Nguồn động viên quý giá

GD&TĐ - Là người Ê-đê, gia đình dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng H Hân Ri Niê, HS lớp 4A Trường Tiểu học Lê Lợi, buôn M’ Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar (Đắk Lắk) vẫn nhiệt tình tham gia phong trào nuôi heo đất của trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những đóng góp nhỏ bé, mỗi lần dù chỉ là 1 - 2 nghìn đồng của H Hân Ri Niê trong cả năm học góp phần giúp các bạn khó khăn hơn mình - trong đó có Vi Thị Trà My, lớp 5B, người Nùng đang bị bệnh u máu - có cái Tết ấm áp hơn. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trường Tiểu học Lê Lợi có 63 học sinh được nhận những món quà tình nghĩa từ phong trào tiết kiệm nuôi heo đất, kế hoạch nhỏ, quỹ nhân đạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và các nhà hảo tâm. Với đặc thù 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, mỗi năm thầy cô Trường Tiểu học Lê Lợi đều trích 120 nghìn đồng từ tiền lương để đóng góp cho quỹ nhân đạo nhằm đỡ đầu một học sinh hoàn cảnh đặc biệt và tặng quà một số em khó khăn khác.

Trước đây, vào thời điểm này, không khí xuân đã tưng bừng ở từng trường, lớp học. Các hoạt động vui đón xuân được thầy trò hân hoan chuẩn bị, tổ chức với nhiều hình thức phong phú: Nào là ngày hội xuân; chương trình xuân yêu thương; gói bánh chưng, bánh tét… Đây đồng thời là hoạt động ngoại khóa hết sức ý nghĩa để thầy trò thêm gắn kết; học sinh hiểu hơn, yêu hơn Tết truyền thống, cũng như nét đẹp văn hóa của dân tộc...

Dịch bệnh khiến những dự định tổ chức hoạt động vui xuân đành tạm gác lại; tuy nhiên sự quan tâm đến học trò, nhất là học trò nghèo trước Tết được chăm chút hơn. Câu chuyện tại Trường Tiểu học Lê Lợi chỉ là một ví dụ cho rất, rất nhiều những cách làm mang đậm tính nhân văn đã và đang được triển khai sôi động tại các trường học trên cả nước dịp Tết đến, xuân về. Trong đó có những cách làm khá quen thuộc, các mô hình tiết kiệm được nhân rộng như “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình bạn”…

Nhiều năm qua, song song với nhiệm vụ giáo dục, công tác chăm lo, đỡ đầu học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm đặc biệt và trở thành nét đẹp nhân văn tại mỗi cơ sở giáo dục. Hoạt động chăm lo, san sẻ khó khăn với học sinh càng được quan tâm hơn khi dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến đời sống của cả thầy và trò; trong đó học sinh nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương.

Những món quà tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng đong đầy tình yêu thương là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với học trò nghèo khi bước vào năm mới. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự bao bọc, sẻ chia, quan tâm bằng hành động thiết thực cũng chính là bài học giáo dục đạo đức sinh động nhất đối với mỗi học trò. Sự quan tâm, tình yêu thương còn là cách “giữ chân” học sinh hiệu quả, để các em mong ngóng được quay trở lại ngôi nhà thứ 2 sau kỳ nghỉ Tết dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.