Nguy cơ "bội thực" kiến thức dịp hè

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng, nếu cha mẹ cứ ép, tìm đủ các lớp học thêm vào dịp hè sẽ khiến con “bội thực kiến thức”.

Cha mẹ không nên khiến mùa hè của con trở lên ngột ngạt với lịch học thêm quá nhiều. Ảnh minh họa.
Cha mẹ không nên khiến mùa hè của con trở lên ngột ngạt với lịch học thêm quá nhiều. Ảnh minh họa.

Trẻ dễ chán nản

Dịp nghỉ hè, nhiều gia đình cho con em mình đi du lịch khắp các tỉnh thành trên cả nước, tham quan danh lam thắng cảnh để con được xả hơi sau cả năm học dài vất vả. Mặt khác, có gia đình lại cho rằng đây là lúc để con tham gia các lớp học thêm, lớp học kĩ năng mềm để chuẩn bị cho năm học mới.

Cũng bởi thế mà mùa hè là thời điểm các lớp dạy thêm, các lò luyện thi hoạt động hết công suất, thậm chí còn sôi động hơn trong năm học. Cũng bởi nhu cầu của nhiều gia đình ngày càng tăng. Ai cũng muốn chạy đua cùng thời gian và mong năm học mới sẽ bứt phá với kết quả cao hơn trước đây.

Cha mẹ thường nghĩ rằng, càng học nhiều thì kiến thức của trẻ sẽ càng phong phú, đa dạng, kết quả đạt được sẽ cao hơn. Thậm chí, nhiều cha mẹ cho rằng ở độ tuổi này, con chỉ có mỗi nhiệm vụ là học tập, nếu không học thì còn làm gì nữa.

Ngược lại, một số quan điểm cho rằng, học là vấn đề của trẻ, hãy để chúng tự giải quyết. Các kiến thức trong nhà trường được nâng cấp từ dễ đến khó tùy theo năng lực của trẻ.

“Cha mẹ hãy để con cái tự đối mặt và giải quyết vấn đề của mình, cũng như tự chịu trách nhiệm nếu chúng làm sai thì sẽ bị điểm kém. Đây là điều hết sức bình thường, bởi có bị điểm kém, trẻ mới tìm cách cải thiện, và thấy hãnh diện khi điểm cao. Phải để trẻ giải quyết được các vấn đề nhỏ thì sau này chúng mới xử lý được những vấn đề lớn hơn. Cứ sốt ruột tìm hết các lò luyện này đến lớp học khác chỉ khiến con thụ động với chính cuộc sống của mình”, chị Đỗ Mai Anh (Cục Thuế Ba Đình, Hà Nội) nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, bổ sung kiến thức bị hổng là cần thiết cho trẻ. Nhiều cha mẹ sợ con không theo kịp các bạn trên lớp đã chọn hàng loạt lớp học thêm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng họ vẫn sẵn sàng lập thời khóa biểu học thêm dày đặc cho kỳ nghỉ hè sắp tới.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng – Chủ nhiệm bộ môn kỹ năng Trung tâm Trí tuệ Việt chia sẻ, ở một số nước được phép dạy thêm cho học sinh nhưng tách biệt hoàn toàn với hệ thống trường học. Nghĩa là giáo viên dạy ở trung tâm không phải là giáo viên dạy ở trường. Và giáo viên dạy ở trường thì không được dạy thêm tại nhà cũng như dạy tại trung tâm. Ở trường không dạy thêm nhưng có phụ đạo cho học sinh muốn được nâng cao kiến thức. Môi trường giáo dục khuyến khích thói quen tự học, tự tra cứu và tìm tòi.

Theo bà Hằng, muốn làm được điều này, cha mẹ cần phải dành thời gian cho con. Không phải thời gian kè kè ngồi cạnh kèm bài trong suốt dịp nghỉ hè quý giá đối với trẻ. Thay vào đó, cần tích cực trò chuyện khi ăn bữa cơm cùng nhau, cùng con ôn tập lại bài cũ. Cha mẹ cũng có thể đặt ra câu đố hay các bài kiểm tra nhỏ lặp đi lặp lại.

