Người vợ hai lần liều mình cứu chồng thoát chết

GD&TĐ - Trong cuộc nội chiến Mỹ, Thiếu tướng Frank Barlow từng hai lần bị thương nặng, bác sĩ kết luận không qua khỏi.

Tranh vẽ Arabella chăm sóc chồng, Frank, tại quê nhà ở New Jersey.
Tranh vẽ Arabella chăm sóc chồng, Frank, tại quê nhà ở New Jersey.

Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc của người vợ là quân y, ông đều bình phục và tiếp tục chiến đấu.

Cuộc tình bị chia cắt

Năm 1846, ở tuổi 22, Arabella Griffith chuyển từ vùng nông thôn bang New Jersey lên New York, Mỹ, để làm gia sư. Khi đó, Arabella là cô gái giản dị, còn nhiều bỡ ngỡ trước cuộc sống đô thị lộng lẫy, hào nhoáng.

Nhưng nhờ tính cách thông minh, táo bạo, Arabella nhanh chóng làm quen và thân thiết với nhiều nghệ sĩ, nhà văn, chính trị gia trong giới thượng lưu New York. Người bạn của Arabella, George Templeton Strong miêu tả:

“Arabella là người phụ nữ xuất chúng, có học thức, duyên dáng, khéo léo nhất trong những người phụ nữ tôi từng gặp. Cô ấy đọc nhiều, suy nghĩ và quan sát rất tỉ mỉ”.

Sau gần 20 năm sống tại New York, Arabella được bạn là nghệ sĩ Winslow Homer giới thiệu một người họ hàng xa, Francis Barlow, còn gọi là Frank. Chàng trai sinh vào tháng 10/1834 tại Brooklyn, New York và kém Arabella 10 tuổi. Thời điểm đó, Frank là luật sư cho Tòa án bang New York. Dù chênh lệch tuổi tác, ngay từ lần gặp đầu tiên, hai người đã nói chuyện rất ăn ý, thân mật. Cặp đôi kết hôn vào ngày 20/4/1861.

Chân dung Arabella..

Chân dung Arabella..

Thời điểm đó, Mỹ đang xảy ra nội chiến. Sau khi Tổng thống Lincoln đắc cử vào năm 1860, 11 bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam Mỹ tuyên bố ly khai và lập ra Liên minh miền Nam. 25 bang còn lại ủng hộ chính phủ gọi là Liên bang miền Bắc. Kể từ đó diễn ra cuộc chiến phân tranh Nam – Bắc. Tổng thống Lincoln đã ra lời kêu gọi thanh niên gia nhập quân đội.

Ngay sau khi kết hôn, Frank đã đáp lại lời kêu gọi tình nguyện của Tổng thống Lincoln và gia nhập Quân đội Liên minh dù chưa có kinh nghiệm quân sự. Quyết định của ông nhận được sự ủng hộ của vợ Arabella.

Trong khi đó, George Templeton Strong đồng sáng lập Ủy ban Vệ sinh Hoa Kỳ (USSC) nhằm chăm lo vệ sinh trong các doanh trại quân đội cũng như chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến. Arabella khi ấy đã xa chồng một thời gian. Nhận thấy đây có thể là cơ hội để ở gần và sát cánh với chồng trong cuộc chiến gian khổ, Arabella quyết định gia nhập USSC.

Mùa Hè năm 1862, Arabella cùng các thành viên mới của USSC ra tiền tuyến. Bà chỉ mang theo một vài bộ quần áo giản dị cùng niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được đoàn tụ với chồng. Thời điểm đó, bà không ngờ mình sẽ dành toàn bộ cuộc đời còn lại để chăm sóc những người lính bị thương trong nội chiến.

Sau khi gia nhập Liên minh miền Bắc, Frank đã tham gia cuộc chiến tại Thung lũng Shenandoah và trong chiến dịch Bán đảo dưới sự chỉ huy của Tướng George B. McClellan. Sự dũng cảm và phẩm chất lãnh đạo của Frank nhanh chóng được ghi nhận. Ngày 14/4/1862, Frank được thăng cấp đại tá.

Hội ngộ trên chiến trường

Chân dung Frank Barlow.

Chân dung Frank Barlow.

Khi Arabella ra chiến trường, quân đội đã bỏ xa các bệnh viện dã chiến. Vì vậy, cơ hội Arabella có thể gặp chồng là rất nhỏ. Dù thế, bà không ngừng hy vọng và tiếp tục cống hiến cho nhiệm vụ chăm sóc binh sĩ bị thương.

Và rồi ngày 17/9/1862, tại Antietam, Frank bị thương ở mặt và đùi do trúng đạn. Arabella đang ở Baltimore. Nghe tin chồng bị thương nặng, cô vội vàng theo binh lính di chuyển đến Antietam để chăm sóc chồng.

