Nguy cơ biến chứng phổi do cúm A

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một tháng trở lại đây, số ca cúm A vào viện gia tăng nhanh chóng.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một tháng trở lại đây, số ca cúm A vào viện gia tăng nhanh chóng. Ảnh: BVCC
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một tháng trở lại đây, số ca cúm A vào viện gia tăng nhanh chóng. Ảnh: BVCC

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong.

Số mắc cúm A tăng

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một trường hợp 59 tuổi, sống tại Thái Nguyên biến chứng do cúm A. Ban đầu, do xuất hiện tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi nên bệnh nhân nghĩ chỉ cảm sốt thông thường. Một ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, bà đối mặt với tình trạng tức ngực, khó thở.

Thời điểm được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dù chỉ mới ngày thứ ba của bệnh, bà M. đã bị suy hô hấp phải thở oxy. Hai ngày sau khi nhập viện, tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng khiến các bác sĩ phải đặt ống thở máy.

Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân này có bệnh nền béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp. Do đó, khi mắc cúm A, bệnh tiến triển rất nhanh, đặc biệt là tổn thương ở phổi.

Một trường hợp khác là nữ (66 tuổi) cũng suy hô hấp nặng, phổi trắng xóa, tổn thương lan tỏa sau khi ho, sốt vài ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đồng nhiễm cúm A và Covid-19. Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp.

Các triệu chứng ban đầu là ho, sốt, ba ngày sau suy hô hấp nặng, nhập viện bệnh diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân tổn thương phổi hai bên tới 70%, phổi trắng xóa, phải thở máy và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

“Mắc cúm A chồng Covid-19 là tình trạng nguy hiểm, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình điều trị”, bác sĩ Phúc nói. Theo bác sĩ Phúc, cả hai bệnh đều do virus gây ra, chủ yếu tấn công vào đường hô hấp.

Bệnh nhân cùng mắc hai căn nguyên ở một vị trí, quá trình điều trị khó khăn hơn rất nhiều, tổn thương cũng tiến triển nhanh hơn, bác sĩ phải đồng thời điều trị hai bệnh lý. Hiện, sau một tuần điều trị tích cực, phổi của bệnh nhân đã cải thiện tuy nhiên hô hấp vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một tháng trở lại đây, số ca cúm A vào viện gia tăng nhanh chóng. Hiện, cơ sở này điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng. Trong đó, 8 bệnh nhân có bệnh lý nền.

Riêng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, có 3 trong số 4 ca cúm A nặng phải thở máy. Đáng chú ý, các ca này đều có bệnh nền.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi mắc cúm A và điều trị tăng gấp 3 lần so với tháng 2 – 3/2023. Mỗi ngày, có từ 60 - 80 ca bệnh nội trú, chiếm khoảng một nửa số trẻ điều trị tại bệnh viện. Các trường hợp đều khởi phát từ các triệu chứng thông thường như sốt, ho, khó thở... Một số trẻ không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khi test nhanh đều mắc cúm A.

Triệu chứng tùy tình trạng sức khỏe

Theo bác sĩ Lê Thị Trúc Phương, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48 giờ trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ,… Virus có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ, duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường.

Nếu không được điều trị đúng cách, một số nhóm như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp biến chứng nặng. Từ đó, dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng.

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu,… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong. Do đó, ngay khi có các yếu tố dịch tễ như sốt, triệu chứng viêm long đường hô hấp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào. Từ đó, có kế hoạch điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Trúc Phương, trẻ nhỏ là nhóm dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp các biến chứng cúm do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp những biến chứng cao hơn so với những bé bình thường.

Một số biến chứng có thể xảy ra do bệnh cúm A ở trẻ gồm: Suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của trẻ.

Do đó, cha mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm A trở nặng để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện. Trẻ có thể sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; Li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh; Co giật; Khó thở, thở nhanh.

Trong khi đó, theo TS. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi (BV Bệnh nhiệt Đới Trung ương), cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng cúm chủ động. Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa Đông Xuân khoảng 3 tháng (tháng 7 - 9 hằng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi. Do vậy, nên tiêm phòng nhắc lại hằng năm.

Ngoài ra, cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: Cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi… Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh.

Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…

Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Người dân cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.
Một số trẻ gặp khó khăn trong việc định hướng các mối quan hệ ở trường.

Học sinh Anh nghỉ học tăng nhanh

GD&TĐ - Tiền phạt, nhu cầu sức khỏe và môi trường học tập kém là những nguyên nhân khiến số trẻ em tại Anh nghỉ học ngày càng tăng.