Nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Đột quỵ có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời.
Xử trí khi gặp vấn đề do nắng nóng
Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, vào mùa nắng nóng, mọi người có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số nhóm có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức như người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép...; Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện, cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Với mức độ nhẹ, cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, sau đó nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài.
Lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể rồi lau khô. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút, các biểu hiện sẽ giảm dần.
Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý, trong quá trình vận chuyển, cần thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ đột quỵ và yếu tố nhiệt độ có mối liên hệ với nhau. Ảnh minh họa: INT |
Phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng
Theo các chuyên gia, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ.
Trong đó, chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong “thời gian vàng”. Con số này đã tăng lên so với trước đó. Song, so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỷ lệ này còn thấp. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong “thời gian vàng” đạt 50 - 75%.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ đột quỵ và yếu tố nhiệt độ có mối liên hệ với nhau. Trong đó, nhiệt độ môi trường tăng cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nắng nóng khiến thân nhiệt tăng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ bị mất nước, kết cấu máu cô đặc, kết dính làm suy giảm khả năng lưu thông máu, tăng huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng động mạch. Từ đó, tăng nguy cơ đột quỵ.
BS.CKI Nguyễn Phương Trang - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, để hạn chế tối đa nguy cơ bị đột quỵ não khi trời nắng nóng kéo dài, mọi người nên chủ động có biện pháp phòng ngừa.
Trong đó, khám sức khỏe tổng quát cũng như tầm soát đột quỵ định kỳ là điều cần thiết giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Từ đó, có biện pháp phòng tránh hữu hiệu.
Mục tiêu của việc tầm soát đột quỵ là dựa vào công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại để phát hiện sớm các yếu tố tiềm ẩn đột quỵ như hẹp, tắc nghẽn mạch máu, phình, vỡ hay dị dạng mạch máu não và những bệnh lý nền khác có liên quan.
Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, bao gồm uống đủ nước. Cơ thể cần được cung cấp từ 2 lít nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng mất nước. Từ đó, làm giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông.
Chuyên gia lưu ý, mọi người nên dàn trải lượng nước uống trong một ngày. Không nên uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn. Ngoài ra, cần ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất. Ưu tiên bổ sung các loại rau củ quả, thực phẩm giàu chất béo tốt.
Một số thực phẩm giàu chất béo tốt điển hình như quả bơ, các loại hạt, cá béo, quả ô liu… có tác động làm giảm cholesterol giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp.
Bác sĩ Trang khuyến cáo, người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt. Cụ thể, hạn chế để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ, giúp giảm nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng. Nên tránh từ ngoài nắng đi vào phòng lạnh đột ngột. Bởi, điều đó có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, rèn luyện thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh đột quỵ. Mỗi người cần tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. Từ đó, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bệnh tật, trong đó có đột quỵ do nắng nóng.
Trong thời gian nắng nóng, cần ưu tiên các bộ môn tập luyện trong nhà như aerobic, chạy bộ trên máy, yoga, nhảy dây… và hạn chế các loại hình vận động ngoài trời như chạy bộ, chạy xe đạp, chơi đá bóng, bóng chuyền…
Các dấu hiệu của đột quỵ được viết tắt bằng các từ tiếng Anh - BEFAST, trong đó: B - Balance (mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt); E - Eye (mờ mắt); F - Face (méo, xệ mặt một bên); A - Arms (tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia); S - Speech (khó nói, nói ngọng); T - Time (Cần gọi ngay cứu thương hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt).