Người thay đổi đời tôi

Người thay đổi đời tôi

(GD&TĐ) - Trong lần nghỉ phép về quê, tôi đã đi lại qua con đường ngày xưa đi học. Giờ nó đã thay đổi nhiều. Đó là con đường đã gắn với tuổi thơ một thời học sinh trung học của tôi. Buổi sáng mùa xuân Tây Bắc se lạnh, màu sương phủ đầy cây cối và cỏ dại rồi có một chút gì đó làm cho tôi rung động.

Tuổi thơ của những đứa trẻ vùng cao như tôi không có cánh diều bay lượn trên những triền đê lộng gió. Tôi phải lên nương hoặc đi chăn trâu, đó là công việc ít nhất, chúng tôi phải đối mặt sau mỗi buổi tan học về. Ở lớp, tôi cũng là một học sinh khá trầm, được cái ngoan. Cuối tuần tôi thường bị phê bình và phạt quét lớp. Đã nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc thật sự, chỉ muốn ôm lấy nương ngô, nương sắn cùng bố mẹ cho các em  đỡ khổ. Đã có những lúc tôi thấy những củ sắn, bắp ngô ấy còn quan trọng hơn những con chữ xa vời ở trong lớp học kia. Tôi không muốn đi học nữa. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Một thời gian sau lớp 6A2 chúng tôi có cô giáo chủ nhiệm mới, cô Nguyễn Thị Như Quỳnh. Một cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp đại học sư phạm xin lên dạy ở miền núi. Trong mắt tôi chỉ thấy cô xinh nhất trường, vì trường tôi rất ít cô giáo. Cô gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy và chủ nhiệm lớp vì tất cả học sinh toàn là người dân tộc thiểu số, vốn tiếp thu bài rất chậm và lười. Có những lúc cô rất nghiêm khắc với những bạn hư, lười và trốn học.... Chúng tôi bắt đầu sợ những quy định mới cô đề ra. Từ khi cô chủ nhiệm lớp có vẻ học tốt hơn. Nhưng giữa chúng tôi và cô còn một khoảng cách. Trong các tiết  sinh hoạt ngoài giờ cô cố gắng tìm hiểu về học sinh của mình, cô hỏi về bố mẹ, anh chị em và phong tục tập quán của chúng tôi vì với cô, những thứ đó quá xa lạ. Cô hay hát cho chúng tôi nghe. Nhưng thú vị nhất là cô học nói tiếng dân tộc Thái, Mông. Đó là những kỉ niệm sẽ in mãi trong trái tim tôi. Trong tiết sinh hoạt cuối tuần, chúng tôi vẫn thường xuyên bị nhắc nhở. Chính vì thế ngày nào tôi cũng phải đi học chỉ vì không muốn bị phạt. Mà bố mẹ biết bị phạt có khi còn bị dính đòn, điều đó với tôi thật tồi tệ. 

Tôi đi học thật khổ. Ngày nào cũng đi bộ hết khoảng hai tiếng. Đó là một con đường rừng ngoằn ngoèo, hun hút xa nhầy nhụa vào những ngày mưa lũ, đèn pin soi bước đi gấp gáp để kịp vào lớp. Ai khổ hơn chúng tôi? Nhưng tôi cũng tự hào khi tổng kết học kì I tôi được học sinh tiên tiến. Bố mẹ tôi cũng vui nhưng lo cho tôi cũng nhiều, chỉ vì nhà tôi nghèo không có tiền đóng các khoản cho tôi học. Mẹ tôi bảo tôi nghỉ học đi làm nương cùng gia đình vì tôi là anh cả biết làm nhiều. Làm phận con, tôi cũng nghĩ thế nhưng tôi buồn. Tôi đã nghỉ học lên nương theo đôi chân trần của mẹ.  

Mấy ngày sau, tôi nhớ bạn, nhớ thầy cô, nhớ những ngày tới trường. Tôi thấy mệt mỏi bởi cuộc sống ở bản khổ lắm. Tôi chỉ biết cam chịu và vượt qua như mẹ tôi và bao người khác. 

Không thấy tôi đến lớp cô hỏi han bạn bè, cô cũng biết gia cảnh nhà tôi. Cô đã viết cho tôi một lá thư động viên tôi tới trường học tiếp. Đọc mà xúc động, trong lòng nhẹ nhõm vì cô đã hiểu được cuộc sống học sinh vùng cao như  chúng tôi. Tôi rất muốn đi học lại, nhưng tôi thương mẹ và chấp nhận thiệt thòi so với các em.

Một ngày cô lại đến tận nhà tôi động viên gia đình cho tôi đi học. Ngày hôm đó tôi cũng ngại và ngượng ngịu khi nhìn thấy cô. Đó là điều bất ngờ nhất cô dành cho tôi. Con đường đi khó lắm, vượt qua bao nhiêu đồi núi mới đến bản tôi, ấy vậy mà cô không sợ gian khổ. Cô đi xe vào nhưng con đường nhỏ hẹp, quanh co xe không vào được, cô phải gửi ngoài này để đi bộ vào bản. Con đường cô đi in những vết chân. Đấy cũng là con đường em phải đi để thay đổi cuộc đời. 

Tôi xúc động trước sự quan tâm chu đáo của cô. Hình ảnh của cô, của các thầy cô giáo vùng cao chịu khó, chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số thật đáng kính trọng. Hôm sau tôi đến lớp học, bạn bè tôi vui lắm. Tất cả đều mừng rỡ đón tôi vào lớp học. Nhưng vui nhất vẫn là cô giáo của tôi. Ngày hôm đó cô cho tôi năm quyển vở và hai cái bút, cô bảo tôi cố gắng học để bố mẹ vui lòng. 

Lòng nhân hậu cô luôn dành cho chúng tôi như thế. Sau ba năm dạy ở Trường THCS Ảng Cang, cô đã chuyển công tác, để lại cho tôi nhiều bài học quý giá. Tôi luôn cố gắng hết mình để không phụ lòng cô cũng như thực hiện ước mơ, với khát vọng thành đạt. 

Sau 10 năm, giờ tôi đã là sinh viên năm thứ ba một trường đại học lớn ở Hà Nội. Cô đã làm đổi cuộc đời tôi. 

Giờ đây, tôi nhận ra cuộc đời chưa phải là hết nếu chúng ta cố gắng, có niềm tin, nghị lực để phấn đấu vượt qua những khó khăn. Cảm ơn cô giáo chủ nhiệm lớp 6 của tôi. Cô là một người chị biết yêu thương, một người mẹ biết chăm lo và một người cô biết quan tâm, dạy dỗ cho tôi và các bạn tôi trở thành người có ích cho xã hội.

Mã số: 1005

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