Thành quả đó có được nhờ thầy Nguyễn Trần Vỹ đã “đi xin” không biết mỏi. Trong cuộc thi viết chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020, học sinh đã gọi ông là “Người thầy mùa đông”.
Những bước chân không mỏi
Gần như các ngày nghỉ cuối tuần, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đều đến các thôn bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn để khảo sát thực tế. Thường thì đây đều là những thôn bản xa xôi nhất.
Có những dự án phải mất 3 - 4 chuyến khảo sát thực tế. Và hầu hết đều phải cuốc bộ, ít thì 2 - 3 tiếng đồng hồ, có khi mất cả nửa ngày trời. Từ đây, thầy Vỹ sẽ cùng một số cộng sự lên phương án cụ thể để cung cấp cho các nhóm thiện nguyện, từ lên kinh phí, kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp…
Những bước chân không mỏi của thầy Vỹ cùng với những nỗ lực trong kết nối, đến nay, đã có khoảng 50 điểm trường lẻ với khoảng 100 phòng học của các trường học ở Nam Trà My đã xóa được tranh tre nứa lá. Các điểm trường này đều được xây dựng kiên cố, ít nhất là vách gỗ.
Ngoài ra, còn có 4 - 5 khu nội trú cho HS và 20 căn nhà nhân ái cho người dân cũng từ sự hỗ trợ của CLB Kết nối yêu thương do thầy Vỹ làm chủ nhiệm và các CLB kết nối khác như CLB Bạn thương nhau, Quỹ thiện nguyện vì yêu thương...
Thầy Vỹ chia sẻ: “Tại các điểm trường lẻ, cùng với xây dựng phòng học, chúng tôi đều xây thêm nhà ở công vụ cho GV với công trình phụ khép kín, trang bị tivi và thiết bị điện năng lượng mặt trời. Cải thiện điều kiện dạy – học cho HS và GV, ngoài thu hút HS đến trường, cũng là một cách để giúp GV cắm bản yên lòng, gắn bó hơn với những ngôi trường heo hút nơi non cao”.
Thiếu thốn neo vào giấc mơ
Những năm đầu bước chân vào nghề dạy học, thầy giáo trẻ Nguyễn Trần Vỹ nhận công tác tại điểm trường Tắk Lũ của xã Trà Mai. Ngày đó, để vào được điểm trường này phải đi bộ ròng rã 6 tiếng đồng hồ đường rừng. “Dạy trong những phòng học bằng tranh, vách nứa, ngày nắng còn đỡ chứ mùa đông thì gió lùa và mưa lạnh. Lớp học mùa đông lúc nào cũng phải nhóm lửa để sưởi ấm” – thầy Vỹ kể.
Những vất vả, thiếu thốn đó cứ neo vào rồi trở thành mơ ước của thầy Vỹ về những mái trường kín gió, về một chỗ ở an toàn cho thầy cô giáo cắm bản. Trường lớp có thể không hiện đại nhưng phải sạch sẽ, an toàn, đủ ấm về mùa đông. Điều này càng trở nên thôi thúc hơn khi cuối mùa hè năm 2014, khi nhóm bạn của thầy Vỹ đến thăm điểm trường Tắk Lũ. Sau chuyến “thực tế” đó, điểm trường Măng Lưng được lựa chọn để lát gạch men các phòng học, đổ sàn xi măng sân trường với khoảng 200m2.
“Di chuyển được vật liệu xây dựng vào đến điểm trường là vô cùng gian nan. Vừa phải tăng bo bằng xe máy, vừa phải khiêng vác mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nhưng nhìn sự hân hoan, vui sướng của HS khi nằm lăn giữa sàn lớp học để chơi đùa thì chúng tôi thực sự ứa nước mắt. Thấy những vất vả, lấm láp của mình không thấm vào đâu” – thầy chia sẻ.
“Việc “xin tiền” cũng khó. Nhưng nó không khó và kiên trì bằng công tác dân vận. Phòng học khi đã xây dựng theo hướng kiên cố hóa thì cần được mở rộng diện tích. Vậy là phải thuyết phục bà con để xin đất xây trường, xây nhà công vụ, sân vui chơi. Rồi phải thuyết phục bà con cùng tham gia xây dựng, đóng góp ngày công trong vận chuyển vật liệu.
Có ý kiến thắc mắc rằng sao khi xin kinh phí xây dựng trường, không xin nhiều thêm để tính cả tiền nhân công vận chuyển. Thế nhưng, quan điểm của CLB Kết nối yêu thương lại khác. Khi cùng tham gia, người dân sẽ thấy mình gắn bó hơn với công trình trường học. Từ đó, họ sẽ góp phần bảo vệ công trình.
