(GD&TĐ) - Câu chuyện về phân luồng học sinh sau trung học đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với những người đã chọn con đường học nghề họ nghĩ gì và nói gì về sự lựa chọn của mình?
Trần Phương Tùng |
“Đã đúng khi chọn con đường nghề”
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì sức học có hạn nên Trần Phương Tùng (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) học xong lớp 9 có ý định nghỉ học để đi làm công ăn lương tại một công ty chế biến, sản xuất gỗ ở Bình Dương. Khi Tùng chuẩn bị khăn gói lên đường thì được thầy cô của trường THCS động viên nên chọn theo hướng đi học nghề và cố gắng theo học hệ GDTX để tốt nghiệp THPT.
Sau khi được tư vấn, Tùng về bàn với gia đình và quyết định theo học lớp nghề sơ cấp may công nghiệp trường Trung cấp nghề Thới Lai. Thời gian vừa học nghề vừa học hệ GDTX rất vất vả nhưng sau 3 tháng học xong lớp nghề Tùng có thể làm việc may gia công và có thu nhập được khoảng 2 triệu đồng/tháng. Tùng chia sẻ: “Mình cố gắng vừa học vừa may gia công để có thu nhập theo kiểu lấy ngắn nuôi dài”. Sau thời gian gần 3 năm vừa làm vừa học giờ Tùng đã có bằng tốt nghiệp THPT trong tay, cơ sở may đã mở rộng quy mô với gần 50 công nhân. Tùng chia sẻ, sắp tới sẽ cố gắng theo học CĐ để nâng cao trình độ và học thêm khóa quản lý nhân sự và doanh nghiệp. Tùng đang lên kế hoạch và chuẩn bị nhân lực, vật lực mở rộng cơ sở may thành chi nhánh của một doanh nghiệp dệt may lớn ở TP Cần Thơ, với khoảng 150 công nhân. “Giờ mình đã có thu nhập và có nguồn tài chính ổn định để mở rộng cơ sở và phát triển sự nghiệp. Mình rất vui và cảm thấy đúng khi lựa chọn theo con đường nghề. Nếu trước đây bản thân vội vàng đi làm công nhân thì giờ không biết ra sao khi trong tay chỉ có tấm bằng THCS...”, Tùng chia sẻ.
Cần quan tâm việc làm sau học nghề
Nguyễn Văn Phước |
Nguyễn Văn Phước (xã Phú Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) tâm sự: Vì gia đình khó khăn và sức học chỉ vào loại trung bình nên học xong lớp 9 năm vừa rồi em chọn theo học nghề cơ khí trường Trung cấp nghề tỉnh Vĩnh Long. Em nghĩ nếu theo học tiếp THPT thì sức học của mình chưa chắc đạt được và vấn đề là gia đình không đủ sức lo cho em học. Đến với con đường học nghề em mong sao khi ra trường có được việc làm ổn định, có thu nhập để hoàn thành chương trình GDTX và có được bằng tốt nghiệp THPT. Em cũng như các bạn khác khi chọn theo con đường học nghề lo nhất là việc làm sau khi ra trường.
Hiện nay các cơ sở hầu như có đủ nhân lực và nếu có tuyển chỉ tuyển người thợ có kinh nghiệm. Trong khi học viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, nhiều môn chỉ học, thực hành trên phương tiện, kỹ thuật đã cũ nên khi bước vào làm việc còn bỡ ngỡ, chưa đáp ứng như cầu của nơi tuyển dụng. Học viên rất cần nhà trường giảng dạy những phương pháp, kỹ thuật mới, có thể ứng dụng ngay sau khi đi làm. Rất mong nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp để SV thực tế, thực tập và có thể tìm được việc làm từ các doanh nghiệp này…