Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại các Khu công nghiệp, Khu chế chế xuất, người lao động không thể làm việc trực tuyến, mà phải làm việc trực tiếp, gây nguy cơ rất lớn.
“Hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại các cao ốc, văn phòng. Nguy cơ xâm nhập mầm bệnh vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất rất lớn. Phải bảo vệ chặt chẽ, chống lây nhiễm ở những nơi này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, tuy đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 toàn quận Gò Vấp, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn phải thực hiện nghiêm hơn nữa, vì COVID-19 không còn lây theo chuỗi mà qua đường không khí.
Ông Nguyễn thanh Long cho biết, chúng ta đảm bảo hoạt động sản xuất, nhưng phải tăng tốc các biện pháp kiểm soát. Tùy vào mức độ của từng địa phương để áp dụng các biện pháp cao hơn, truy vết phải triệt để. Truy vết càng triệt để bao nhiêu, càng sớm bao nhiêu, thì càng đỡ gánh nặng bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị thành phố tăng cường quản lý công nhân, thực hiện giãn cách; cần thiết thì cho cách ly tập trung ở một số khu nhà ở công nhân. Nếu xác định nơi nào không đảm bảo an toàn, thì cho dừng sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi xác định nguy cơ cao tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao các địa phương tổ chức các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đúng bộ tiêu chí phòng chống dịch áp dụng cho doanh nghiệp. Thành phố sẽ chấn chỉnh các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, chọn một số doanh nghiệp để chuẩn bị phương án vừa cách ly, vừa sản xuất.
Theo Sở Y tế TP, có một số người sinh hoạt Hội thánh này cũng làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp. Đến nay, Thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Tân Bình, Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc - Hóc Môn.
Đồng thời, tối ngày 30/5, phát hiện 1 trường hợp dương tính tại Long An, là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, thành phố Thủ Đức) có 1.082 người lao động.
Về tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế cho biết, những đơn vị trên phải tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm để qua đó phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch.
Trong vận hành sản xuất, mỗi doanh nghiệp chủ động điều chỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể của chính đơn vị mình cho các tình huống dịch có thể xảy ra, phối hợp y tế địa phương xử lý. Khi có ca bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp thực hiện phong tỏa tạm thời cơ sở có ca bệnh để truy vết thần tốc, triệt để.
Trước đó, ngày 31/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã cùng các bộ, ngành, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, phải đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động. Bài học ở các tỉnh để lây nhiễm lớn trong khu công nghiệp đều do chủ quan, không kiểm soát tốt, để mầm bệnh từ cộng đồng lây nhiễm vào và bị động trong xử lý.
Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nêu cao tính kỷ luật của người lao động. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc giãn cách để người lao động yên tâm làm việc.