Mặc dầu phải vượt qua nhiều vùng chiến sự, nguy hiểm cận kề nhưng Arabella không ngại gian khổ. Cô hành quân cùng những người lính, đồng thời, chăm sóc những người bị thương trong quá trình hành quân.

Đến Antietam, Arabella tiến thẳng vào bệnh viện dã chiến. Frank lúc này đã hôn mê. Được sự cho phép của cấp trên, Arabella ngày đêm túc trực bên chồng. Cô cũng tham gia điều trị cho nhiều binh lính khác trong bệnh viện.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của người vợ thân yêu, Frank dần tỉnh lại và có thể giao tiếp bình thường. Sau khi Frank xuất viện, Arabella đã sắp xếp cho chồng nghỉ ngơi tại một lán nhỏ trong quân đội. Ông mất 7 tháng để bình phục hoàn toàn.

Vì thành tích trong cuộc chiến tại Antietam, Frank được thăng cấp lên lữ đoàn trưởng. Ông trở lại phục vụ quân đội vào ngày 17/4/1863, đúng lúc diễn ra các trận đánh lớn. Còn Arabella ở lại hoạt động tại Antietam.

Trong trận Chancellorsville, Frank chỉ huy lữ đoàn Quân đoàn XI trong Quân đoàn III của Tướng Daniel Sickles. Lữ đoàn của ông là lữ đoàn duy nhất còn sống sót sau cuộc tấn công bất ngờ của Liên minh miền Nam.

Trong cuộc chiến, Frank không bị thương. Thừa thắng xông lên, ngày 1/7/1863, ông chỉ huy một lữ đoàn tiến về Gettysburg, nằm bên phải phòng tuyến liên bang, một trong những ranh giới Nam – Bắc của hai phe.

Vị trí của lữ đoàn bị phát giác, họ bị phe đối lập tấn công dữ dội từ nhiều phía. Frank cùng các đồng đội đã chiến đấu quyết liệt. Nhiều binh sĩ đã ngã xuống, bản thân Frank cũng bị thương nặng. Họ cố gắng rút lui về phía Nam nhằm kéo dài thời gian đợi quân cứu viện. Lúc này, Tướng John Brown Gordon kịp thời có mặt, phá vỡ vòng vây và cứu được Frank đang hấp hối.

Trước khi hôn mê, Frank nói với Tướng Gordon rằng vợ ông làm y tá cho Quân đội Liên minh và nhờ ông báo cho Arabelle biết chồng bà đang bị thương nặng. Tướng Gordon lập tức đưa Frank, trong tình trạng thoi thóp, về doanh trại của phe liên minh và cử người truyền tin cho Arabella tại Antietam.

Arabella (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng người dân và binh sĩ bị thương tại chiến trường.

Arabella (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng người dân và binh sĩ bị thương tại chiến trường.

Bất chấp hiểm nguy

Hay tin, Arabella lập tức lên đường tiến về Gettyburgs, khu vực bị phe đối lập chiếm đóng. Arabella từng cứu mạng Frank một lần nên bà quyết tâm tìm chồng một lần nữa, bất chấp rủi ro. Giữa mưa bom đạn lạc, Arabella vẫn không ngừng thúc ngựa đi về phía hiểm nguy, nơi chồng bà đang rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Hàng ngày, lính bắn tỉa sẽ đứng trên các ngọn đồi cao, quan sát và nã súng vào bất kỳ thứ gì di chuyển trên đường phố. Để qua mắt phe đối lập, Arabella thường trà trộn vào các nhóm thường dân vào ban ngày và di chuyển vào ban đêm. Đôi lúc bà xin tá túc tại nhà những người dân lương thiện.

Khi được hỏi, bà nói rằng mình đang đi tìm chồng, là một binh sĩ bị thương nằm đâu đó ở Gettyburgs. Cảm động trước tình yêu mà Arabella dành cho chồng, nhiều người dân đã giúp bà giấu thân phận khỏi phe đối lập, đưa bà đi qua nhiều vùng chiến sự cam go, khốc liệt. Cuối cùng, Arabella cũng tìm được đến doanh trại của phe Liên minh miền Bắc.

Khi đó, Frank đã được 4 bác sĩ phẫu thuật điều trị nhưng tình trạng của ông được cho là “ngàn cân treo sợi tóc” và khả năng cao là không qua khỏi. Dù vậy, Arabella không bỏ cuộc. Bà đã kiên trì chăm sóc cho chồng cùng nhiều binh sĩ khác dưới cái nắng gay gắt, thuốc men và vật tư khan hiếm.

