(GD&TĐ) - Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư cho ngành GD&ĐT đạt từ 27,4% giảm dần và chỉ còn 6,3% - Công bố mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thật sự là một tín hiệu đáng chú ý. Thêm nữa, GD&ĐT là một trong số ít ngành có vốn đầu tư tăng thấp hơn so với trước khi Việt Nam gia nhập WTO, do các hạn chế từ phía Việt Nam; tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội khi Việt Nam gia nhập WTO cũng giảm hơn so với trước.
Nhiều cải tiến
Cần khẳng định Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã và vẫn sẽ là nguồn kinh phí chính của GD&ĐT. NSNN dành cho giáo dục đã tăng đáng kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về phát triển GD&ĐT. Nhà nước đã có ưu tiên đầu tư cao cho GD&ĐT trong suốt hơn 10 năm qua, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NSNN cho GD&ĐT tính cho một người đi học đã tăng lên đáng kể ở thời điểm bậc thềm gia nhập WTO, từ 76 USD/người (năm 2000) lên 203 USD/người (năm 2006). Tỷ trọng chi NSNN cho GD&ĐT năm 2001 bằng 15,5% tổng chi NSNN (tương ứng với 4,1% tổng sản phẩm quốc nội, còn được gọi là GDP); năm 2006 bằng 18,4% (tương ứng 5,6% GDP).
Đầu tư cho giáo dục từ các nguồn đã được cải tiến đáng kể. Ảnh: Thu Ba |
Ở giai đoạn tiếp theo, từ năm 2007- 2008, Chính phủ đã dành 20% chi ngân sách cho GD&ĐT, đạt tỷ lệ như Quốc hội phê duyệt cho năm 2010. Nhiều chương trình, đề án quy mô lớn được huy động đa dạng và tối đa nguồn lực cho phát triển giáo dục, đặc biệt là cho giáo dục phổ thông. NSNN bước đầu đã tập trung cho các cấp học phổ cập, vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn và phát triển đội ngũ nhà giáo.
TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Cơ cấu chi NSNN cho giáo dục trong giai đoạn này đã được cải tiến đáng kể, theo hướng tập trung nhiều hơn cho các cấp học phổ cập, các vùng khó khăn, các lĩnh vực ưu tiên trong đào tạo nhân lực. Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục so với tổng chi xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN đã đạt 20,4% (năm 2004), tăng gần 4 lần so với gian đoạn 1990- 1995 (2,7%) và chiếm tỷ trọng cao nhất trong lĩnh vực xã hội.
Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ trọng cho giáo dục trong GDP cao nhất thế giới. Đánh giá mới đây của Chính phủ trong tổng kết tình hình kinh tế - xã hội đất nước sau 5 năm gia nhập WTO cũng cho thấy những thành tựu của GD&ĐT đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị của đất nước trong 20 năm đổi mới vừa qua. |
Với các kết quả này, TS Võ Trí Thành cho biết Việt Nam thuộc danh sách các quốc gia có tỷ trọng cho giáo dục trong GDP cao nhất thế giới. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với giáo dục. Các nguồn vốn từ trái phiếu, vay vốn nước ngoài và vận động các dự án viện trợ không hoàn lại... cũng được huy động nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục. Đây là cơ sở tài chính vững chắc cho việc phát triển và hiện đại hóa cho giáo dục ở tất cả các bậc học nói chung và thực hiện các nhóm mục tiêu chủ yếu của ngành nói riêng. Chưa kể từ nguồn ngân sách trung ương, các địa phương cũng đã đầu tư thêm từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Ước tính của TS Võ Trí Thành cho thấy hàng năm kinh phí từ ngân sách địa phương, huy động từ cộng đồng cho giáo dục đạt từ 25- 33% tổng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại địa phương giai đoạn 2001- 2010.
Chưa tương xứng
Có thể thấy mặc dù NSNN cho giáo dục tăng dần hàng năm, nhưng do quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, nên bình quân chi ngân sách trên đầu học sinh, sinh viên lại tăng không đáng kể.