Đừng để học thêm thành lợi bất cập hại

Rất nhiều phụ huynh đã “giác ngộ” rằng không ép con học, không so sánh con cái mình với bạn bè. Nhưng điều trăn trở đằng sau là làm sao nuôi dưỡng cho con tinh thần ham học, tự học để người lớn không cần phải lo lắng, sốt ruột.

“Sẽ chẳng có phương pháp nào tốt bằng hình thành thói quen giáo dục tại gia đình. Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ con về điều kiện học tập, tạo thêm cho con động lực học để trẻ dành thời gian tập trung hơn. Cha mẹ nên dạy những thứ mà nhà trường ít có thời gian dạy, như kỹ năng làm việc nhà, ý thức về môi trường sống và cách ứng xử trong giao tiếp... Như vậy con trẻ mới tiếp nhận những kiến thức song hành”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, sự điều độ và hợp lý cũng là yếu tố quan trọng. Trong học tập cũng vậy, ép trẻ học quá nhiều môn học khi trẻ không muốn có thể gây ra tác dụng ngược lại. Trẻ sẽ cảm thấy chán nản, áp lực, từ đó bỏ bê chuyện học hành. Thậm chí một số trẻ còn bị ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.

Cô Nguyễn Thùy Dương – giáo viên Trường THPT Ứng Hòa (HN) cho rằng, thay vì đi học thêm nhiều như kế hoạch, cha mẹ nên trao đổi với gia sư ở nhà, rà soát lại kiến thức cũ của con. Từ đó phát hiện ra trẻ đang bị yếu ở phần nào, có những lỗ hổng nào về mặt kiến thức.

Ngoài ra, không nhất thiết phải bắt con đi học thêm vì nhiều địa chỉ dạy thêm có khuynh hướng dạy trước chương trình. Như thế sẽ làm con cảm thấy nhàm chán khi vào học chính khóa, trẻ không tập trung và chủ quan vì cho là mình biết rồi. Lúc đó thì lợi bất cập hại.

Thay vì một kế hoạch học dày đặc trong hè, cha mẹ nên cho trẻ một kế hoạch học nhẹ nhàng kết hợp với các hoạt động chân tay ngoài trời như học bơi, học võ, tham gia câu lạc bộ bóng đá… Điều này để giúp con có được thời gian thư giãn hoàn toàn sau một năm học căng thẳng. Như thế cũng nhằm tăng cường sức khỏe giúp đảm bảo cho một năm học sắp tới.

“Bố mẹ thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con em mình. Nhưng đừng để những kỳ vọng như vậy trở thành gánh nặng trên vai con cái. Cần tùy sức của con mà có kế hoạch học tập phù hợp, bởi nếu quá sức sẽ khiến trẻ kiệt sức và buông xuôi. Như thế thì bố mẹ lại rơi vào tình trạng xôi hỏng bỏng không. Vì vậy, hãy cho con có thời gian nghỉ ngơi thư giãn, đề ra yêu cầu vừa sức và hài lòng với sự nỗ lực hết mình của trẻ”, cô Dương nhấn mạnh.

“Ở Việt Nam, cha mẹ nên hình thành thói quen giáo dục tại gia đình, học tập được “gieo trồng” tại nhà. Có như vậy, trẻ mới ý thức trong việc tự học và coi việc học là của chính bản thân mình. Muốn vậy, nó phải là một quá trình gieo những thói quen mỗi ngày. Bắt đầu từ giai đoạn tiền tiểu học 4 - 5 tuổi cho đến hết tiểu học. Điều này giúp con cảm thấy hứng thú với sự vật, sự việc xung quanh. Lúc này, cha mẹ nên lồng ghép yếu tố toán, khoa học, xã hội, ngôn ngữ vào trong những trò chơi hằng ngày với con”. - Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.