Món quà từ đại ngàn cho hành trình khởi nghiệp

GD&TĐ - Dự án “Nghiên cứu một số sản phẩm từ hạt K’nia góp phần khơi dậy giá trị bản địa, lan tỏa ý nghĩa bảo tồn rừng và phát triển cộng đồng vùng cao.

Dự án vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi tới tham quan, động viên. Ảnh: GD
Dự án vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi tới tham quan, động viên. Ảnh: GD

Dự án “Nghiên cứu một số sản phẩm từ hạt K’nia - món quà từ đại ngàn” không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo của học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (Đắk Lắk) mà còn góp phần khơi dậy giá trị bản địa, lan tỏa ý nghĩa bảo tồn rừng và phát triển cộng đồng vùng cao.

Từ một hạt nhỏ giữa đại ngàn...

Dự án là thành quả của nhóm học sinh, gồm: Hà Gia Bảo, Nguyễn Phạm Huyền Linh, Đỗ Hạnh Nguyên và Lê Trần Trâm Anh - lớp 11, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (thuộc Đại học Tây Nguyên), dưới sự hướng dẫn của cô giáo - ThS Phạm Thị Huyền Trang.

Hạt K’nia từ lâu đã gắn bó với đời sống của người dân Tây Nguyên. Cây K’nia không chỉ là loài cây gỗ quý có tuổi thọ hàng trăm năm, mà còn là biểu tượng văn hóa, tâm linh và là nguồn tài nguyên có giá trị dinh dưỡng cao. Thế nhưng, cây K’nia đang dần bị mai một do nạn khai thác rừng bừa bãi, sự thiếu quan tâm trong việc bảo tồn và chưa có hướng khai thác hiệu quả giá trị từ hạt K’nia - phần tưởng chừng như bỏ đi.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, Hà Gia Bảo - Trưởng nhóm Dự án xúc động nói: “Em sinh ra ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Từ nhỏ, em đã quen hình ảnh người dân, nhất là những trẻ em nhặt từng hạt K’nia đem bán kiếm sống. Dù vất vả, thu nhập vẫn rất bấp bênh vì ít người biết đến giá trị thật sự của loại hạt này”.

Để hiện thực hóa ý tưởng, nhóm của Gia Bảo đã thực hành khảo sát tại huyện Krông Bông và huyện Lắk (Đắk Lắk). Thực trạng cho thấy cây K’nia đang bị chặt bỏ dần để lấy đất sản xuất nông nghiệp, một phần vì người dân chưa thấy được lợi ích kinh tế thiết thực từ việc bảo tồn loài cây này. Điều đó đặt ra một câu hỏi lớn: “Liệu chúng ta có thể cứu cây K’nia bằng cách biến hạt của nó thành một sản phẩm có giá trị?”.

Từ trăn trở ấy, các em bắt tay vào nghiên cứu thành phần dinh dưỡng của hạt K’nia. Cụ thể, theo các nguồn dữ liệu từ USDA FoodData Central và ACS Publications, hạt K’nia có hàm lượng chất béo cao (70 - 75g/100g), phần lớn là axit béo chuỗi trung bình (MCFA) như lauric acid và myristic acid, cùng với hàm lượng protein khoảng 11 - 13g. Đáng chú ý, khi so sánh với hạt điều, mắc ca hay hạnh nhân - hạt K’nia có tỷ lệ chất béo cao hơn và lượng carbohydrate thấp, rất phù hợp với xu hướng dinh dưỡng lành mạnh hiện nay.

mon-qua-tu-dai-ngan-cho-hanh-trinh-khoi-nghiep-1-5273.jpg
Dự án “Nghiên cứu một số sản phẩm từ hạt K’nia - món quà từ đại ngàn” đoạt giải Ba chung cuộc. Ảnh: GD

Biến tài nguyên bản địa thành sản phẩm sáng tạo

Tận dụng lợi thế bản địa, nhóm học sinh đã nghiên cứu, chế biến thử nghiệm và giới thiệu bộ sản phẩm sáng tạo từ hạt K’nia gồm: Muối K’nia, kẹo K’nia, cookies K’nia và bánh tráng K’nia. Trong đó, bánh tráng K’nia là sản phẩm bán chạy nhất, với ưu điểm không chứa gluten, phù hợp cho người ăn kiêng hoặc người mắc bệnh celiac.