Mức chi giáo dục bằng ngân sách Nhà nước tính cho 1 học sinh, sinh viên của Việt Nam còn rất thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Ảnh: A.Nhiên |
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mức chi giáo dục bằng NSNN tính cho 1 học sinh, sinh viên Việt Nam còn rất thấp so với một số quốc gia ngay trong khu vực. Chưa kể do điều kiện đặc thù của chúng ta, ngân sách cho ngành lại dành phần lớn để chi cho con người, thực hiện cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp ưu đãi giáo viên, chế độ học bổng... Phần chi khác còn lại hầu như rất ít, không đủ để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, sửa chữa trường lớp...
Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng "học chay", "dạy chay" vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi; cơ sở vật chất trường học xuống cấp nghiêm trọng và kéo dài, nhất là ở những địa bàn khó khăn; bởi lẽ không đủ kinh phí để đầu tư, trong khi các chương trình dự án tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học cũng chỉ có hạn và ưu tiên cho một số vùng nhất định, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chia sẻ khó khăn của ngành GD&ĐT trong việc chưa có được sự đầu tư tương xứng với quy mô phát triển trong tình hình mới, TS Võ Trí Thành cũng thừa nhận thực tế việc phân bổ NSNN cho giáo dục hiện nay vẫn còn những bất hợp lý; đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phố, cũng như đối với các trường thuộc khối đào tạo. Các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự được ưu tiên đúng mức trong việc phân bổ ngân sách. Việc cấp kinh phí đào tạo dựa trên các chuẩn và định mức tổng hợp còn thô sơ, chưa tính toán đầy đủ các nguồn khác cũng như nhu cầu của các trường và cơ cấu giá thành đào tạo, còn thiếu hiệu quả, chưa thật công bằng, chưa khuyến khích được các trường chất lượng cao. Thậm chí, ở một số địa phương, ngân sách dành cho giáo dục không được sử dụng đúng mục đích.
Đáng nói là, những bất hợp lý đó, đều nằm ngoài khả năng điều tiết của ngành, chủ yếu bởi cơ chế chính sách hiện hành gây nên, tác động ngược lại tới yêu cầu phát triển của sự nghiệp GD&ĐT trong tình hình mới. Đơn cử như việc nâng cao đời sống giáo viên để khuyến khích người dạy tâm huyết với nghề, chúng ta có nhiều thảo luận, kiến nghị, nhưng thực tế đến nay thu nhập của đại bộ phận nhà giáo vẫn thấp hơn so với thu nhập của ngành nghề khác (lương bình quân của giáo viên toàn ngành giáo dục, theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 2 triệu đồng/người/tháng), kéo theo sự khó khăn trong đời sống của người giáo viên.
Bên cạnh đó, một thực tế khác đáng quan tâm là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức quy mô bộ máy và tài chính trong các cơ sở giáo dục công lập ở ta hiện nay vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Với nguồn ngân sách cấp hàng năm còn hạn hẹp và mức thu học phí rất thấp, dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục không thể có đủ nguồn lực để bổ sung thu nhập cho giáo viên và tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT như đòi hỏi của xã hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thống kê mới được đưa ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đóng góp của cộng đồng cho giáo dục THCS đã tăng khoảng từ 150 nghìn đồng/học sinh vào năm 2002 lên 300 nghìn đồng/học sinh vào năm 2010. Để hỗ trợ và động viên người dạy, Nhà nước đã ban hành các chính sách tiền lương và phụ cấp theo lương đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, một số chính sách cấp học bổng, miễn giảm học phí và cho vay đi học với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách và người nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện công bằng xã hội. Đánh giá của các chuyên gia cho thấy một số quy định về kiểm tra, giám sát và công khai sử dụng tài chính ở các cơ sở giáo dục bước đầu đã có tác động tích cực đến nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính đầu tư cho GD&ĐT. |
Bắc Sơn