Sau khi Honda Việt Nam giới thiệu cùng lúc 3 mẫu xe mới Vision 2014, MSX 125 và Blade, đến nay có hai sản phẩm đã được chính thức được bày bán tại các đại lý. Tuy nhiên, những mẫu xe mới này đều bị các đại lý làm giá, đắt hơn giá của nhà sản xuất đưa ra từ 2 - 3 triệu đồng mỗi chiếc.
Mẫu xe mới của Honda - MSX vừa ra mắt đã bị đại lý nâng giá
Tại một số cửa hàng ở Hà Nội, số lượng MSX 125 khá ít, mỗi cửa hàng chỉ có khoảng một hoặc hai xe, chủ yếu là màu xanh. Hai màu đỏ và trắng vẫn chưa có mặt.
Mức giá đại lý đưa ra là 62 triệu hoặc 63 triệu đồng, cao hơn giá đề xuất của Honda Việt Nam khoảng 3 triệu đồng. Cùng với đó, mẫu Vision 2014 cũng được bán cao hơn giá đề xuất khoảng 2 triệu đồng.
Không chỉ có những mẫu xe mới ra bị đẩy giá lên cao, thời gian qua, một loạt mẫu xe tay ga khác của Honda Việt Nam cũng đã bị đẩy giá lên.
Chẳng hạn, mẫu Lead đang được các đại lý đẩy giá lên cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng, SH 125i cao hơn khoảng 2 triệu đồng, SH Mode cao hơn từ 3 - 4 triệu đồng so với giá đề xuất.
Sau một thời gian dài rơi vào tình cảnh khó khăn, tiêu thụ chậm, giá bán giảm, từ giữa tháng 8 đến nay, một số mẫu xe máy lại được cớ vọt lên trên giá đề xuất chính hãng khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi bức xúc.
Số tiền chênh lệch này đi đâu? Ai sẽ là người được hưởng lợi? Câu trả lời tất nhiên là các cửa hàng do Honda ủy quyền. Nhà sản xuất đưa ra giá đề xuất và đó là giá để họ đã tính đến các khoản chi phí, hoa hồng dành cho người phân phối rồi. Rõ ràng các hãng đã tự đưa mức giá này để ăn chênh, trục lợi.
Ở thời điểm hiện tại, chẳng có lý gì để các đại lý tự ý tăng giá bán và đổ thừa cho chuyện “khan hàng, hiếm xe”
Đại diện Công ty Honda cho biết sản xuất của doanh nghiệp này vẫn ổn định và không có chuyện thiếu xe. Không những thế, Honda Việt Nam đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất giảm xuống còn 1,85 triệu chiếc trong năm 2014, thấp hơn so với 1,95 triệu chiếc của năm 2013 do tiêu thụ xe vẫn giảm.
Vì thế, chẳng có lý gì để các đại lý tự ý tăng giá bán và đổ thừa cho chuyện “khan hàng, hiếm xe”.
Người ta đã phát chán khi cứ đọc đi, đọc lại mấy cái tin xe máy bị làm giá. Người ta cũng đã quá quen với việc “đặt gạch” để mua xe, quen với việc bỗng dưng bỏ thêm hàng triệu chỉ để mua được mẫu xe mới. Quen quá, quen đến nỗi người ta cho đó là chuyện bình thường. Kêu thì cứ kêu, nhưng chấp nhận mua thì vẫn chấp nhận.
Chuyện các đại lý lấy lí do khan hàng để nâng giá, ai cũng biết. Chuyện Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chẳng có mấy vai trò trong chuyện này, ai cũng hay.
Biết đấy, hay đấy, nhưng sao lại không tự bảo vệ mình, sao lại để tình trạng tăng giá, loạn giá xe tồn tại ngần ấy lần, chừng ấy thời gian!?
Nhiều mẫu xe máy bán ra thị trường với giá cao hơn một phần cũng do tâm lý người tiêu dùng
Xét đi, xét lại hóa ra người tiêu dùng cũng cần tự trách mình. Tình trạng các Hãng xe tung ra xe mới rồi làm giá, các đại lý xe lợi dụng cơ hội mà tăng giá, rồi cứ được đà thế mà 5 lần 7 lượt làm tới âu cũng có nguyên nhân xuất phát từ người tiêu dùng.
Cái kiểu của ta là cứ “mạnh tiền ai người đấy tiêu”, cùng đổ xô vào mua 1 mẫu xe theo “mốt”, đâm ra cũng góp phần gây loạn giá. Cái kiểu của ta là tâm lý nóng vội có xe ngay, sự thỏa hiệp trước sự nâng giá vô tội vạ của người bán xe khiến giá xe vẫn loạn.
Đôi khi, việc đó còn nằm ở bệnh thích sĩ diện của người Việt, ta có nhiều tiền nên tội gì ta không mua ngay mẫu xe mới ra cho oai, đắt thêm chục triệu cũng mua. Nhưng vài hôm sau hết loạn, thì cả chục triệu đổi lấy cái oai này có đáng không, hay còn bị người khác chê thế là kém!?.
Một số ý kiến cho rằng, thị trường xe máy đang ăn theo tâm lý đám đông. Tâm lý chung của khách hàng Việt Nam với nhiều sản phẩm, trong đó có xe máy, khi giá giảm chẳng ai mua vì nghĩ sẽ còn giảm nữa, nhưng khi thấy tăng là tranh nhau mua do lo sợ tăng cao. Đánh vào tâm lý này, các đại lý đã đẩy giá một số mẫu xe có nhiều người quan tâm lên để hưởng lợi.
“Ta kêu nhưng ta vẫn mua, ta mua xong ta lại kêu” nó là ở chỗ đó.