Hơn 2.000 ca ngộ độc
Theo Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài gần 1.000 trường hợp ngộ độc rượu phải nhập viện, các cơ sở y tế trên toàn quốc còn tiếp nhận hơn 2.000 ca ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá. Ngày Tết, theo phong tục ở các vùng miền, các gia đình đều chuẩn bị đồ ăn gấp nhiều lần ngày thường. Không kể thức ăn được cấp đông, những đồ ăn được nấu chín còn thừa nếu không bảo quản tốt cũng rất dễ bị nấm mốc. Thời tiết nắng ấm ở miền Bắc trong dịp Tết là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh và nấm sinh sôi.
Phần lớn, các thực phẩm tồn dư đều là những đồ ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như: Giò chả, thịt đông, thịt quay, bánh chưng và các loại bánh khác… Trời nóng các thức ăn này dễ bị mốc, ôi thiu. Chị Trần Thị Lan ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Mới sang ngày mùng 2 mà vỏ ngoài bánh chưng đã có hiện tượng bị mốc. Tiếc của, chị đành lau sạch lớp mốc cất vào tủ lạnh để rán ăn dần. Giò chả do không ăn hết mặc dù được cất trong ngăn mát tủ lạnh nhưng mùi vị cũng không giữ được như trước…
Không chỉ riêng chị Lan, nhiều bà nội trợ cũng gặp những trường hợp tương tự khi thịt đông, thịt quay do bảo quản không tốt nên bị nấm mốc, có mùi khác lạ… Nhiều người cho rằng, cứ rửa sạch, hay cắt phần thực phẩm đã bị mốc đem chế biến lại là có thể sử dụng mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia về dinh dưỡng lại cảnh báo: Thực phẩm bị mốc, kể cả bánh chưng đều chứa nấm mốc họ Aspergillus và Penicillium. Nếu ăn phải những thực phẩm này, nấm sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu dần gây nên ung thư gan. Cụ thể, các loài nấm họ Aspergillus là tác nhân gây nên các chứng bệnh về hô hấp, dị ứng và suy giảm miễn dịch, đặc biệt là ở trẻ em. Còn nấm họ Penicillium có khả năng dẫn đến các bệnh về nhiễm trùng.
Loại thói quen xấu
Nhiều gia đình thường có thói quen dự trữ rất nhiều thực phẩm trước Tết. Chính vì vậy, khi sử dụng không hết đa phần số thức ăn này lại được chế biến lại để dùng dần vào những ngày sau đó. Chưa kể hương vị, hàm lượng dinh dưỡng đã mất đi do đun lại nhiều lần thì vấn đề vệ sinh an toàn cũng không được bảo đảm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong những ngày nghỉ Tết, bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc hóa chất (như thuốc diệt cỏ hay ma túy tổng hợp) và đặc biệt là ngộ độc thực phẩm.
Cảnh báo về điều này, nhiều chuyên gia và bác sĩ cho rằng, thực phẩm còn thừa sau Tết có nguy cơ gây ngộ độc cực lớn. Khi lấy đồ ăn cất giữ trong tủ lạnh, nhiều người có thói quen chỉ hâm nóng lại. Song như vậy vẫn chưa bảo đảm an toàn vệ sinh. Trên thực tế có nhiều người bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa cũng từ thức ăn để trong tủ lạnh. Thức ăn khi chỉ được hâm nóng, chưa đạt đến nhiệt độ sôi trong vài phút thì vi khuẩn vẫn tồn tại trong đó.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Các gia đình chỉ nên bảo quản thịt, cá trong từ 3 - 5 ngày. Thực phẩm đã rã đông thì không cho đông lại, thực phẩm đã đun nấu không nên để qua đêm. Dù hôm sau chúng ta có đun kỹ, hâm lại thì một số độc tố, vi khuẩn vẫn còn trong thức ăn. Chúng ta đang dùng quá nhiều hộp và cốc chén nhựa để đựng và bảo quản thức ăn. Những hạt nhựa li ti từ vật dụng sẽ qua thức ăn, nước uống để vào cơ thể và gây nên những tổn thương tế bào vĩnh viễn.
Bác sĩ Khánh cũng cảnh báo: Thực phẩm chín - sống để lẫn lộn khiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn… Các tác nhân gây ngộ độc có thể là các loại vi khuẩn, nấm… hoặc các chất phụ gia, chất bảo quản. Vì vậy, các gia đình phải hết sức lưu ý: Chỉ dùng thực phẩm tươi sống hoặc chưa hết hạn sử dụng. Tuyệt đối không được dùng thực phẩm đã ôi, thiu, có mùi. Thực phẩm khi mua về cần phải bảo quản ngay trong tủ lạnh, hoặc chế biến luôn, tránh để các loại thịt, cá ngoài trời quá lâu. Rau củ quả có thể ăn sống, chần, hấp nhưng với thịt cá thì luôn luôn cần nấu kỹ, bảo đảm thực phẩm đã chín. Trong chế biến, bày biện nên rửa tay thật kỹ, tránh lẫn lộn thực phẩm sống với chín. Khi có biểu hiện đau bụng quặn, buồn nôn và nôn... nên kiểm tra bữa ăn vừa dùng và hỏi bạn bè cùng dùng bữa cơm đó, đồng thời nhanh chóng đến trung tâm y tế gần nhất để xử lý, truyền nước và điện giải.