Ban đầu những nang này rất mềm, nhưng sau một thời gian (vài tháng, vài năm) sẽ kết dính lại tạo thành hạt, cứng. Có những hạt cứng thậm chí còn như sạn (sỏi), nên gọi là sạn vôi (sỏi kết mạc).
Cũng theo BS Thành, đây là bệnh thường gặp với khoảng 40% bệnh nhân đến khám mắc phải. Bệnh ở cả 2 giới, độ tuổi thường từ 15 trở lên, thanh niên, trung tuổi, cao tuổi.
Về triệu chứng của bệnh sạn vôi, BS Thành cho biết, ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng gì. Bệnh nhân tỉnh thoảng thấy cộm mắt, xốn mắt như cảm giác có hạt cát, dị vật trong mắt, cố chớp, rửa, thậm chí chảy nước mắt nhưng không trôi. Khi sạn nhiều và quá cứng, xuyên qua lớp kết mạc có thể tự bung ra, nhưng không phải tất cả, vì còn tùy thuộc độ nông sâu của sạn.
Triệu chứng cơ năng khác là bệnh nhân thấy kết mạc bị viêm, đỏ. Có trường hợp, hạt sạn cứng quá sẽ gây xước giác mạc, kích thích chảy nước mắt nhiều. Khi tới bác sĩ chuyên khoa mắt khám, sẽ thấy các nang chứa dịch nhầy, hoặc có hạt sạn với nhiều kích thước khác nhau, tùy giai đoạn hình thành.
Cách nào phòng bệnh?
Theo BS Thành, một đối tượng nguy cơ khác là những người hay tiếp xúc với môi trường bụi bặm, kẻ mắt, hay đeo kính áp tròng nhưng lại không đúng cách, kính không chính hãng, không thay kính đúng hạn sử dụng.
“Có những loại kính áp tròng chỉ được đeo 1 ngày phải tháo ra, kính đeo ban đêm OrthoK dùng 1 năm nên đổi trả, khi quá hạn kính sẽ mất vệ sinh, trầy xước, dễ gây nên tình trạng viêm kết mạc”, BS Thành cho hay.
Bác sĩ nhãn khoa điều trị sạn vôi (sỏi kết mạc) bằng cách rất đơn giản, đó là dùng một kim nhỏ khêu sỏi ra. Tuy nhiên nếu lâu không để ý đến, thì mắt sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến chuyển biến ngày càng xấu. Một số bệnh nhân khó hơn, bác sĩ phải tạo đường rạch bằng dao, luồn dụng cụ nạo ra.
Cũng có một số bệnh nhân sau khi loại bỏ sạn, chỉ vài tháng sau lại phải đi lấy tiếp, bởi sau khi lấy sỏi ra sẽ để lại một cái khoang giữa các lớp kết mạc – sụn mi, một thời gian mắt lại tiết dịch nhầy tràn đầy vào khoang đó, bệnh nhân lại phải đi lấy. Do đó, với một số người, đây là bệnh lý có phần mạn tính.
Ngoài ra, khi để viên sạn quá lớn, quá sâu, bác sĩ sẽ cân nhắc việc lấy sỏi, bởi có thể sẽ gây tổn thương làm chảy máu, mắt bệnh nhân sẽ bị viêm hơn.
BS Thành khuyến cáo, người dân nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần, do những trường hợp mắc ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng khó chịu. “Nhiều người có sai lầm trong chăm sóc mắt là rửa nước muối sinh lý cả ngày, cứ thấy “nhặm nhặm” là rửa, có khi tới 5-6 lần/ngày.
Trong khi đó, chúng tôi khuyên chỉ nên rửa 1-2 lần/ngày, nếu rửa nhiều quá sẽ trôi hết đi các thành phần dinh dưỡng, thay đổi lớp phim nước mắt, giảm tính chất nhờn, lipid bảo vệ mắt. Nên thay thế bằng nước mắt nhân tạo có thành phần dinh dưỡng, độ nhầy để bảo vệ mắt”, BS Thành khuyên.
Với những trường hợp đọc sách, máy tính nhiều, bác sĩ nhãn khoa khuyên, cứ 20 - 30 phút một lần hãy nhắm mắt thật sâu, gập sách, đóng máy rời mắt đi đâu đó một lúc, hoặc tra nước mắt nhân tạo để giữ ẩm, tiếp thêm dinh dưỡng cho mắt, bảo vệ lớp phim nước mắt, tránh tình trạng khô mắt.
Có ý kiến cho rằng, thay vì nhắm mắt lại, hoặc rời mắt đi đâu đó thì nhìn vào một vật gì đó màu xanh sẽ giúp mắt ổn hơn, BS Thành cho rằng đó cũng là một phương án hay, vì quá trình tiến hóa của con người cũng như các loài động vật có khả năng phân biệt màu sắc, mắt đã thích nghi với màu săc môi trường có màu xanh lá.
Tuy nhiên, nếu có nhìn vào cây lá trên bàn làm việc thì mắt vẫn đang phải điều tiết nhìn gần. Chúng tôi khuyên mắt cần phải nhìn xa, khoảng cách trên 5m, khi đó, mắt được giãn điều tiết, thoải mái nhất.
Với những người quen sử dụng kính áp tròng, phải tuân thủ nguyên tắc và khuyến cáo của bác sĩ điều trị, nhà sản xuất. Đặc biệt cần vệ sinh đúng cách, dùng kính chính hãng chỉ định, nước rửa kính phù hợp, bảo quản tốt, phải thay khi hết hạn sử dụng, không nên dùng cố. Điều này sẽ khiến mắt bị tổn thương, gây viêm”, BS Nguyễn Trung Thành phân tích.