Sau khi Mỹ tham gia cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai, công ty con của Coca-Cola tại Đức không còn được nhập nguyên liệu cần thiết để sản xuất Coke nữa và Fanta ra đời như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, lịch sử hình thành của nhãn hiệu này phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ.
Đôi nét về Coca-Cola
Coca-Cola được phát minh vào năm 1886 bởi Dược sĩ John Stith Pemberton. Đây là loại nước giải khát được làm bằng lá coca - loại lá được sử dụng để sản xuất chất ma túy gây nghiện cao, cocaine. Mặc dù ngày nay Coca-Cola hoàn toàn không có cocaine nhưng công thức ban đầu của nó có chứa một lượng nhỏ chất này.
Pemberton vốn là một cựu binh thuộc Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến ở Mỹ. Sau khi bị một vết thương do dao đâm trong trận chiến, ông được điều trị bằng morphine và nhanh chóng bị nghiện.
Khi phát minh Coke, Pemberton không có ý định tạo ra loại nước giải khát phổ biến nhất thế giới như ngày nay, mà chỉ muốn tìm kiếm một loại thuốc giảm đau thay thế cho morphine. Đặt tên sản phẩm là “Coca-Cola” vì nó được làm từ lá coca và hạt cola, đầu tiên ông bán nó tại một hiệu thuốc địa phương ở Atlanta với giá 5 xu một ly.
Pemberton không ngờ đó là một thành công lớn. Trong vòng chưa đầy một thập niên, Coca-Cola có thể được tìm thấy ở mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ, rồi mở rộng sang thị trường châu Âu vào năm 1920.
Đến năm 1929, Coca-Cola đã thiết lập một cơ sở đóng chai và tiếp thị sản phẩm nước giải khát này ở Đức. Phụ trách Coca-Cola Deutschland là Ray Rivington Powers, một người Mỹ xa xứ có phong cách bán hàng lôi cuốn.
Thế nhưng ông ta lại kém kỹ năng trong việc ghi sổ sách kế toán nên thường xuyên không thanh toán các hóa đơn đúng hạn, khiến công ty con ở Đức rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính.
Sau đó, vào năm 1933, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Adolf Hitler được bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức và Max Keith tiếp quản Coca-Cola Deutschland. Là một doanh nhân gốc Đức, ông luôn cống hiến hết mình cho Coca-Cola, quyết tâm sắp xếp lại công ty.
Nền kinh tế Đức lúc này đang bùng nổ tăng trưởng, từ đó một niềm tự hào dân tộc mới gia tăng trong người dân. Keith biết rằng, để bù đắp lỗ hổng tài chính mà Powers gây ra cho Coca-Cola, ông phải tận dụng tinh thần dân tộc đó và tiếp thị Coca-Cola như một loại đồ uống xứng đáng được người dân Đức tiêu thụ.
Đối với Công ty Coca-Cola ở Mỹ do Robert Woodruff đứng đầu vào thời điểm đó, kinh doanh là kinh doanh. Họ, giống như nhiều công ty Mỹ khác, thường nhắm mắt làm ngơ trước những lời lẽ ngày càng mang tính bạo lực của Hitler để duy trì hoạt động, thu lợi nhuận.
Mặc dù Keith chưa bao giờ gia nhập Đảng Quốc xã nhưng ông thấy không có vấn đề gì khi sử dụng ảnh hưởng của đảng này để phát triển thương hiệu Coca-Cola. Nhưng tình hình trở nên phức tạp đối với Keith vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, khi Nhật Bản phát động cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng.
Dược sĩ John Stith Pemberton, người phát minh Coca-Cola. |
Fanta ra đời
Với việc Hoa Kỳ đang chiến đấu chống lại các cường quốc phe Trục trong Thế chiến thứ Hai, các công ty Mỹ không thể tiến hành kinh doanh trên lãnh thổ của kẻ thù. Trụ sở chính của Coca-Cola ở Atlanta đã phải cắt đứt liên lạc với Max Keith và ngừng gửi hương liệu tuyệt mật cho công ty con ở Đức.
Keith giờ đây rơi vào tình thế khó khăn: Không thể sản xuất Coke và có nguy cơ mất công ty nếu Chính phủ Đức Quốc xã trưng thu nó. Ông ta cần một cái gì đó mới, một cái gì đó dành riêng cho thị trường Đức.
Keith tập hợp các nhà hóa học và nghĩ ra một công thức tận dụng những gì có thể cho loại nước giải khát. Đó là sợi và bột táo từ quá trình ép rượu táo, đường củ cải, vỏ trái cây và váng sữa. Về cái tên, Keith đề nghị nhóm hãy phát huy hết những tưởng tượng của họ. Và một nhân viên bán hàng tên là Joe Knipp đã nghĩ ra “Fanta”.
Mặc dù công thức ban đầu của Fanta có thể không sánh bằng Coca-Cola mà mọi người đã quen, nhưng nó vẫn bán rất chạy. Điều này có thể là do thời điểm đó khó có các lựa chọn khác nên Fanta trở thành đồ uống ngọt ngào nhất hiện có.
Về cơ bản, Keith đã tiếp quản các cơ sở Coca-Cola khác ở châu Âu nên ông có thể phân phối Fanta khắp lục địa, giúp các công ty con khác không phải đóng cửa. Thời điểm chiến tranh kết thúc, chi nhánh ở Đức đã bán được khoảng ba triệu thùng Fanta.
Khi quân Đồng minh chiến thắng trước phe Trục, Max Keith đã chuyển lợi nhuận từ Fanta cho trụ sở Coca-Cola ở Atlanta. Công ty ca ngợi ông như một anh hùng vì đã duy trì hoạt động kinh doanh ở châu Âu trong thời gian chiến tranh. Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi ông đã được trao quyền chỉ huy Coca-Cola ở châu Âu.
Coca-Cola cũng nhanh chóng nắm bản quyền thương hiệu Fanta. Vào tháng 4 năm 1955, họ giới thiệu Fanta ở Ý dưới dạng soda có hương cam. Ba năm sau, nó quay trở lại Hoa Kỳ và vẫn được mọi người trên khắp thế giới yêu thích cho đến ngày nay.
Lịch sử hình thành của Fanta có liên quan đến Đức Quốc xã vẫn không ngăn cản mọi người uống nó. Trong những năm qua, nó đã tiếp tục phát triển và không ngừng sáng tạo, cho ra đời một danh mục hương vị mới và mở rộng sang các quốc gia trên toàn thế giới.
Cho dù có giai đoạn từng chịu ảnh hưởng của Đức Quốc xã, Coca-Cola vẫn luôn tìm cách tách mình ra khỏi Đế chế thứ ba. Trong dịp lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Fanta diễn ra vào năm 2015, công ty đã tung một quảng cáo đề cập đến “Good Old Times” (Thời huy hoàng xưa) dẫn đến sự phản ứng dữ dội, vì nhiều người cho rằng nó ám chỉ nước Đức thời Thế chiến thứ Hai... Sau đó, công ty đã phải rút lại quảng cáo này.