Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại vùng tiêm chủng thấp

GD&TĐ - Ở những tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khi thực hiện mở cửa, dịch có nguy cơ bùng phát ở các trường học, phương tiện giao thông công cộng, nơi làm việc.

Dịch có nguy cơ bùng phát ở những địa phương tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Dịch có nguy cơ bùng phát ở những địa phương tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn tăng, trẻ em sẽ dần trở thành nhóm yếu thế.

Lo ngại bùng phát dịch

Tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Về cơ bản hiện nay, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều. Đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch”.

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

“Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Lãnh đạo ngành y tế đề nghị các địa phương phải kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Nhờ đó, phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

“Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là mức bao phủ vắc-xin. Bộ trưởng đề nghị các địa phương đã được phân bổ vắc-xin phải tăng tốc tiêm chủng. Đồng thời, các địa phương khi triển khai phải tuân thủ việc cập nhật dữ liệu thông tin người tiêm lên nền tảng tiêm chủng theo đúng hướng dẫn.

Một tiêu chí quan trọng khác là các địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị. Phải đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc, có máy thở, đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, có oxy… Như vậy, khi dịch xảy ra sẽ kiểm soát được và giảm tối đa số ca tử vong.

Kiểm soát người từ vùng dịch

Nhóm 5F - gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, xã hội học, dược sĩ, chuyên gia y tế công cộng, công nghệ thông tin, truyền thông tập hợp các thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, cho biết: “Số ca nhiễm đang tiếp tục tăng ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

Mặc dù tốc độ tiêm vắc-xin đang tăng nhanh, nhưng không rõ có đuổi kịp tốc độ lây của virus không. Số ca tử vong tại An Giang đang có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức thấp”.

Theo các chuyên gia của nhóm 5F, nguyên nhân số ca mắc tăng phần lớn do dòng người di cư từ miền Nam về quê. Trong khi đó, nhiều tỉnh có độ bao phủ vắc-xin thấp và năng lực điều trị hạn chế.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), vắc-xin đã giúp TP Hồ Chí Minh vượt qua đỉnh dịch. Hiện tại, số ca nhiễm mỗi ngày ở thành phố này trên dưới 1.000. Vắc-xin cũng giúp các tỉnh xung quanh TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và những khu vực khác vượt qua làn sóng thứ tư do biến thể Delta.

“Đại dịch đã được kiểm soát nhưng chưa kết thúc. Virus sẽ chạm vào tất cả những người chưa được tiêm vắc-xin”, bác sĩ Phúc cảnh báo.

Theo đó, tại những tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khi thực hiện mở cửa, dịch có nguy cơ bùng phát ở các trường học, phương tiện giao thông công cộng, nơi làm việc. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn tăng, trẻ em sẽ dần trở thành nhóm yếu thế.

“Từ cuối tháng 9 đến nay, hàng triệu người lao động từ tâm dịch TPHCM và Bình Dương tìm mọi cách trở về quê. Không ít trong số đó mang theo biến thể Delta dễ lây lan đến các vùng đất rộng lớn. Những tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp dưới 50% sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch”, bác sĩ Phúc nhận định.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, với các biện pháp kiểm soát cách ly người trở về, đặc điểm mật độ dân cư thưa cũng là yếu tố giúp các địa phương kiểm soát dịch bệnh một cách an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