Nguồn gốc thực sự của marathon

GD&TĐ - Người Hy Lạp đã tôn vinh Pheidippides khi thêm cuộc đua marathon vào Thế vận hội cổ đại. Thế nhưng, các nhà sử học không cho là như vậy.

Tranh mô tả người chạy bộ đưa tin chiến thắng từ Marathon về Athens.
Tranh mô tả người chạy bộ đưa tin chiến thắng từ Marathon về Athens.

Về nguồn gốc cuộc đua marathon, nhiều tài liệu kể về Pheidippides, người đưa tin, đã chạy không nghỉ trên một quãng đường dài để thông báo tin chiến thắng của Hy Lạp cổ đại trước quân Ba Tư rồi ngã xuống chết.

Theo truyền thuyết, người Hy Lạp đã tôn vinh ông bằng cách thêm cuộc đua marathon vào Thế vận hội cổ đại. Thế nhưng, các nhà sử học không cho là như vậy.

Ai là người đưa tin chiến thắng?

Những cuộc đua Marathon ở Olympic đã giúp tạo nên sự phổ biến của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này. Năm 1897, Boston Marathon, cuộc chạy đua hằng năm lâu đời nhất, lần đầu tiên được tổ chức.

Trong những năm 1960, chạy bộ bùng nổ, ban đầu ở Mỹ và sau đó là ở châu Âu. Với các yêu cầu kỹ thuật không cao và lợi ích về sức khỏe của nó, chạy bộ thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với môi trường.

Theo nhà sử học cổ đại Herodotus, vào năm 490 trước Công nguyên, thực sự có một người Hy Lạp tên là Pheidippides làm công việc đưa thư trong cuộc chiến chống lại quân Ba Tư.

Ông ta đã thực hiện một cuộc chạy mang tính sử thi nhưng không phải để báo tin chiến thắng trong trận Marathon, mà chỉ nỗ lực truyền lệnh tập hợp quân đội nhằm đánh lui quân Ba Tư.

Herodotus viết rằng, người đưa tin trên đã chạy qua lại 246 km giữa Athens và Sparta trong hơn 36 giờ liền.

Ông đã hoàn thành nhiệm vụ và người Athens giành chiến thắng trước đội quân Ba Tư. Nhưng bất chấp thành tích điền kinh đáng kinh ngạc kể trên, Pheidippides không hề được các nhà chép sử ghi nhận là người đưa tin chiến thắng và đã chết một cách hào hùng.

Thay vào đó, các nguồn thông tin lại mâu thuẫn trong việc xác định tên của người đưa tin chiến thắng: Thersippos hay Eukles? Vào năm 347 Công nguyên, Plutarch đã ghi lại rằng, “Hầu hết đều nói đó là Eukles, người đã chạy với bộ áo giáp nóng bừng sau trận chiến... chỉ thốt lên: ‘Thật hạnh phúc! Chúng ta đã chiến thắng!’ rồi tắt thở ngay”.

Mãi hơn một nghìn năm sau, vào thế kỷ 19, truyền thuyết về Marathon mới được nhắc đến khi Robert Browning, nhà thơ và nhà viết kịch người Anh, viết một bài thơ nổi tiếng, trong đó ám chỉ người chạy đến Athens đưa tin chiến thắng rồi chết vì kiệt sức là Pheidippides. Từ đó, nhiều người mặc định rằng Pheidippides chính là người hùng huyền thoại.

Marathon ra đời như thế nào?

Tuy nhiên, không ai trong số những người đưa tin này truyền cảm hứng cho một cuộc đua tại Thế vận hội cổ đại như truyền thuyết. Mặc dù, những cuộc thi tài Olympic thời cổ có liên quan đến chạy bộ, nhưng với những khoảng cách ngắn, được xác định bởi chiều dài của sân vận động Athens.

Cuộc đua dài nhất chỉ chạy trên quãng đường khoảng 4,5 km (tuy nhiên, điều này cũng không hề dễ dàng: Các nhà sử học cho rằng, trong một cuộc thi các vận động viên chạy bộ đã phải mặc áo giáp nặng 27 kg).

Vậy làm thế nào có cuộc đua marathon với quãng đường chạy được quy định? Các vận động viên hiện nay có thể cảm ơn nhà ngôn ngữ học theo chủ nghĩa cổ điển người Pháp, Michel Bréal về điều này.

Vào những năm 1890, khi tham gia đại hội thành lập Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Bréal đã đề xuất một loạt các cuộc thi quốc tế lấy cảm hứng từ các trò chơi cổ xưa, tổ chức luân phiên giữa các quốc gia bốn năm một lần. Hy Lạp đã phục hồi và tổ chức Thế vận hội của riêng mình trong nhiều năm, nhưng IOC muốn chính thức hóa sự kiện này như cuộc thi tài giữa các quốc gia.

Bréal gợi ý một trong những môn thi là cuộc chạy bộ từ Marathon đến Pnyx - nơi người Athens cổ đại thường tổ chức các buổi họp mặt đông đảo nhất của họ - một quãng đường dài 40 km, hay 24,85 dặm. Ý tưởng của Bréal lấy cảm hứng từ người đưa tin chiến trận thời cổ đại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Pierre de Coubertin, nhà sáng lập Olympic hiện đại, cũng như nhiều người Hy Lạp khác.

Chạy marathon ngày càng phổ biến trên thế giới.

Chạy marathon ngày càng phổ biến trên thế giới.

Không ngừng phát triển

Tại Thế vận hội mùa Hè 1896 ở Athens, 17 vận động viên môn chạy tranh tài trên đường đua từ Marathon về sân vận động Panathenaic ở Athens, với khoảng cách 40 km (những người Hy Lạp thực ra đã tổ chức hai cuộc chạy thử trên quãng đường này từ tháng trước).

Người giành chiến thắng là Spiridon Louis, vận động viên của nước chủ nhà, tạo niềm hân hoan trên khắp Hy Lạp. Theo sau sự thành công của cuộc đua đầu tiên, Marathon nhanh chóng trở thành môn thi tài có nhiều người tham gia nhất của Olympic.

Chỉ đến năm 1908, cuộc đua mới được mở rộng đến 40,195 km, thể hiện sự tôn trọng đối với Hoàng gia Anh. Thế vận hội lần đó được tổ chức tại London, và quãng đường chạy Marathon được “tùy ý” kéo dài để Vua Edward VII và Hoàng hậu Alexandra có thể dễ dàng quan sát vạch đích từ chỗ ngồi hoàng gia.

Người về đầu trong cuộc đua Marathon dài thêm đó, đầu bếp bánh ngọt người Italy, Dorando Pietri, được cho là đã ngã năm lần vì kiệt sức trên đường chạy. Do các nhà tổ chức lo lắng vận động viên có thể chết trước sự hiện diện của hoàng gia nên đã ra sân để giúp sức anh.

Vì vậy, kết quả này bị hủy và người về đích thứ hai, vận động viên Mỹ, John Hayes, được tuyên bố là người chiến thắng. Tuy nhiên, công chúng tỏ ra thông cảm với Pietri và anh được nhận huy chương đặc biệt từ Hoàng gia. Kết thúc kịch tính này khiến cả hai người trở nên nổi tiếng và cuộc đua dài 42,195 km được áp dụng kể từ đó.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