Công thức chế biến đơn giản, quy trình sản xuất thủ công, chi phí đầu tư thấp nhưng chất lượng lại đảm bảo… là những yếu tố giúp sản phẩm dễ tiếp cận thị trường. Nhóm đã đưa sản phẩm tham gia Techfest, các hội chợ đặc sản địa phương và bước đầu nhận được sự quan tâm tích cực từ người tiêu dùng, đặc biệt là người yêu đặc sản bản địa và quan tâm đến sức khỏe.

Kế hoạch tài chính cũng được xây dựng rõ ràng: Tổng doanh thu năm đầu ước tính 735 triệu đồng, tăng lên hơn 1,4 tỷ đồng vào năm thứ ba. Lợi nhuận sau thuế sau 3 năm dự kiến là 187 triệu đồng, một con số khả thi cho một mô hình khởi nghiệp học sinh. Đặc biệt, nhóm cam kết trích 30% lợi nhuận để trồng lại cây K’nia và hỗ trợ cộng đồng.

Ông Nguyễn Hữu Duẩn - Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Cao Nguyên chia sẻ: “Điều đáng quý là các em không chỉ sáng tạo ra một sản phẩm, mà còn đặt tinh thần vì cộng đồng vào từng khâu thực hiện. Dự án là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc gắn giáo dục khởi nghiệp với thực tiễn địa phương, giúp học sinh phát triển tư duy đổi mới, năng lực giải quyết vấn đề và tinh thần trách nhiệm với xã hội”.

Không dừng lại ở khía cạnh kinh tế, Dự án còn lan tỏa thông điệp nhân văn. Trong hành trình thực hiện, nhóm đã đến tận các buôn làng khó khăn, tặng quà cho trẻ em nghèo, khảo sát điều kiện sống và học tập của đồng bào dân tộc thiểu số. Những trải nghiệm đó góp phần nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và nâng cao nhận thức xã hội ở lứa tuổi học trò.

mon-qua-tu-dai-ngan-cho-hanh-trinh-khoi-nghiep-2.jpg
Nhóm học sinh tặng quà cho người dân tại các buôn làng thuộc huyện Lắk và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk khi đi khảo sát thực tế.

Hạt giống của tương lai

Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia 2025, khu vực trưng bày sản phẩm của Dự án đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi tới tham quan, động viên. Theo ông Nguyễn Hữu Duẩn, đây không chỉ là niềm tự hào với nhóm học sinh, mà còn là động lực lớn với thầy, cô và toàn ngành giáo dục Đắk Lắk.

“Thủ tướng có căn dặn các cháu hãy tiếp tục học tập, không ngừng nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp từ chính bản sắc quê hương mình, phát huy tinh thần đổi mới, phát triển thêm nhiều đặc sản địa phương để lan tỏa giá trị văn hóa, nâng tầm sản vật Việt Nam ra thế giới”, ông Duẩn nói.

TS Lê Thị Thảo - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Đắk Lắk) nhận xét: “Dự án K’nia cho thấy khi học sinh được tạo điều kiện phát triển ý tưởng gắn với thực tế, các em sẽ bộc lộ năng lực tuyệt vời. Đây là mô hình khởi nghiệp không chỉ khả thi mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Hiện tại, nhóm tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường qua mạng xã hội, các trang thương mại điện tử và liên kết với các cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch. Truyền thông cũng là một phần chiến lược trọng tâm, nhằm lan tỏa hình ảnh thương hiệu “Món quà từ đại ngàn”, gắn với câu chuyện văn hóa và tinh thần khởi nghiệp học sinh.

“Chúng em không chỉ muốn làm sản phẩm, mà còn muốn gìn giữ một biểu tượng Tây Nguyên đang dần biến mất. Nếu hạt K’nia có thể cứu cây K’nia thì mỗi sản phẩm làm ra là một hành động vì môi trường và cộng đồng”, em Nguyễn Phạm Huyền Linh chia sẻ.

Trong kỷ nguyên giáo dục hướng đến năng lực, việc khuyến khích học sinh khởi nghiệp luôn được coi trọng. Từ đại ngàn Đắk Lắk, những hạt K’nia nhỏ bé ấy đang gieo mầm cho một thế hệ lớn lao hơn: Biết mơ ước, biết hành động, biết yêu thương và biết bảo vệ những gì thuộc về cội nguồn.

Tại “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII - năm 2025”, Dự án “Nghiên cứu một số sản phẩm từ hạt K’nia - món quà từ đại ngàn”, đại diện cho Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV-STARTUP), trở thành một trong 30 dự án tiêu biểu nhất cấp THCS - THPT trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