Đến đầu tháng 8, Frank đã tỉnh lại nhưng sức khỏe còn rất yếu. Một viên đạn vẫn nằm ở vị trí nguy hiểm liên tục gây ra những cơn đau tê dại. Thời điểm đó, chiến trường Gettyburgs đã bớt khốc liệt, việc vận chuyển thương binh được nới lỏng. Khi Frank khỏe hơn một chút, Arabella quyết định đưa chồng đến Baltimore và nhờ bác sĩ giỏi nhất ở đó gỡ viên đạn ra.

Sau đó, Arabella đưa chồng về lại quê hương Somerville, New Jersey để hồi phục sức khỏe. Thời gian này, họ đã có những giây phút bình yên ngắn ngủi. Cả hai như được trở về là đôi vợ chồng mới cưới, dành thời gian ở bên nhau và chăm sóc lẫn nhau.

Đến đầu năm 1864, Frank hoàn toàn bình phục và trở lại chiến đấu cho Liên minh miền Bắc. Sư đoàn của ông đã dẫn đầu cuộc tấn công vào căn cứ của phe đối lập tại Richmond. Cùng lúc đó, Arabella quay lại làm việc tại USSC.

Phía sau một vị tướng

Ngôi mộ của Arabella tại Washington, Mỹ.

Ngôi mộ của Arabella tại Washington, Mỹ.

Sang tháng 6/1864, Frank cùng lực lượng liên bang chiến đấu với phe đối lập ở Overland còn Arabella cùng các thành viên USSC công tác tại thị trấn Fredericksburg, cách đó vài cây số. Nơi đây là trạm tiếp nhận những binh sĩ bị thương trong các trận chiến gần đó.

Được một người nông dân tặng cho xe ngựa nhỏ, Arabella thường di chuyển khắp các thị trấn để tìm kiếm lương thực và vật tư cần thiết cho người bị thương. Do di chuyển nhiều cùng với thời tiết mùa Hè nắng nóng, Arabella bị ốm nặng. Bà vẫn kiên trì làm việc cho đến khi bị ngất. Frank đã chuyển bà đến nhà một người bạn ở thành phố Washington để dưỡng bệnh.

Ở cách xa nhau, Frank vẫn tin rằng vợ mình sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, Arabella mắc bệnh thương hàn. Dù cô được bạn bè, y bác sĩ chăm sóc tận tình nhưng bệnh tình nặng, cộng với cuộc sống ngoài chiến trường nhiều thiếu thốn khiến sức đề kháng của Arabella bị suy giảm nghiêm trọng. Ngày 27/7/1864, Arabella qua đời tại một bệnh viện dã chiến ở Washington.

Tin tức về cái chết của người vợ thân yêu hoàn toàn đánh gục Frank, một vị tướng chưa từng gục ngã. Ông xin nghỉ phép để về Washington làm đám tang cho vợ mình.

Ngày 1/8/1864, Frank được phong quân hàm Thiếu tướng. Tuy nhiên, tâm trí ông không còn ở trên chiến trường. Frank mất nhiều tháng để lấy lại tinh thần. Ông không muốn trở về nhà, nơi còn lưu giữ quá nhiều kỷ niệm của hai người. Còn nếu ra chiến trường, ông lại nhớ đến hình ảnh người vợ trong trang phục y tá tận tình chăm sóc binh lính bị thương.

Frank giao lại quyền kiểm soát sư đoàn cho đồng đội, rồi sang châu Âu một thời gian để nguôi ngoai cảm xúc. Khi về nước, ông đã trở nên cứng rắn, mạnh mẽ hơn nhưng không còn nhắc đến tên Arabella. Ông đã trở thành một con người khác. Sau này, các đồng đội của ông kể lại rằng họ sợ Frank mất trí.

Arabella là sức mạnh, nguồn cảm hứng để Frank phụng sự tổ quốc. Bà đã cứu ông hai lần, bất chấp các bác sĩ tin rằng ông sẽ không qua khỏi. Để đất nước thống nhất, nhiều sĩ quan đã hi sinh thân mình. Còn với Frank, ông đã mất đi người vợ yêu dấu, người sẵn sàng lao vào hiểm nguy để chăm sóc và bảo vệ ông.

Ngày 16/11/1865, Frank từ chức và rời khỏi quân đội. Khi chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục hành nghề luật sư tại New York. 2 năm sau, ông tái hôn với Ellen Shaw và có 3 người con. Frank qua đời ngày 11/1/1896. Thế nhưng câu chuyện tình bền đẹp vượt qua bom đạn giữa ông và Arabella vẫn còn tồn tại, được hậu thế nhắc đến như một trong những chuyện tình đẹp nhất lịch sử chiến tranh Mỹ.

Theo Women History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.