Giáo viên về nghỉ Tết, nghỉ hè cũng không phải bận tâm chuyện bảo vệ trường lớp vì đã có phụ huynh để mắt đến. Tất nhiên, nhóm thiện nguyện cũng tính cả chi phí hỗ trợ cho những người dân tham gia đóng góp ngày công xây dựng trường học sau khi công trình hoàn thiện” – thầy Vỹ chia sẻ.
Con cá và cần câu
Trong đợt mưa lũ kéo dài vào tháng 10, 11/2020, có những ngôi làng ở Trà Leng, Trà Vân bị cô lập gần một tuần lễ. Đường đi bị sạt lở, sóng điện thoại không có. Thầy Vỹ cùng các bạn của mình vẫn tìm cách tiếp cận được để cứu trợ đồ ăn, thức uống cho bà con. “Thế nhưng, đây chỉ là những chuyến hỗ trợ theo kiểu “phủi nóng”. Chúng tôi tính đến những dự án lâu dài và bền vững hơn để có thể giúp người dân cải thiện đời sống” – thầy kể.
Đầu tiên là dự án 100 triệu đồng tặng lợn giống cho 10 trường học tại Nam Trà My. Mỗi HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được tặng 1 con lợn giống. Số lợn giống này được thầy cô giáo và HS nuôi từ đầu năm học. Nhà trường sẽ mua lại lợn thịt để làm thực phẩm cho các bữa ăn bán trú. Tính ra, trong một năm học, mỗi HS có được 4 - 5 triệu “tiền lời” từ việc nuôi lợn. Số tiền này sẽ được các em phụ giúp thêm kinh tế cho gia đình.
Suôn sẻ được 2 năm thì dịch heo tai xanh khiến dự án phá sản, cụt luôn cả vốn. Nhưng dự án tặng lợn giống đã mở ra một hướng mới trong hoạt động thiện nguyện của thầy Vỹ cùng các cộng sự, đó là “trao cần câu” thay vì chỉ “tặng con cá”.
Chương trình cấp con giống và cây trồng cho những hộ dân đặc biệt khó khăn của vùng núi cao Nam Trà My đã được triển khai 3 năm nay. Từ giống cây lâu năm như cây quế, thầy Vỹ cùng các CLB tình nguyện chuyển hướng sang tặng các giống cây ngắn ngày, sớm có thu hoạch hơn như cây ăn trái. 15.000 cây giống các loại như quế, mít, xoài… đã được trao tặng cho các hộ dân cải thiện sinh kế.
“Cây trồng, giống vật nuôi, nhà ở, trường học” là những gì CLB Kết nối yêu thương hướng tới. Mới đây nhất, 10 em HS mồ côi Trường Tiểu học Kim Đồng đã được bảo trợ học tập. Theo đó, hiện tại, mỗi em được hỗ trợ tượng trưng 500.000 đồng/tháng. “Thực ra, đây là khoản tiền để HS phụ giúp thêm gia đình các em chứ HS đi học thì đã có chế độ chính sách. Số tiền hỗ trợ này sẽ được tăng thêm, gồm cả học phí và sinh hoạt phí nếu các em vào được ĐH hoặc học nghề. Đây là sự tiếp sức dài hơi giúp cho con đường học vấn của các em được trọn vẹn, có nghề nghiệp để mưu sinh” – thầy Vỹ cho biết.
Ba tháng không một đồng lương đưa vợ
Em Nguyễn Ngọc Trân Châu (HS Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai), trong cuộc thi viết chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020 đã gọi thầy Nguyễn Trần Vỹ là “Người thầy mùa đông”. Trong tâm trí của cô học trò nhỏ này, hình ảnh của thầy Vỹ gắn liền với những túi đồ ăn, sữa, bánh kẹo, áo ấm, cháo dinh dưỡng cho các bé mầm non, các bạn HS trong những nhà tạm trú, giúp các em ấm bụng và bớt sợ hãi giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Theo đuổi các chương trình thiện nguyện, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không có nhiều thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình. Đó là điều thầy Vỹ tiếc nuối nhất khi tình nguyện trở thành người “đi xin”. Căn nhà nhỏ ở TP Tam Kỳ vì vậy thường chỉ có 3 mẹ con ngay cả những ngày nghỉ.
“Ban đầu mình cũng không vui vì nói thực là cả tuần chồng đã đi dạy học ở xa rồi. Ai cũng muốn có những giây phút vợ chồng, con cái sum họp, bữa cơm có đầy đủ cả nhà. Nhưng rồi nhìn vào những gì chồng mình làm được cho các em HS vốn có quá nhiều thiếu thốn, mình cũng tự thấy chồng cần phải được ủng hộ” - cô Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bộc bạch.