Cuộc hôn nhân định mệnh
Bà Nị từng bị gia đình ngăn cản, dọa sẽ từ mặt khi đưa người yêu là một thanh niên tàn tật, ngồi trên xe lăn về ra mắt gia đình. Họ cho rằng một cô gái xinh đẹp, con nhà giàu lại được ăn học đàng hoàng như bà Nị thiếu gì đàn ông bình thường, khỏe mạnh, có công ăn việc làm ổn định theo đuổi.
Ai cũng bảo bà dại gì không chọn những người ấy mà lại quyết định gắn bó cả cuộc đời với một người đàn ông mà ngay cả khi ăn cũng phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ người khác. Thế nhưng vì tình yêu, bà Nị bất chấp.
Chồng bà, ông Trương Quang Thứ (SN 1951) sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, quanh năm gắn bó với đồng ruộng.
Ông sinh ra vốn là người bình thường, khỏe mạnh. Nhưng đến năm 21 tuổi, trong một lần cùng mẹ lên rừng chặt củi, chàng thanh niên trẻ bị một mảnh bom vướng vào chân.
Chỉ sau một thời gian ngắn, vết thương bị nhiễm trùng, di chứng làm cột sống của Thứ tê liệt dần. Từ một chàng trai khỏe mạnh, Thứ trở thành phế nhân, chỉ biết nằm một chỗ.
Nuôi hi vọng nhìn thấy con trai có thể đi lại bình thường, năm 1976, gia đình Thứ khăn gói đưa con ra bệnh viện Hà Bắc cũ (nay là Hà Giang) để điều trị. Cũng chính nơi này, chuyện tình của chàng trai tàn tật với tiểu thư nhà giàu bắt đầu nảy nở.
“Tôi không ngờ một người kém may mắn như mình lại gặp được bà ấy. Để chăm sóc tôi, bà ấy phải hi sinh tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời. Suốt 40 năm chung sống, vợ chồng tôi có đến 3 cậu con trai, 3 con dâu và cả một đàn cháu, không hạnh phúc nào bằng”, Hướng đôi mắt về phía người vợ bằng tất cả lòng biết ơn, ông Thứ chia sẻ.
Ông Thứ và bà Nị tình cờ gặp nhau trong một lần bà Nị vào bệnh viện thăm cô bạn gái học cùng trường cao đẳng đang điều trị cùng phòng. Hình ảnh chàng thanh niên khuôn mặt sáng, nụ cười tươi, hài hước nhưng phải nằm một chỗ đã để lại ấn tượng trong lòng cô nữ sinh.
Nị đến bệnh viện thường xuyên, hai người trở nên thân thiết. Trong những lần người thân của Thứ về quê, Nị nhận lời đến chăm sóc. Hai người nhanh chóng tìm được tiếng nói chung rồi yêu nhau lúc nào không hay.
Vì tình yêu, Thứ gạt bỏ những tự ti, mặc cảm của bản thân, ngỏ lời cùng Nị. Hạnh phúc chợt vỡ òa khi tình yêu của chàng trai khiếm khuyết được cô nữ sinh xinh đẹp chấp nhận.
Cuối năm 1977, vượt qua mọi rào cản, cô “tiểu thư” bỏ lại tương lai, gia đình cũng những dự định tốt đẹp trong cuộc sống để cùng người yêu tàn tật nên nghĩa vợ chồng.
3 lần đẻ rớt
Bà Nị vốn là gái phố, chưa bao giờ ra đồng cấy lúa hay xuống biển cào ngao. Nhưng rồi những công việc vất vả ấy dần được bà Nị làm một cách thành thục. Bà thức khuya dậy sớm đi cuốc đất, cấy thuê. Chiều đến lại tranh thủ ra biển cào ngao để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Tối về lại tất tả lo cơm nước, tắm rửa cho chồng, con.
Công việc hàng ngày của người đàn bà cứ trải dài như vậy khiến bà không có thời gian để nghỉ ngơi. Cũng chính vì vậy mà 3 đứa con trai của bà lúc sắp sinh thì cả 3 đều đẻ rơi ngay khi bà vẫn đang làm việc, chưa kịp tới bệnh viện.
“Biết mình chuyển dạ nhưng tôi vẫn gắng làm thêm chút nữa để an tâm nằm cữ khi sinh. Không ngờ lại đẻ rơi con như vậy. Trong 3 lần sinh con, lần đầu tôi được ở cữ lâu nhất là một tháng vì khi đó mẹ chồng còn sống, thường qua lại giúp đỡ. Đến con thứ 2, thứ 3 thì tôi chỉ chờ cho ráo huyết là dậy đi làm. Nằm một chỗ cũng lo chồng, lo con không ai chăm sóc”, bà Nị chia sẻ.
Nhìn vợ vất vả sớm hôm, ông Thứ quyết tâm tự rèn luyện cơ thể để có thể bước đi trên đôi chân của mình. Sau bao nhiêu năm cố gắng, niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi ông đã tự bước đi những bước đầu tiên, cho dù những bước rất khó khăn và phải nhờ vào sự trợ giúp của chiếc nạng gỗ.
Sau bao năm lam lũ, giờ đây, những người con của bà Nị đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, yên bề gia thất. Căn nhà nhỏ chỉ còn lại hai mái đầu bạc, sớm tối thui thủi bên nhau.
Dù không còn vất vả như trước nhưng vốn tính cần cù, chịu khó, hàng ngày người dân địa phương vẫn thấy bà Nị quang gánh hai vai gánh hàng mã ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
Với lòng biết ơn, ông Thứ bày tỏ: “Trên đời này khó kiếm được người phụ nữ nào giàu đức hi sinh và yêu thương chồng, con như bà nhà tôi. Suốt cuộc đời này tôi mang ơn bà ấy. Cám ơn bà ấy đã cho tôi một mái ấm gia đình trọn vẹn”.