Người thầy của trẻ mồ côi

GD&TĐ - Hơn 20 năm miệt mài dạy học sinh mồ côi Trường Hermann Gmeiner (TP Đà Nẵng), thầy Nguyễn Việt Tuấn đã “chắp cánh” cho biết bao thế hệ học trò vượt lên, trở thành người có ích cho xã hội. Thầy đã trở thành người cha, người chú, người anh của các em, giúp các em lấp đầy khoảng trống về tình cảm. Dịp 20/11/2018, thầy vinh dự được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen và vinh danh tại Văn miếu - Quốc Tử Giám.

Người thầy của trẻ mồ côi

Đồng cảm

Thầy Tuấn chia sẻ, vợ thầy cũng mồ côi cha khi mới 5 tuổi. Vì thế, thầy rất đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn về tình cảm của học sinh làng SOS. Đây cũng là lý do vì sao từ một giáo viên biên chế của trường công lập, thầy quyết định chuyển sang Trường Hermann Gmeiner – ngôi trường của tổ chức phi chính phủ - để dạy học.

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy Tuấn được điều động về làm giáo viên tại Trường THPT Ayunpa (Gia Lai). 5 năm dạy học ở miền núi trôi qua. Đến năm 1986, Bộ GD&ĐT điều động thầy về Sở GD&ĐT Đà Nẵng. Thầy được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Hòa Vang.

Thầy Tuấn nhớ lại, mùa hè năm 1997, một đồng nghiệp vừa chuyển từ một trường công lập sang làm việc tại Trường Hermann Gmeiner – ngôi trường vừa mới đi vào hoạt động. Đồng nghiệp đó có nhờ thầy đi phiên dịch cho một phái đoàn của một tổ chức phi chính phủ đến thăm các trẻ em Làng SOS tại Trường Hermann Gmeiner. Sau buổi làm việc, thầy được tặng một số tập san vừa là tiếng Anh, vừa là tiếng Việt giới thiệu về tổ chức SOS và hệ thống Trường Hermann Gmeiner trên toàn thế giới.

Đọc xong các tập san, thấu hiểu được mục đích cao cả của tổ chức nhân đạo này, đặc biệt là câu trích dẫn của tiến sĩ Hermann Gmeiner - người sáng lập ra làng trẻ em SOS: “Phần thưởng cho công việc của chúng ta, cho những khó khăn và thuận lợi của chúng ta là nụ cười của hàng chục nghìn trẻ em sống tại các làng SOS trên toàn thế giới”. Hôm sau, thầy bàn với vợ và quyết định làm đơn xin chuyển sang Trường Hermann Gmeiner dạy học.

Những năm đầu dạy ở ngôi trường này, hầu như giáo viên không có thời gian rảnh. Sáng - chiều dạy trên trường, tối qua Làng SOS phụ đạo cho các học sinh yếu và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khá giỏi để các em có nền tảng kiến thức thi vào CĐ, ĐH. Vì thế, thầy Tuấn có dịp tiếp xúc, trò chuyện với học sinh nên cũng phần nào hiểu về hoàn cảnh của các em. Một số em có thể hòa nhập thực sự với cuộc sống xa người thân nhưng cũng có em thì tỏ ra chán nản, bất cần.

“Công bằng mà nói, các em sống dưới mái ấm, tình thương của Tổ chức SOS không thiếu thứ gì về vật chất. Trong mỗi gia đình (một làng có khoảng 10 gia đình, mỗi gia đình có một mẹ và một dì sống độc thân chăm sóc khoảng 12 - 15 con) đều có tivi, tủ lạnh, ăn uống no đủ. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có cơm ngon và áo đẹp, các em rất nhạy cảm vì hoàn cảnh của mình. vì thế mọi lời nói, hành động cử chỉ của chúng tôi luôn được cân nhắc, để không chạm vào nỗi buồn của các em, khiến các em tủi thân” – thầy Tuấn chia sẻ.

Hạnh phúc khi học trò trưởng thành

Kể về những kỷ niệm với học trò của mình, thầy Tuấn cười tươi: “Một trong những học sinh để lại ấn tượng nhất đối với tôi là em Vũ Như Tiến - trẻ mồ côi sống tại Làng SOS Đà Nẵng. Tiến là một học trò thông minh và cần mẫn. Năm học lớp 10, Tiến được cấp học bổng toàn phần của tổ chức SOS để học trung học tại ở Na Uy. Tốt nghiệp Tú tài quốc tế tại Na Uy, Tiến tiếp tục nhận học bổng đại học của Trường Luther College (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp cử nhân, em tiếp tục theo học thạc sĩ ngành thống kê học tại ĐH Minnessota và tốt nghiệp vào tháng 8/2014. Từ đó đến nay, em vừa làm việc tại Trường Đh Minnessota, vừa theo học chương trình tiến sĩ”.

Thầy Tuấn cho hay, để có thành quả như vậy, ít ai biết được trước đó, Tiến rất bi quan cho tương lai của mình. Bằng tình thương chân thành của thầy cô giáo, của các mẹ, các dì và các chú nhân viên Làng SOS, Tiến đã lấy lại sự tự tin và nỗ lực hết mình trong học tập. Kết quả, Tiến đã không phụ lòng mọi người.

“Trong những lần bồi dưỡng tiếng Anh cho Tiến, những lúc giải lao, tôi đã phân tích rất nhiều về vai trò quan trọng của kiến thức, khuyên em nên quên đi những ưu phiền mà tập trung vào học tập. Giờ đây, em đã tự tin bay xa, mang lại niềm tự hào cho Làng SOS, cho Trường Hermann Gmeiner và cả cho Tổ chức SOS” – thầy Tuấn phấn khởi nói.

“Bước sang năm 2019, mong ước lớn nhất của tôi là các em hạnh phúc mỗi khi đến trường và “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của thầy và trò. Mong rằng, ngành giáo dục tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa trong sự nghiệp trồng người”  
Thầy Nguyễn Việt Tuấn

Thời gian thoi đưa, mới đó mà đã hơn 20 năm thầy Tuấn bám trụ với ngôi trường đặc biệt này. Một phần cũng là vì thương học trò, muốn bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho các em. Thứ nữa cũng là thực hiện tâm nguyện của vợ: “Trẻ em mồ côi chịu nhiều thiệt thòi và không có tuổi thơ, vì thế anh hãy giúp các em có được những gì mà em chưa từng có”.

“Thành thực mà nói, sau nhiều tiếng đồng hồ mệt nhoài với những vui, buồn trên lớp, đôi lúc về đêm, tôi cũng có trăn trở về việc “được” và “mất” trong môi trường đặc biệt này. Nhưng rồi những ánh mắt đầy tin tưởng của các em học sinh mồ côi lại hiện ra trong tâm trí tôi, để rồi những lăn tăn về “được” và “mất” lại nhanh chóng bay đi, nhường chỗ cho những dự định, bài giảng của ngày hôm sau. Và quan trọng, bên cạnh tôi luôn có người đồng hành, động viên mỗi khi tôi nản lòng, đó là vợ - “người chính ủy” tuyệt vời nhất của tôi” – thầy Tuấn bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.